Giải bóng đá VĐQG chuyên nghiệp - Kinh Đô 2004

Văn Quyến và Thanh Bình sa sút phong độ: Vì HLV hay lẽ gì?

Với những gì đã thể hiện trong mầu áo Sông Lam Nghệ An và Đồng Tháp kể từ đầu mùa V-League 2004, khó ai có thể nhận ra được Văn Quyến và Thanh Bình lại là cặp tiền đạo chủ lực của ĐT Olympic QG tham dự SEA Games 22, ghi được tổng cộng sáu bàn thắng. Vấn đề đặt ra ở đây là cả phong độ và cách dùng người của các HLV đang làm hỏng hai cầu thủ này...

Văn Quyến đã lại nặng nề trong di chuyển, lười  kiếm bóng, chậm chạp và thiếu chính xác trong các kỹ năng xử lý bóng cá nhân và dễ dàng bị hậu vệ đối phương kiềm tỏa. Con số bốn bàn thắng của Văn Quyến ghi được sau tám vòng đấu là chưa nhiều, chưa thỏa mãn những gì mà người ta chờ đợi ở Quả bóng vàng Việt Nam. Với Phan Thanh Bình, mọi việc còn xấu hơn. Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2003 này có đúng một bàn thắng và mất vị trí chính thức ở CLB Đồng Tháp.

Từ đây đặt ra vấn đề, liệu Văn Quyến và Thanh Bình có "lao lực" vì SEA Games 22 như các cầu thủ khác hay cách dùng hai cầu thủ này của HLV của Sông Lam Nghệ An và Đồng Tháp có vấn đề? Lý do thứ nhất chỉ đúng một phần vì các tuyển thủ Olympic quốc gia khác như Tài Em, Minh Phương, Hữu Thắng, Văn Trương, Duy Hoàng... đã và đang lấy lại được phong độ vốn có của mình và có những đóng góp nhất định cho các CLB chủ quản. Đương nhiên, lý do còn lại là vì cách dùng người của HLV. Việc để Thanh Bình ngồi ngoài của HLV Đồng Tháp là đúng nhưng áp lực phải ghi bàn mỗi khi vào sân, phải đưa CLB vượt qua khó khăn mà người ta đặt lên vai cầu thủ này là vượt quá sức chịu đựng cả về chuyên môn lẫn tâm lý của một cầu thủ vừa bước sang tuổi 18. Vấn đề là rõ, Thanh Bình đang giẫm lên những bước chân của những ngôi sao trẻ trên thế giới, chín sớm và thi đấu quá tải rồi có dấu hiệu chững lại. Còn Văn Quyến, cá tính mạnh mẽ lại giúp cầu thủ này vượt qua không mấy khó khăn những áp lực trên sân cỏ. Song cầu thủ này sẽ chỉ cống hiến hết mình nếu như nhận thức được tầm quan trọng và cơ hội của một vài trận đấu hay cả một giải đấu như SEA Games 22 chẳng hạn. Ngày trước, chúng ta đã chỉ trích HLV Alfred Riedl vì cách dùng Văn Quyến khắt khe nhưng ngẫm lại thấy hay. Nếu không nghiêm khắc trong việc đề ra kỷ luật tập luyện và thẳng tay cho cầu thủ này trên ghế dự bị, chắc gì Văn Quyến đã trở thành cầu thủ xuất sắc nhất SEA Games 22. Theo dõi Sông Lam Nghệ An thì thấy, Văn Quyến mùa này liên tục có mặt trong đội hình xuất phát, thậm chí chơi trọn vẹn cả trận mà không bị thay ra dù thi đấu rất mờ nhạt. Ngay cả trận Việt Nam gặp Maldives hôm 18-2, đã có nhiều người đặt vấn đề với HLV Nguyễn Thành Vinh, tại sao Văn Quyến không bị thay ra khi cầu thủ này chơi tồi như vậy. Có lẽ chẳng cần phải so sánh, chúng ta cũng có thể đánh giá phong độ của Văn Quyến ở hai thời điểm.

Rõ ràng, với các cầu thủ trẻ các HLV phải có phương pháp đúng để không những "thuần" được họ mà còn tạo ra những thách thức, động lực để họ phấn đấu vượt qua. Khi ấy, cầu thủ - tài sản chung của một đội bóng và quốc gia sẽ phát triển, lợi ích chung và lợi ích riêng sẽ được dung hòa và thỏa mãn.