Vật liệu nổ trong điện ảnh: Không phải chuyện đùa

NDO -

NDĐT – Vật liệu nổ dù sử dụng chỉ trong điện ảnh nhưng cũng cần phải được bảo quản và sử dụng hết sức cẩn trọng, nếu không có thể gây ra những tai nạn nặng nề. Tuy nhiên, sau khi được cổ phần hóa, hiện tại Hãng phim truyện Việt Nam có những kho vũ khí gần như đang bị “bỏ hoang”, mặc dù các nghệ sĩ và những người trông coi đã lên tiếng rất nhiều lần.

Hình ảnh mới nhất (ngày 19-1) tại kho chứa vật liệu nổ của VFS tại Cổ Loa. Nhà kho bỏ hoang và cây dại mọc trùm kín cửa.
Hình ảnh mới nhất (ngày 19-1) tại kho chứa vật liệu nổ của VFS tại Cổ Loa. Nhà kho bỏ hoang và cây dại mọc trùm kín cửa.

Chắc dư luận chưa thể quên được vụ nổ làm chết 10 người tại gia đình nghệ sĩ Lê Minh Phương (thường gọi là Phương “khói lửa”) hồi đầu năm 2013 tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân tai nạn được cho là do số vật liệu nổ đạo cụ lưu giữ tại nhà nghệ sĩ Lê Minh Phương gặp sự cố phát nổ, gây ra sự việc đau lòng. Những vật liệu nổ tìm thấy ở hiện trường gồm có đạn mã tử, nhiều vỏ đạn (đã tháo thuốc) cùng các đạo cụ như súng, lựu đạn… để tạo hiệu ứng cháy nổ trong phim. Đây cũng là những loại vật liệu nổ phổ biến dùng trong phim ảnh hiện nay.

Điều đáng nói là trong khi nhiều nước đã sử dụng công nghệ cao để tạo hiệu ứng cháy nổ, thì điện ảnh Việt vẫn còn khá thô sơ với hầu hết các vật liệu nổ là thuốc nổ thật hoặc thuốc pháo…, nguy hiểm và có độ sát thương cao. Trong khi đó, điều kiện bảo quản, lưu giữ các vật liệu này khá thô sơ, thậm chí là sơ sài và gần như chưa thực sự được quan tâm.

Tại Công ty cổ phần phát triển phim truyện Việt Nam, tiền thân là Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), cho đến nay còn tồn tại những điểm lưu giữ vật liệu nổ như vậy. Nguy hiểm hơn, kể từ ngày cổ phần hóa, chủ đầu tư tuyên bố do không có kinh phí, cho nên đã rút hầu hết người có trách nhiệm trông nom các kho vũ khí, vật liệu nổ đạo cụ này, khiến những kho lưu giữ này gần như vô chủ, không chỉ tạo nên mối nguy hiểm về an toàn cháy nổ trong khu dân cư, mà còn tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng…

Ông Phan Trọng Bích, Phó Xưởng Thiết kế - Mỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, ngày 17-12-2018, ông đã gửi đơn tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như lãnh đạo VFS về việc kho súng đạn của Hãng không có ai bảo vệ, nhưng cho đến nay vẫn không có phản hồi.

Theo ông Phan Trọng Bích, Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị có truyền thống về điện ảnh cách mạng, cho nên hãng có kho thuốc nổ, đạn mã tử và nhiều vật liệu cháy nổ từ những năm 1960. Đạn mã tử là một loại đạn giả, không có đầu đạn nhưng vẫn có thuốc súng, tạo ra tiếng nổ, khói và ánh chớp lửa như đạn thật, được sử dụng trong bắn tập cho tân binh, lễ thượng cờ hoặc trong điện ảnh. Loại đạn này tuy không gây sát thương nhưng vẫn nguy hiểm ở cự ly gần, và vì có thuốc súng cho nên nếu bị lợi dụng thì vẫn gây nguy hiểm.

Ông Phan Trọng Bích cho biết: “Tôi tiếp nhận kho vũ khí của Hãng từ cách đây bảy năm. Tôi đã từng gửi văn bản báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Hãng về việc kho đạn vẫn còn nhiều đầu đạn cối, thuốc nổ, và đề nghị tiêu hủy vì số vật liệu nổ này đã qua nhiều năm rồi. Tuy nhiên cả Bộ và Hãng đều không có ý kiến gì. Trước khi cổ phần hóa, chúng tôi cũng đã báo cáo cả Bộ Công an về vấn đề này”.

Vật liệu nổ trong điện ảnh: Không phải chuyện đùa ảnh 1

Nhà kho chứa vật liệu nổ ở Cổ Loa bị bỏ hoang lâu ngày, cây cối phủ kín chung quanh.

Xưởng Phó Xưởng Thiết kế - Mỹ thuật còn cho hay, điều nguy hiểm hơn là hiện tại Hãng vẫn còn một kho chứa vũ khí, vật liệu nổ đặt tại Cổ Loa, trước đây có người trông nhưng nay đã cắt giảm do thiếu kinh phí, cho nên kho gần như để hoang giữa khu dân cư. “Trước đây Hãng có cử một người bảo vệ là anh Đỗ Công Nam, sau khi đến tuổi về hưu thì Hãng vẫn tiếp tục ký hợp đồng làm việc với anh Nam, tuy nhiên sau khi cổ phần hóa thì anh Đỗ Công Nam không được thuê tiếp. Anh Đỗ Công Nam nghỉ và bị cắt lương một năm nay, nhưng đến nay chúng tôi mới được biết. Tôi đã báo cáo ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) là đơn vị chủ đầu tư của Hãng, ông Thắng cũng đã nói là sẽ chịu trách nhiệm nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động gì thay đổi”.

Kho vật liệu đặt tại Cổ Loa này đã tồn tại hơn 40 năm nay, nhà kho đã rất xuống cấp, chung quanh chỉ có bãi đất và cây cối, hoàn toàn không có hàng rào, nay lại không có cả bảo vệ. Nguy hiểm nhất là có những quả đạn cối mà ông Phan Trọng Bích cho biết “không biết đã tháo kíp nổ chưa”.

Mới đây, ngày 15-1, VIVASO tiếp tục đưa ra danh sách cắt lương và bảo hiểm của 30 cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ của Hãng phim vì cho rằng không có việc làm, không đủ kinh phí để chi trả. Trong danh sách cắt lương, cắt bảo hiểm có cả tên ông Phan Trọng Bích, điều đáng nói là hiện nay ông Bích đang chịu trách nhiệm chính việc bảo quản, lưu giữ kho vật liệu nổ đặt tại Hãng. “Trong quyết định không trả lương có tên tôi nhưng không nói là sẽ phải bàn giao lại kho vật liệu nổ cho ai. Đây là việc phải có chuyên môn, kỹ thuật. Kho có gần 1.000 khẩu súng vẫn còn sử dụng được, và phải bảo quản, bảo dưỡng định kỳ, hiện tại đang “vô chủ”. Hãng chỉ có một vài bảo vệ trông coi bên ngoài chứ không có ai trực tiếp bảo quản, giữ kho vật liệu nổ này.

Như vậy, nguy cơ cháy nổ là hiện hữu, và vô cùng nguy hiểm khi kho vật liệu nổ tại Hãng hiện đang nằm giữa khu dân cư, còn kho vật liệu ở Cổ Loa trước đây nằm ở khu đất trống nhưng hiện nay do nhu cầu phát triển nên khá đông dân cư cũng đã chuyển sinh sống ở gần khu vực này. Bài học cháy nổ chết người đã từng có, và nếu như những kho vật liệu nổ này vẫn tiếp tục bị “bỏ ngỏ” như vậy, thì việc xảy ra tai nạn cháy nổ hoặc bị kẻ xấu lợi dụng chỉ còn là thời gian mà thôi.