Tròn một thế kỷ, nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dày công tìm kiếm, sưu tầm và nghiên cứu để phác họa phần nào diện mạo, sức sống cũng như vị trí đặc biệt của nền văn hóa này trong tiến trình phát triển của đất nước và khu vực. Dẫu vậy, còn rất nhiều câu hỏi, nhiều khoảng trống cần được lý giải về nền văn hóa thời sơ kỳ đồ sắt này vẫn đang bỏ ngỏ...
Một thế kỷ nghiên cứu văn hóa sa huỳnh
Người phát hiện những dấu tích đầu tiên của văn hóa Sa Huỳnh là một công chức người Pháp - C.M.Vi-nê, qua nội dung thông báo ngắn trên Tập san trường Viễn Ðông Bác Cổ xuất bản tại Hà Nội năm 1909. Thông báo này cho hay: phát hiện một kho chum gốm có khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu trong một cồn cát vùng ven biển Sa Huỳnh (Ðức Phổ - Quảng Ngãi ngày nay). Từ đó đã có các cuộc khai quật và nghiên cứu khảo cổ học vào các năm sau đó của các nhà khoa học thuộc trường Viễn Ðông Bác Cổ. Cho đến trước năm 1954, các cuộc khai quật và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu do các học giả người Pháp tiến hành, với các dấu mốc: chuyên khảo đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh do H.Pác-măng-chi-ê công bố năm 1924; đợt khảo sát, khai quật trong hai tháng tại sáu địa điểm ở Quảng Ngãi và Bình Ðịnh của nhà khảo cổ học M.Cô-la-ni. Theo TS Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, qua những tư liệu lưu kho mà Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp quản lại của trường Viễn Ðông Bác Cổ từ năm 1958, số lượng hiện vật của các đợt khai quật này là rất lớn, bao gồm các nồi gốm, đèn gốm, chuỗi hạt, rìu đá, bàn mài... Cũng chính nhà khảo cổ học M.Cô-la-ni là người đầu tiên gọi khu di tích mộ chum ở Sa Huỳnh là văn hóa Sa Huỳnh. Khái niệm này đã được giới khảo cổ thừa nhận và đã có nhiều nhà khảo cổ phương Tây tiếp tục tìm đến nghiên cứu. Ðặc biệt, nghiên cứu của nhà khoa học W.G.Xôn-hem với khái niệm "truyền thống gốm Sa Huỳnh- Kalanay" sau đổi thành "phức hệ gốm Sa Huỳnh- Kalanay" đã đặt văn hóa Sa Huỳnh trong bối cảnh Ðông-Nam Á thời tiền sử, và thu hút sự quan tâm nhiều hơn của giới sử học thế giới đến văn hóa Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ phương Tây đã làm sáng tỏ đáng kể một số khía cạnh của văn hóa Sa Huỳnh như niên đại, loại hình hiện vật... và ghi nhận một hệ thống hiện vật lên đến hơn 800 chum gốm làm quan tài cùng hàng vạn đồ tùy táng - hệ thống dấu tích được coi là lớn nhất Ðông-Nam Á đương thời.
Các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp nối công cuộc nghiên cứu nền văn hóa đặc sắc này từ sau ngày đất nước thống nhất, với rất nhiều cuộc khảo sát, thăm dò và khai quật trên một địa bàn rộng lớn dọc các tỉnh miền trung trải từ Quảng Bình (và mới đây là Bãi Cọi - Hà Tĩnh với những giả thiết chưa được khẳng định về mối liên hệ với văn hóa Sa Huỳnh) tới Bình Thuận và Ðồng Nai. Một trong những kết quả có ý nghĩa quan trọng nhất của giới khảo cổ Việt Nam trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh là đã phủ nhận nghi vấn về nguồn gốc của các học giả người Pháp, khẳng định được tính bản địa của nền văn hóa này trong sự phát triển đa tuyến của các dòng chảy văn hóa hợp thành. Dù còn một số điểm chưa đồng nhất, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã xây dựng được bản đồ phân bố của văn hóa Sa Huỳnh và xác định những trung tâm phát triển của văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ đồ sắt ở một số lưu vực sông liên quan đến những hình thái tổ chức xã hội phân tầng dạng lãnh địa và nhà nước sơ khai. Theo đánh giá của PGS,TS Lâm Thị Mỹ Dung, một số vấn đề của văn hóa Sa Huỳnh như nguồn gốc, niên đại, giai đoạn, mối quan hệ đồng đại, lịch đại, lối sống và vị trí của văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khoa học Việt Nam, với sự cộng tác của một số nhà khoa học quốc tế, giải quyết khá toàn diện và hệ thống, tạo một cái nhìn tổng thể, khá chi tiết về nền văn hóa Sa Huỳnh.
Sau 100 năm, bằng những cố gắng không mệt mỏi của nhiều thế hệ nhà khoa học trong nước và quốc tế, văn hóa Sa Huỳnh đã được định vị là một nền văn hóa hình thành trên dải đất miền trung nước ta, có niên đại hơn 2.000 năm, tương đương với văn hóa Ðông Sơn (ở phía bắc) và văn hóa Óc Eo (phía nam). Nền văn hóa này có sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa khác cả trong nước và khu vực, và vẫn còn ánh xạ cho đến ngày nay. Loại hình di tích tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh là mộ chum, các bộ sưu tập công cụ, vũ khí sắt, đồng và đồ trang sức bằng đá, thủy tinh, mã não... Ðiều đặc biệt là những sản phẩm này được tạo nên bằng trình độ kỹ thuật cao và tư duy mỹ thuật đặc sắc, ấn tượng ngay cả khi so sánh với các sản phẩm của thời đại chúng ta.
Con đường phía trước
Dẫu đã đạt rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu, và thu được những kết quả quan trọng sau 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học Việt Nam và thế giới vẫn đang tiếp tục tìm tòi, khám phá để lý giải cho những bí ẩn chưa được giải mã. Một trong những câu hỏi lớn nhất là sự định danh chính xác về chủ nhân đích thực của nền văn hóa Sa Huỳnh. Họ là ai? Dẫu đã khẳng định tính bản địa của nền văn hóa này, nhưng vẫn chưa thể gọi tên chính xác tộc người đã sáng tạo nên văn hóa Sa Huỳnh. Và khi có được câu trả lời cho dấu hỏi này, cũng sẽ là cứ liệu để lấp đầy khoảng trống về sự tiếp nối giữa cư dân Sa Huỳnh và dân tộc Chăm của vương quốc Lâm Ấp giai đoạn tiếp theo (sự tiếp nối này được các nhà khoa học suy lý dựa trên sự chồng khít về không gian và khung thời gian, cũng như một số yếu tố ảnh hưởng, nhưng chưa tìm được cứ liệu khảo cổ học)...
Hoạt động nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh vẫn đang được tiến hành, nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, và thiếu sự liên kết vùng nên không phản ánh được đầy đủ diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh. Và dường như vẫn thiếu mối liên hệ qua lại giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa một bên sở hữu nhiều thông tin thực tế nhưng lại hoạt động trong điều kiện khó khăn, và một bên mạnh về phương pháp nghiên cứu cũng như phương tiện, song ít điều kiện kiểm chứng và tìm hiểu thực địa. Một vấn đề khác là, trong khi các nhà khoa học luôn hào hứng với những kết quả nghiên cứu, thì lại chưa tạo được sự kết nối một cách bài bản cả trong định hướng nghiên cứu cũng như chia sẻ thông tin với các nhà quản lý, hoạch định chính sách văn hóa và xã hội. Sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nghiên cứu có trình độ trong thời gian tới cũng sẽ tác động đến tiến độ và hiệu quả hoạt động khảo cổ...
Tại cuộc hội thảo khoa học quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh do UBND tỉnh Quảng Ngãi và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức trong các ngày từ 22 - 24 tháng 7, nhiều phát hiện, nghiên cứu mới của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được công bố. Cùng với sự khẳng định những kết quả thu được sau 100 năm, các nhà khoa học cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm của giới nghiên cứu trong thời gian tới là cần tập trung làm rõ câu hỏi về danh tính của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh. Cần có một định hướng cơ bản về điều tra, điền dã và khai quật để có thể lý giải các câu hỏi, tránh làm hỏng di tích, bởi khả năng bảo quản hiện vật của ta vẫn còn hạn chế, mà di vật sẽ bị phá hủy rất nhanh do tác động của môi trường sau khi khai quật. Cũng cần có biện pháp để bảo vệ di tích trước sức ép rất lớn của tốc độ phát triển kinh tế khu vực miền trung giai đoạn hiện nay...
Nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố thông tin về dự án xây dựng nhà trưng bày và khu trưng bày ngoài trời về văn hóa Sa Huỳnh ngay tại di chỉ khảo cổ Sa Huỳnh (Ðức Phổ, Quảng Ngãi). Ðây sẽ là bước đi đầu tiên trong chương trình giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Sa Huỳnh đến với đông đảo người dân nơi đây, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.