Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; điểm cầu các địa phương trên cả nước.
Ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 6/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các cục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.
Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn có tính chất xuyên suốt trong quá trình thực hiện là: Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định; sự hành động đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, các cơ sở dữ liệu khác liên quan công dân đã, đang và sẽ xây dựng phải căn cứ vào dữ liệu gốc và có sự kết nối, chia sẻ bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, tạo ra các giá trị mới; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Dữ liệu dân cư phải được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia; phải gắn kết với năng lực quản trị nhà nước, mang lại tiềm năng bứt phá của nền kinh tế, phản ánh giá trị văn hóa, lịch sử và trí tuệ toàn dân trong đời sống xã hội. Việc triển khai phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư phải gắn với mục tiêu làm giàu dữ liệu, tạo nền tảng cho hoạt động thực hiện chuyển đổi số trong xã hội. Việc kết nối, tích hợp, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải gắn liền bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số. Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022-2030.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đao, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, từ trước tới nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là quá trình dài và liên tục, rất khó khăn, đã nỗ lực nhưng chưa bao giờ hài lòng. Để có thể phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, có những công dân số thì cần phải làm nhiều việc, cần rất nhiều kỹ năng, nhiều giải pháp công nghệ. Đặc biệt với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thì có nhiều khó khăn về trình độ, công nghệ thông tin, nhất là thói quen không chú ý về cơ sở dữ liệu từ việc thu thập, cập nhật, phân tích và sử dụng dữ liệu.
Trong số các dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số thì quan trọng nhất là dữ liệu về con người, công dân. Theo thống kê các nước, phần lớn các bộ ngành trung ương và chính quyền các cấp cần nhiều dữ liệu liên quan người dân. Vì thế, việc hoàn thành cơ sở dữ liệu về con người là rất quan trọng, từ đó có các ứng dụng cung cấp các dịch vụ để phục vụ nhân dân và quản lý xã hội.
Bộ Công an từ nhiều năm qua đã tích cực xây dựng và hoàn thành Đề án cơ sở dữ liệu về dân cư. Đây cũng là quá trình rất khó khăn từ mấy nhiệm kỳ qua. Tới nhiệm kỳ vừa qua, với sự nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự nỗ lực phối hợp của các bộ, ngành, cơ sở dữ liệu dân cư đã cơ bản hành thành và được hoàn thành vào ngày 1/7/2021. Đây là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số ở Việt Nam.
Với tinh thần trách nhiệm rất cao, Bộ Công an đã chuẩn bị Đề án để phục vụ quá trình chuyển đổi số của đất nước. Đây là dự án quan trọng, là đề án đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp điều hành, chỉ đạo. Chúng ta phải làm sao huy động sức mạnh đồng bộ, có sự chỉ huy thống nhất, quyết liệt, rằng buộc trách nhiệm, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra để phục vụ nhân dân tốt hơn, quản lý xã hội tốt hơn, từng bước kết hợp với các lĩnh vực khác như tài chính, doanh nghiệp, tài nguyên, đất đai...
Hội nghị này có thể coi là hội nghị khởi động để thống nhất quyết tâm hành động. Sau đây, sẽ có nhóm làm việc để lên kế hoạch cho từng tuần, từng tháng. Trong tiêm chủng vaccine, chúng ta "đi sau về trước" thì trong Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu thì chúng ta sẽ về trước.
Nhân dịp này, hội nghị đã công bố danh sách thành viên Tổ Công tác triển khai Đề án do Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm Tổ trưởng.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương xây dựng Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, chủ thể, động lực cho sự phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của lực lượng Công an nhân dân; trong đó phải kể đến sự chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát, “máu lửa” của đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ thông tin; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn, là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay; tiến hành trên phạm vi rộng, triển khai trên toàn quốc, toàn dân và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan; trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta sẽ phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.
Đề cập các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Công an và nhấn mạnh thêm một số nội dung:
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: việc thực hiện Đề án được xác định là một trong những nội dung quan trọng, có tính đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Yêu cầu Tổ Công tác triển khai Đề án thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc quyết liệt các nhiệm vụ được giao; chủ động hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai. Kịp thời tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố cũng thành lập Tổ công tác để triển khai Đề án đồng bộ.
Thứ hai, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành đang được giao các cơ sở dữ liệu quốc gia có trách nhiệm khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện bảo đảm Đề án thực hiện thành công gắn với thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Đề nghị đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp đến tận cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin liên quan y tế, vaccine, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin.
Đồng thời, đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… Với những đơn vị chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm thì nghiên cứu, sử dụng chung hạ tầng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương là thời gian đầu triển khai sẽ có những khó khăn, vướng mắc; nhưng càng khó khăn, vướng mắc thì càng cần phải chung sức, đồng lòng, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân.
Thứ tư, các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về quy định của pháp luật có liên quan để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, tổng thể, liên thông, tổ chức thực hiện hiệu quả... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ năm, về nguồn lực triển khai thực hiện: cần ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả để thực hiện Đề án; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, rà soát, ưu tiên bố trí kinh phí cho Bộ Công an đầu tư bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý căn cước công dân để triển khai hỗ trợ đối với những đơn vị chưa có hạ tầng hoặc hạ tầng chưa bảo đảm; dự phòng cho các bộ, ngành có nhu cầu. Rà soát cắt giảm các dự án đầu tư chuyển đổi số không hiệu quả hoặc trùng lắp của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương phải bố trí đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin để tổ chức thực hiện, rà soát các trang thiết bị trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ sáu, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phát huy vai trò thường trực trong thực hiện Đề án. Trong đó, Bộ Công an phải bảo đảm dữ liệu dân cư chính xác và luôn được bổ sung, cập nhật thường xuyên, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống"; duy trì liên tục tính kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ nét, "làm gương", "làm mẫu", "nói là làm và làm quyết liệt, đến nơi, đến chốn", phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo dấu ấn lan tỏa tại các bộ, ngành, địa phương và trong toàn xã hội.
Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu và động lực của sự phát triển, Thủ tướng tin tưởng chắc chắn rằng, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả Đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý căn cước công dân sẽ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ; góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; xây dựng kinh tế số, công dân số, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.