Vào cắm cờ trên Dinh Ðộc Lập

<I>11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 quân ta chiếm Dinh Độc Lập.</I>
<I>11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 quân ta chiếm Dinh Độc Lập.</I>

9 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi đại đội xe tăng chúng tôi bắn cháy chiếc xe M48 của địch trên cầu Sài Gòn, toàn đơn vị quyết định vượt cầu nhằm hướng Dinh Ðộc Lập lao tới.

Thú thật lúc này tôi cũng chưa biết Dinh Ðộc Lập nằm ở đâu. Tôi nhớ lại trước đó, tại khu tập kết chiến dịch trong rừng cao-su Miền Ðông, Chính ủy Lữ đoàn Bùi Văn Tùng giao nhiệm vụ cho chúng tôi trên bản đồ du lịch Sài Gòn, căn dặn: "Vào đến Sài Gòn, nếu địch chống cự thì đánh, địch không chống cự thì bỏ qua mà tiến". Như sợ chúng tôi không biết đường, Chính ủy dặn thêm: "Qua cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ tư thì rẽ trái chạy thẳng sẽ tới Dinh Ðộc Lập".

Vượt qua cầu Sài Gòn, càng vào sâu, thành phố trong chiến tranh vắng ngắt, chỉ còn tiếng nổ ầm ầm của xe tăng chúng tôi. Những ngôi nhà lúp xúp chen lẫn những ngôi nhà cao tầng đều đóng cửa im ỉm như nín thở chờ chiến tranh đi qua. Chúng tôi tập trung cao độ quan sát từng góc chết của các khu nhà, những con hẻm, ngách phố, súng đạn lăm lăm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ, lòng nơm nớp lo sợ bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra từ những chỗ ấy... Sự tập trung cao độ làm chúng tôi quên đi cái nắng gay gắt của tháng tư Sài Gòn. Ngồi trong xe tăng như trong lò ấp trứng, mồ hôi ai cũng túa ra ướt đẫm cả áo quần.

Ðến ngã tư Hàng Sanh, xe tôi rẽ trái. Ði trước là một xe của đại đội 3 do đồng chí Hùng làm trưởng xe. Tôi phát hiện hai xe M41 của địch ở phía trước trên cầu, chưa kịp xử lý tình huống thì một quầng lửa trùm lên xe của Hùng. Xe đại đội 3 bốc cháy, Hùng bị thương. Pháo thủ xe tôi đã kịp thời nổ súng bắn cháy cả hai xe M41 của địch ngay tại cầu. Sau này tôi mới biết, đây là cầu Thị Nghè. Sau khi đưa Hùng và các thành viên trong xe bị thương vào nhà dân gửi tạm, hai xe phía trước đạn đã nổ hết, tôi ra lệnh cho xe tăng tiến. Chúng tôi đến trước một công viên sở thú, tôi không biết mình đã vượt qua bao nhiêu ngã ba, ngã tư. Tôi ra lệnh dừng xe, đứng dưới lòng đường. Từ phía trước, một phụ nữ đi xe máy lao tới. Tôi ra hiệu cho xe dừng lại, nhưng chiếc xe vẫn lao đi như không biết đến cử chỉ của tôi. Trong óc tôi thoáng nghĩ nhanh đây là cơ hội hiếm hoi. Ngón tay cái tôi hạ phanh chốt an toàn nổ ba phát chỉ thiên. Như đón được thái độ kiên quyết của tôi, chiếc xe máy phanh gấp chững lại. Trước mắt tôi, một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi mặt mày tái mét, mặc dù đã có lớp son phấn phủ lên. Tôi chuyển giọng ân cần, đề nghị:

- Chị chỉ hộ tôi đường vào Dinh Ðộc Lập.

- Tôi chỉ xong ông cho tôi đi chứ? - Người phụ nữ vừa nói vừa run, chắc chị sợ như cảnh Mậu Thân năm 1968.

- Vâng, xong việc, chị hoàn toàn tự do - Tôi khẳng  khái.

- Ông đang đứng trước Dinh Ðộc Lập đó - chị nói mà không dám chỉ tay - nó bên trong rừng cây này.

Dinh Ðộc Lập không đồ sộ như suy nghĩ của tôi, nhưng nó là khu nhà bề thế nằm sau rừng cây. Tôi lên xe tiến thẳng đến cổng chính. Linh cảm cho tôi biết đây đúng là sào huyệt của ngụy quyền Sài Gòn. Không thấy có dấu hiệu đầu hàng, thay vào đó là cảm giác địch đang cố thủ ở trong đợi chúng tôi đến. Tôi ra lệnh:

- Pháo hai nạp đạn.

- Báo cáo còn hai viên.

- Nạp một viên ngắm chính giữa Dinh Ðộc Lập. Bắn.

- Ðạn không nổ.

- Tháo ra nạp lại.

- Nạp xong.

- Bắn.

- Báo cáo không nổ.

- Tháo đạn. Quay pháo ra sau.

Suốt chặng đường tiến vào Dinh Ðộc Lập, xe tăng 843 do tôi trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu, tiếp sau là xe 390 của chính trị viên đại đội Vũ Ðăng Toàn. Xe tăng 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Ðộc Lập húc thẳng vào cổng phụ ngay bên cạnh cổng chính, xe dừng lại. Ngay sau đó xe 390 xông lên húc đổ cổng chính Dinh Ðộc Lập. Cánh cổng sắt bung ra, xe tôi cũng lao vào bên trong sân trước. Trong Dinh Ðộc Lập vẫn không thấy có sự phản ứng gì. Tôi đoán bọn chúng đã bỏ chạy.

Nhớ đến nhiệm vụ mà Chính ủy Lữ đoàn đã giao là đơn vị nào vào trước có quyền cắm cờ và bắt nội các Dương Văn Minh, tôi liền giao lại quyền chỉ huy xe cho đồng chí Thái Bá Minh (là pháo thủ). Tôi rút cần ăng-ten của xe, trên có lá cờ giải phóng, lá cờ đã theo xe tôi trong suốt chiến dịch lập nên bao chiến công oanh liệt. Tôi chỉ kịp nói với các thành viên trên xe: "Nếu 10 phút nữa không thấy tôi ở cột cờ thì còn một viên đạn nữa bắn nốt vào Dinh". Tay phải tôi cầm lá cờ quấn vào cần ăng-ten chạy thẳng vào Dinh Ðộc Lập. Lên đến cầu thang, tôi mới cảm thấy lạnh sườn, đi có một mình, trong tay không có vũ khí. Lúc này, lựu đạn, súng ngắn, AK tôi đều để lại trên xe. Nhưng để chớp thời cơ, tôi lao thẳng lên tầng 2. Tại căn phòng, từ phía bên phải cầu thang tôi thấy lố nhố có người đi tìm đường lên cột cờ, tôi lao vào phòng, đầu tôi đập vào cửa kính trong suốt bị choáng, ngã ngồi xuống ngay trước cửa. Trong chốc lát, tôi tỉnh lại, thấy một nhân viên của ngụy quyền Sài Gòn ra mở cửa, tôi mới biết căn phòng được ngăn bằng cửa kính. Tôi nắm chắc lấy tay y, nói gấp:

- Cho gặp Dương Văn Minh ngay.

- Vâng, vâng... để tôi vào báo tổng thống - giọng y run run.

Một lát sau, Dương Văn Minh ra, tôi nghĩ, túm lấy tay này là chắc nhất. Tôi dùng sức mạnh bình sinh nắm lấy cổ tay y, cổ tay một người già béo bệu mềm nhũn. Y hơi nhăn mặt lại, chắc là đau lắm. Tôi quát to "Dẫn lên cột cờ ngay" vừa để trấn áp viên tổng thống vừa để trấn an mình, bởi lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên, một đại đội trưởng xe tăng, tay không lọt vào sào huyệt của kẻ thù. Tôi nghe Dương Văn Minh nói tiếng được tiếng không về bàn giao chính phủ gì gì đấy. Tôi không quan tâm mà tiếp tục đề nghị dẫn tôi lên cột cờ ngay. Dương Văn Minh gọi tên nhân viên gặp tôi lúc trước dẫn tôi lên cột cờ.

- Ông thả tay tôi ra - Dương Văn Minh đề nghị gấp gáp.

Tôi vừa thả ra, y đã thụt vội vào trong biến mất.

Tôi được đưa đến trước hai cánh cửa sắt, người dẫn đường ấn hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như thùng sắt đựng lúa của nông dân.

- Mời ông vào trước.

Tôi nghiêm mặt nhìn y đầy ngờ vực. Bọn này định thủ tiêu mình hoặc chí ít nó sẽ lừa mình nhốt lại làm tù binh, con tin chắc? Như đoán được suy nghĩ của tôi, y giải thích: "Thưa ông, đây là cầu thang máy, lên cho nhanh". Tôi sốt ruột vì thời gian đôi co. Trong tôi thoáng nghĩ, nếu chúng nó muốn bắt mình hoặc giết mình, chắc không bày cách đơn giản thế này. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi đã biết thang máy thế nào đâu. Sốt ruột quá, tôi nói: "Ông vào trước đi, nhớ quay mặt vào trong". Y đi vào, tôi vào theo. Y với tay ấn nút, tôi giữ tay y lại hỏi: "Ông làm gì đấy?" - "Tôi ấn thang máy mà". Lần này y trả lời tôi rõ ràng hơn.

Tôi có cảm giác được nâng lên. Cánh cửa thang máy mở ra, tôi lao thẳng đến cột cờ kéo dây hạ cờ ba sọc - biểu tượng của chính thể Việt Nam cộng hòa xuống. Do buộc quá chặt, cứ khoảng 20 cen-ti-mét lại có một móc sắt. Tôi lần gỡ được hai móc, sốt ruột quá liền đưa răng vào cắn mép trên xé rách lá cờ.  Lúc này, ngoài Dinh Ðộc Lập, xe tăng, bộ binh ta đã tràn vào. Tôi rút cờ giải phóng ở cần ăng-ten ra buộc vào, kéo lên. Lá cờ giải phóng bay phần phật trên nóc Dinh Ðộc Lập trong bầu trời ngập nắng của thành phố Sài Gòn. Tôi hạ cờ xuống lấy bút máy Trường Sơn mang theo ghi vào góc dưới lá cờ dòng chữ: 11 giờ 30' ngày 30-4-75, bên dưới ghi thêm chữ Thận rồi lại kéo lá cờ lên. Tôi gấp lá cờ ngụy lại, đem xuống nhét vào hòm kính xe tăng. Sau này giao lại cho cán bộ bảo tàng nhà nước.

Tôi thấy trong Dinh Ðộc Lập, ngoài đường phố, bộ đội, nhân dân, cả rừng người, rừng cờ, rừng hoa đang hân hoan đón chào chiến thắng. Tôi vào xe tăng để được hưởng những giây phút tĩnh lặng, những giây phút chúng tôi vẫn thường có giữa hai trận đánh. Một thoáng buồn xâm chiếm cõi lòng, tôi nghĩ đến những đồng đội của tôi cách đây mấy giờ vừa ngã xuống trước cầu Sài Gòn. Những đồng đội còn nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ để cho tôi được sống đến ngày nay. Việc cắm cờ trên Dinh Ðộc Lập tôi không làm thì đồng đội, đồng bào của tôi sẽ làm. Riêng với bản thân mình, tôi cảm ơn lịch sử đã tặng cho tôi một cơ hội được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong việc giành lại hòa bình dân tộc. Trong giờ phút linh thiêng này, tôi lại nhớ về quê hương xứ sở, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, đó là mảnh đất vùng duyên hải Thái Bình ngày đêm ì ầm tiếng sóng biển xô bờ. Nơi ấy, có bố mẹ tôi, tóc đã điểm sương đang ngày ngày ngóng chờ đứa con thân yêu của mình đem về tin chiến thắng. Và vợ tôi, cô gái vùng biển mặn mòi thương nhớ đang khắc khoải mong ngày sum họp... Bất giác, tôi mỉm cười một mình khi nghĩ đến các con tôi sau này, chúng sẽ được lớn lên trong tự do, ấm no, hạnh phúc, và không bao giờ còn nhìn thấy cảnh đạn bom, khói lửa nữa...