Việt Nam từng có mức sinh rất cao với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,39 con vào năm 1960 đến năm 1999 đã giảm xuống chỉ còn 2,33 con và đến năm 2008 là 2,08 con (đã đạt mức sinh thay thế). Từ một tỷ lệ gia tăng dân số 3,93% năm 1960 đến năm 1999 chỉ còn khoảng 1,51% và năm 2008 là 1,2%. Nhìn chung, chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và lượng, các mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai hiệu quả.
Bước tiến đáng khích lệ trong việc nâng cao chất lượng dân số mười năm qua (1999-2009) còn thể hiện qua chỉ số về giáo dục: tỷ lệ người biết chữ tăng nhanh hơn chu kỳ mười năm trước và đạt mức 93,5% số dân ở độ tuổi từ 15 trở lên. Sự khác biệt về tỷ lệ biết chữ ngày càng được thu hẹp giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ. Số lượng và tỷ lệ trẻ đi học các cấp phổ thông ngày càng tăng; hiện chỉ còn bốn triệu người chưa đi học, chiếm 5% số dân từ năm tuổi trở lên và tập trung chủ yếu ở độ tuổi già. Tuổi thọ bình quân liên tục tăng và đã đạt mức 72,8 tuổi. Ðời sống của người dân Việt Nam có sự cải thiện đáng kể so với những năm trước đây và nay 93% dân số hiện có nhà riêng.
Hiện nước ta đang bước vào thời kỳ 'cơ cấu dân số vàng', nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi nhóm dân số ở độ tuổi phụ thuộc. Thời kỳ này có thể kéo dài khoảng 15 đến 40 năm, tùy thuộc vào việc kiềm chế mức sinh, vì vậy cần có chính sách cho lực lượng lao động 'vàng' và phát huy sức mạnh tổng hợp từ đội ngũ đó, tạo đà phát triển đất nước một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cần lưu ý, ở thời kỳ dân số 'vàng' mà không kiểm soát được mức sinh sẽ phải đối diện với thách thức về lao động, việc làm. Mỗi năm, cả nước có thêm 1,5-1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, đòi hỏi phải được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm. Mặc dù sau mười năm, số người đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật tăng, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực giữa các nhóm ngành nhưng chủ yếu vẫn là lao động giản đơn; lao động qua đào tạo, có bằng chứng nhận từ công nhân kỹ thuật trở lên mới chỉ đạt 28-30%, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chất lượng dân số thấp kéo theo hàng loạt vấn đề chứ không chỉ là lao động, việc làm. Xét về thể chất, các chỉ số của người Việt Nam hiện còn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực - cả về tầm vóc, thể lực, cân nặng, sức bền. Ðặc biệt, tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của Việt Nam chỉ đạt mức 60,2, xếp thứ 116/174 nước trên thế giới... Mức chênh lệch giới tính khi sinh như hiện nay (111 nam/100 nữ) đang trở thành mối lo đáng kể bởi trong tương lai không xa, nước ta có thể phải đối diện với nhu cầu 'nhập khẩu cô dâu' - điều có thể kéo theo sự biến động về văn hóa, xã hội(!)
Kết quả cuộc tổng điều tra dân số quốc gia năm 2009 đã phát ra hai tín hiệu ngược nhau về trình độ dân trí và nguồn nhân lực. Trong khi số lượng người mù chữ giảm thì tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ lao động kỹ thuật vẫn thấp, dù dân số Việt Nam được đánh giá là đang ở 'thời kỳ vàng'.
Theo cơ cấu dân số, vấn đề mà ngành dân số kế hoạch hóa gia đình cần quan tâm là cơ cấu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là cơ cấu phụ nữ ở các nhóm tuổi hôn nhân và sinh đẻ (20-29 tuổi). Bởi nay tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta là 24,5 tuổi. Từ nhiều năm trước chúng ta đã phải đối mặt với thách thức về nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao do hiệu ứng của dân số tăng cao. Qua tháp dân số thấy rõ số phụ nữ trong tuổi kết hôn và sinh đẻ sẽ đạt cực đại vào những năm 2015-2025. Do vậy nguy cơ tăng mức sinh trở lại vẫn còn tiềm tàng.
Nước ta cũng đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số với tốc độ ngày càng nhanh, tỷ lệ người cao tuổi hơn 9%. Theo dự báo vào năm 2015 nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo phân tích và nhận định của nhiều nhà nhân khẩu học kinh tế trong và ngoài nước, cơ cấu dân số Việt Nam đang ở giai đoạn 'Cơ cấu dân số vàng' hay 'dư lợi dân số'. Thông thường cơ cấu dân số của một quốc gia sẽ chuyển đổi từ cơ cấu dân số trẻ sang cơ cấu dân số 'dư lợi nhân khẩu học', rồi tiếp đến cơ cấu dân số già. Thực tế dân số Việt Nam đang có sự chuyển đổi tức là vừa bước vào giai đoạn nhiều người trong tuổi lao động nhưng đồng thời cũng đang bị già hóa dần.
Tỷ trọng dân số thành thị, nông thôn cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thông thường, để là nước công nghiệp thì tỷ lệ dân số thành thị phải đạt 45% trở lên. Tỷ trọng dân số đô thị của Việt Nam tăng trong giai đoạn vừa qua, nhưng so với mục tiêu trở thành nước công nghiệp thì còn là một khoảng cách khá xa.
Chúng ta sắp đi qua năm 2010 - năm cuối cùng thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Ðây cũng là năm bản lề xây dựng Chiến lược dân số giai đoạn 2011-2020. Từ những cơ hội và thách thức của vấn đề dân số, ngành dân số cần sớm hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản trong cả nước. Nâng cao hiệu quả của các hoạt động truyền thông; tăng cường giáo dục dân số và sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới trong và ngoài nhà trường. Kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản; nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thiện hệ thống hậu cần phương tiện tránh thai... mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách dân số và sức khỏe sinh sản nhằm thích ứng với những thay đổi cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số.