Chuyện xảy ra cũng phải tính bằng thập niên, nhưng rảnh rang nhắc lại thì tính thời sự vẫn còn hôi hổi nóng. Đại thể, có nữ nhà thơ kiêm biên kịch điện ảnh đầu những năm 90 của thế kỷ 20 được sếp giao cho trang cuối tờ Tiền phong chủ nhật đăng truyện ngắn tình tiết đầy chất xi-nê-ma với lời nhắn: “Chuyển thể đi!”. Nhà biên kịch chế tác thành kịch bản, đạo diễn làm phim; bộ phim may mắn gây tiếng vang, giành nhiều giải thưởng, định danh được tên tuổi đạo diễn mới, lăng-xê được cặp đôi diễn viên khá ăn khách thời điểm ấy...
Sự việc thế rồi cũng bị lãng quên, bởi ở cái thời "bạn văn", bạn nghề đối đãi với nhau bằng tấm chân tình, bằng sự thể tất xuê xoa, chẳng mấy ai nặng nhẹ chuyện cát-xê hay bản quyền. Hơn nữa, phim nhà nước bỏ tiền làm, nhuận bút nhà nước trả theo khung, mọi chuyện thuần sự vụ hành chính có nhân viên hãng phim lo liệu, nhà biên kịch hay đạo diễn chỉ đau đáu chuyên môn, bàng quan với những cái gạch đầu dòng ngoài nghệ thuật. Nhưng rồi 20 năm sau, trên blog cá nhân của một nhà văn khá nổi tiếng, trong bài viết dựng chân dung nhà văn có truyện ngắn là ý tưởng của phim, có nhắc lại vụ nhà văn bị "quỵt" cát-xê, bị lờ tên khỏi generic (Lời giới thiệu). Nữ biên kịch nhảy vào "comment" (bình luận) đôi lời, hình như cũng hơi mất bình tĩnh, thế là bỗng dưng chị thành "tội đồ", thành đối tượng để cư dân mạng “ném đá”. Khỏi phải nói, chị đã choáng và sốc thế nào. Bao nhiêu ân tình đời thực từng hiện hữu giữa các "bạn văn" bỗng chốc tiêu tan thành mây khói trôi dạt theo sóng biển chỉ vì những bông lơn hoặc vô tâm, hoặc ác ý trên thế giới mạng. Đùa hay thật, có chủ đích hay thuần câu "view" gây độ "hot" thì nỗi đau với người trong cuộc cũng hằn lên thành vết tích khó có thể lãng quên, nhất là giới giàu chữ nghĩa, nhạy cảm.
Thay vì bình tâm lắng nghe đúng sai, san sẻ để bớt gánh nặng cho người đang trở thành tâm điểm của sự mổ xẻ, chỉ trích thì có một tiền lệ, bất chấp sự rạch ròi của lý trí, xu hướng a dua "té nước theo mưa", "dậu đổ bìm leo" vùi dập lẫn nhau đang trở thành thường tình hơn trong đời sống văn nghệ. "Khi vui thì vỗ tay vào", đến khi hoạn nạn nhiều người đã điêu đứng lại càng thêm kiệt quệ vì gặp phải những ứng xử cực kỳ thiếu tình người của đồng nghiệp. Tắt điện thoại, đóng facebook, hạn chế tiếp xúc... là cách một nhà thơ đối phó trong vụ xì-căng-đan "đạo” thơ mà chị là "bị cáo" từng thành cao trào trên mạng xã hội và rất nhiều mặt báo. Cả loạt tiếng nói luận tội, thậm chí mạt sát, bên cạnh (ít hơn) những lời cảm thông, động viên có thể khiến một người (yếu bản lĩnh) gục ngã. Cú bồi của số phận nặng nề và trớ trêu gấp bội phần, bởi có những người đăng đàn trên báo tỏ vẻ bề trên, kẻ cả kết án chị vừa mới hôm qua hôm kia, lúc hanh thông cuộc sống còn "chén chú chén anh" xưng tụng ngợi ca, bốc nhau lên tận mây xanh. Dù có lý lẽ vì sự công bằng, vì môi trường trong sạch của văn chương thì những người bình thường cũng rất khó để hiểu, để tỏ tường sao bạn bè (thật) cơn hoạn nạn đã chẳng cứu giúp lại còn hùa theo đám đông quay quắt "dìm hàng" nhau đến vậy? Hay tình bạn, tình đồng nghiệp của một số người theo đuổi nghiệp viết cũng đặc thù như cái nghề họ nặng mang?!... Cũng thời điểm cách đây chưa lâu, một nữ nhà thơ theo chồng định cư ở nước ngoài được đông đảo công chúng biết đến vì bài thơ hào hùng tinh thần biển đảo chắc đã thấm đòn "hội đồng" của cái gọi là dư luận trong nghi án "đạo” thơ mà chị là nhân vật trung tâm. Hay nhà văn thần tượng của thiếu nhi, một kỷ lục gia trong số lượng đầu sách bán ra cũng không nằm ngoài tầm ngắm. Với những gì gặt hái được trong văn nghiệp, ông đương nhiên dễ thành cái đích của sự tị hiềm đố kỵ. Vậy nên khi có một bài viết về ông của một giáo sư thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên lan truyền trên mạng, khỏi phải nói sự hả hê (khó kìm được) đã bật ra y hệt quả bóng xì hơi ở không ít người. May ông là người điềm tĩnh, từng trải trước sau chỉ duy nhất lựa chọn sự im lặng, không lên tiếng, không đối đáp nên chuyện rồi cũng nhanh chóng nguôi ngoai...
Đành rằng cần tỏ thái độ dứt khoát với cái xấu, với những "con sâu làm rầu nồi canh" văn chương; cần kiên quyết tẩy chay những sự gian dối, thiếu trung thực trong hành trình sáng tạo vất vả nhọc nhằn; nhưng giới văn chương, người cầm bút cũng rất cần một sự thấu tỏ chất chứa tình người ở chính đồng nghiệp, bạn nghề. "Chị ngã, em nâng" sẽ giúp cả người trong cuộc và ngoài cuộc tự thức tỉnh bản thân hơn là chưa biết thực hư, nếp tẻ ra sao, tự dưng có "con mồi" xuất hiện là không ít kẻ hùa vào, dồn đối tượng tới đường cùng, bất chấp những hệ lụy xấu có thể xảy ra. Dư luận vốn bốc đồng, mau quên, vì thế, việc định hướng dư luận là thật sự cần thiết. Nhưng tiếc thay, một vài tên tuổi của văn đàn không dùng uy tín cá nhân hướng dư luận đến những điều tốt đẹp mà lại góp phần thổi bùng thêm mồi lửa; để cho người đời được phen thêu dệt, đàm tiếu đủ loại giai thoại, tiếu lâm về tình bạn, tình đồng nghiệp của giới văn nhân (lắm điều) nhiều chữ... Nhất là khi giới cầm bút bây giờ đã có mạng xã hội làm công cụ lan truyền sự ghét bỏ, bài xích lẫn nhau. Mới thấy, mạng thì ảo, nhưng nỗi đau là thật! Và những người cầm bút nếu thật sự có tâm, xin đừng quên cái tâm trong ứng xử với bằng hữu trước khi bước vào trang sách.