Trên địa bàn ba huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, thuộc tỉnh Gia Lai có hơn 90km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn một số phong tục tập quán lạc hậu, cho nên dễ bị các thế lực phản động lợi dụng lôi kéo hoạt động phi pháp. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm giúp đồng bào tiếp cận và hiểu biết thêm các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh chính trị địa bàn là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đến địa bàn được đánh giá “triển khai nhanh, làm tốt, quân dân đoàn kết, vùng biên an toàn”, đồng chí Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: Trước đây, ở địa bàn này nhất là các xã biên giới có những điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự, một số bà con dân tộc thiểu số bị dụ dỗ, kích động vượt biên trái phép.
5 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn làm tốt công tác dân vận, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với đó, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, thực hiện Chỉ thị số 01, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng tỉnh tích cực bám, nắm địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở vững mạnh, tổ chức hiệu quả các phong trào bảo vệ an ninh biên giới. Đến nay, địa phương đã xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả hàng trăm tổ tự quản đường biên, cột mốc. Tất cả các hộ gia đình sinh sống trên vùng biên giới đều tham gia hoạt động tuần tra, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn và khu vực biên giới.
Từ năm 2020 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng, tổ chức tuyên truyền được hơn 350 buổi, với hơn 25 nghìn lượt người tham gia.
Theo đó, nội dung tuyên truyền trọng tâm là các điều luật về các vấn đề đặt ra với địa bàn biên giới, như: Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; quy chế biên giới, vành đai biên giới, đường biên, cột mốc; âm mưu kích động chia rẽ tình đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân, vượt biên trái phép của các thế lực thù địch…; vận động nhân dân không xuất cảnh trái phép, không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.
Các đơn vị đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền từ họp dân để thông báo, hướng dẫn… đến phổ biến trong các ngày lễ, Tết; phát thanh nội bộ, kết hợp phát tờ rơi…, nội dung ngắn gọn, có hình ảnh minh họa. Các cán bộ Bộ đội Biên phòng thông báo tình hình thời sự diễn ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; dùng người thật, việc thật để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao hiểu biết, tạo lập và củng cố niềm tin từ “mắt thấy, tai nghe”, giúp bà con hiểu rõ hơn bản chất của kẻ xấu.
Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết: “Công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật có vai trò quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động tham mưu và phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác dân vận gắn nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật…
Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn.