Nghệ thuật múa rối Việt Nam và "khoảng trống" cần lấp

Với sự công phu trong nghệ thuật tạo hình, sự điêu luyện trong cách thức điều khiển con rối, nghệ thuật múa rối Việt Nam trải qua thời gian dài hình thành, phát triển đã trở thành một "đặc sản" độc đáo của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, đứng trước cuộc sống mới nhiều biến động, ngành múa rối cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng nhu cầu vừa bảo tồn, vừa phát triển.

Tiết mục Múa khèn của Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Tiết mục Múa khèn của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Nghề diễn nhiều bấp bênh

Dù đã cố gắng đổi mới, khai thác kết hợp các loại hình nghệ thuật, song múa rối Việt Nam vẫn chưa thật sự phát triển và đang rơi vào tình trạng báo động. Thực tế cho thấy, múa rối nước vẫn chỉ lặp lại các trò: đánh cá, chăn vịt, úp lơm, đua thuyền, chọi trâu... hay Phùng Hưng đánh hổ, Lê Lợi trả gươm... Còn rối cạn thì chỉ quẩn quanh hình thức biểu diễn cũ kỹ, nặng về mô phỏng sân khấu kịch, trò ít, lời nhiều. Cách đây bảy năm, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thống kê được hàng trăm tích trò rối nước, nhưng đến nay, chỉ còn hơn mười tích trò được bảo lưu và được các nhà hát, phường rối biểu diễn. Yếu tố quyết định sự thành bại của một tiết mục rối là ở khâu chế tạo bộ máy điều khiển. Tuy nhiên, khi những nghệ nhân cao niên "khuất núi" thì cũng là lúc những bí mật chế tác thất truyền. Vì thế mà cả một gia sản khổng lồ những tích trò truyền thống dần dà biến mất, khó có cơ sở để phục dựng. Tích trò đã đơn điệu, lại thêm một số đơn vị múa rối mải mê chạy theo lợi nhuận, sáng tạo những tiết mục dễ dãi, hàng loạt để phục vụ du lịch, cho nên chất lượng nghệ thuật của nhiều tiết mục rối cũng đang nhạt dần.

Bên cạnh đó, nghệ thuật múa rối Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân sự khi số lượng nghệ sĩ múa rối ở nước ta chỉ khoảng 100 người, con số quá ít ỏi để vực dậy cả một nền nghệ thuật chuyên nghiệp và lực lượng kế cận lại càng mong manh hơn. Khác với nhiều nước có nghệ thuật múa rối phát triển, Việt Nam chưa có một viện hay một trung tâm nghiên cứu nào đào tạo về chuyên ngành nghệ thuật này và cũng không có tác giả chuyên nghiệp sáng tác kịch bản rối, số lượng họa sĩ tạo hình cũng chỉ có vài người. Thạc sĩ Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: Thực tế, có rất ít tác giả viết kịch nói hay đạo diễn kịch dàn dựng tác phẩm múa rối thành công. Hàng loạt trò rối, vở diễn thành công để lại ấn tượng cho sân khấu múa rối nhà hát vừa qua là tác phẩm của chính các diễn viên, họa sĩ tạo hình, người quản lý múa rối, dàn dựng từ kinh nghiệm nhiều năm sống, làm việc với thực tiễn nghề nghiệp. Thậm chí, có những đơn vị múa rối khi biểu diễn còn phải đi thuê diễn viên và dàn nhạc của đơn vị khác để hậu thuẫn. Bởi thế, chất lượng nghệ thuật múa rối của nước ta vẫn chỉ dừng lại ở mức lửng lơ, chưa đến "độ" là vì vậy.

Đi tìm diện mạo mới

Đứng trước tình trạng phát triển manh mún, thiếu liên kết giữa các đơn vị, phường rối trên cả nước và sự báo động về nhân lực, đã đến lúc cần phải nghiêm túc hoạch định lại các chính sách, biện pháp để tìm lại diện mạo và phát triển nghệ thuật múa rối lên những tầm cao mới, nhất là khi múa rối nước Việt Nam đang được xây dựng đề án trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Điều này hoàn toàn có cơ sở để triển khai bởi múa rối có nhiều lợi thế để phát triển. Nghệ sĩ múa rối Ngô Quỳnh Giao nhận định: Sân khấu rối dù nhiều hay ít diễn viên vẫn có thể dàn dựng được tiết mục. Hơn nữa, đây là loại hình nghệ thuật có thể đi vào xã hội đương đại và có tương lai phát triển vì có thể diễn không nói, diễn bằng động tác cho nên không gặp khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, đối tượng phục vụ lại đa dạng, nhất là múa rối nước đang được xem là đặc sản nghệ thuật, một sản phẩm du lịch mang về nguồn thu đáng kể. Múa rối không sợ thiếu "đất" để phát triển, vấn đề cốt yếu đặt ra là làm thế nào để nghệ thuật múa rối đi theo đúng định hướng phát triển chuyên nghiệp".

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án về xây dựng chính sách, chế độ để các nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động bằng nghề và đã trình Chính phủ phê duyệt, nhưng hiện tại, các phường rối và đơn vị múa rối chuyên nghiệp cũng như không chuyên gặp không ít khó khăn, vẫn hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy lo, thiếu liên kết, thiếu sự trao đổi, tổng kết kinh nghiệm. Điều này cho thấy, cần phải có quy hoạch bài bản để đầu tư cho nghệ thuật múa rối phát triển, có chế độ chính sách phù hợp cho các nghệ nhân, nghệ sĩ múa rối có thể sống bằng nghề, đồng thời tăng cường tổ chức các liên hoan nghệ thuật múa rối trong nước và quốc tế. Thạc sĩ Ngô Thanh Thủy cho biết thêm: Trong tương lai không xa, cần thiết phải ra đời một Trung tâm hay viện nghiên cứu đào tạo chuyên nghiệp về múa rối với các chuyên ngành đào tạo: diễn viên, biên kịch và đạo diễn múa rối, tạo hình con rối và kỹ thuật sân khấu; tổ chức biểu diễn và cả ma- Kéttinh. Đây đều là những biện pháp mà muốn thực hiện, đòi hỏi phải có sự giúp sức của Nhà nước, sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ... và cả sự giúp đỡ của các "Mạnh Thường Quân".

Đổi lại, sự phát triển của xã hội cũng đòi hỏi các đơn vị múa rối phải tự đổi mới mình, tập trung đầu tư, dàn dựng các tiết mục, vở diễn có chất lượng. Nói như PGS, TS Phạm Duy Khuê là "Biết quên đi những công thức cũ để tự do sáng tạo ra những cấu tứ mới kết hợp bởi nhiều dạng khác nhau, không nhất thiết phải theo hồi hay màn". Tất nhiên, mọi sáng tạo đều phải xuất phát trên nguyên tắc kế thừa, phát huy những giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật múa rối truyền thống, sao cho những tác phẩm múa rối vừa có hơi thở nhịp sống đương đại và giàu giá trị nhân văn, vừa thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc.