Hiệu lực bảo vệ của vaccine trước biến thể Omicron

NDO -

Theo một số nghiên cứu gần đây trên thế giới, liều vaccine thứ ba là giải pháp hiệu quả duy nhất để chống lại tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như các dạng bệnh nặng do biến chủng Omicron gây ra. Các liều vaccine tăng cường của Pfizer và Moderna (công nghệ mRNA) được đánh giá là bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron.

(Ảnh: THÀNH ĐẠT)
(Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Câu hỏi: Vaccine phòng Covid-19 hiện nay có hiệu lực bảo vệ như thế nào với biến chủng Omicron?

Trả lời: 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến hết ngày 21/12/2021, biến chủng Omicron với khả năng lây nhiễm cực mạnh đã được phát hiện ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, và càng lúc càng chiếm đa số các ca nhiễm.

Thí dụ rõ ràng nhất tại nước Mỹ với 73% số ca nhiễm mới hiện nay là do biến chủng Omicron (so với đầu tháng 12 chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1%). Tốc độ lây lan và vô số các dạng đột biến được xác định vào cuối tháng 11/2021 ở Nam Phi cho thấy dường như Omicron đã xuyên thủng hàng rào miễn dịch tạo ra bởi vaccine (bằng chứng chứng minh khả năng né tránh miễn dịch của Omicron) dễ dàng hơn nhiều so với các biến chủng trước đó. 

Bất kể loại vaccine nào được tiêm, các nghiên cứu đánh giá hai liều vaccine không đủ để chống lại một cách hiệu quả biến chủng Omicron.

Một nghiên cứu gần đây tại nước Anh thậm chí còn ghi nhận rằng mức độ bảo vệ sau hai liều không vượt quá 20%. Công ty BioNTech, đối tác của Pfizer đã xác nhận rằng dữ liệu sơ bộ cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine trước biến chủng Omicron là khoảng từ 20% đến 40% sau liều thứ hai.

Một nghiên cứu khác tại Nam Phi đã đánh giá hiệu quả của hai liều vaccine Pfizer-BioNTech chỉ ở mức 33% ngăn chặn ca bệnh Covid-19 nhẹ do biến chủng Omicron (trong khi đó là 80% đối với biến chủng Delta) và hiệu quả mức 70% đối với nguy cơ phải nhập viện (so với hiệu quả 93% đối với biến chủng Delta).

Một nghiên cứu ở Pháp phân tích máu của những người đã tiêm hai liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca đã kết luận: 5 tháng sau khi tiêm vaccine, kháng thể có trong máu không còn khả năng vô hiệu hóa biến chủng Omicron. 

Theo một số nghiên cứu gần đây trên thế giới, liều thứ ba là giải pháp hiệu quả duy nhất để chống lại tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như các dạng bệnh nặng do biến chủng Omicron gây ra, các liều vaccine tăng cường của Pfizer và Moderna (công nghệ mRNA) được đánh giá là bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron.

Liều thứ ba của vaccine Pfizer/BioNTech giúp tăng cường khả năng bảo vệ và tăng đáp ứng miễn dịch chống lại các dạng bệnh nhẹ của biến chủng Omicron, với hiệu quả ước tính là 70% đối với những người đã tiêm liều cơ bản là vaccine AstraZeneca và khoảng 75% với những người đã tiêm liều cơ bản là vaccine  Pfizer.

Mặc dù các công ty sản xuất vaccine đang tập trung nghiên cứu để nhanh chóng có vaccine Covid-19 nhằm chống lại biến chủng Omicron, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng "Tuyệt đối không nên chờ đợi một loại vaccine đặc hiệu cho biến chủng Omicron mà phải tiêm ngay liều vaccine tăng cường". 

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan