Ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau

71 nghìn tỷ đồng là giá trị hợp đồng hàng hóa mà các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công thương đã ký kết với nhau sau hai năm thực hiện Thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp (DN) đã tiêu thụ của nhau trị giá hơn 4.100 tỷ đồng máy móc, thiết bị điện; thép xây dựng trị giá 5.200 tỷ đồng; quần áo bảo hộ lao động trị giá hơn 55 tỷ đồng; giấy in và giấy cóp-py trị giá 165 tỷ đồng... Có những hợp đồng giá trị kinh tế cao như Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ký các hợp đồng mua các sản phẩm dầu DO, dầu FO, hóa chất, đồng phục khối sản xuất, áo mưa quảng cáo, nhãn bia... của các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị thành viên với giá trị gần 356 tỷ đồng.

Những con số nêu trên đủ cho thấy việc triển khai thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN. Nhiều DN đã tạo ra được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần giảm hàng tồn kho cũng như tiết giảm chi phí, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Một điểm đáng chú ý là nhờ việc thực hiện thỏa thuận này, tỷ lệ hàng hóa trong nước được sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước của nhiều đơn vị ngày một tăng cao.

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước trong năm 2012, đạt 42% với giá trị hơn 35 nghìn tỷ đồng và năm 2013, đạt tỷ lệ gần 50%. Sabeco sử dụng nhiều loại vật liệu xây dựng trong nước như thép miền Nam, dây cáp điện Cadivi,... với tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng.

Rõ ràng, với những kết quả thiết thực từ việc triển khai thỏa thuận hợp tác này, việc ưu tiên dùng sản phẩm của nhau đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài đối với các DN nhà nước. DN có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu kỹ năng lực sản xuất, sản phẩm, nguyên liệu đầu vào của nhau để kịp thời cung ứng cho nhau, chủ động trong kế hoạch mua sắm với giá ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế sau hai năm triển khai thỏa thuận, đã bộc lộ ra một số hạn chế như nhiều DN dù muốn ưu tiên sử dụng hàng trong nước cũng không thể được. Một lãnh đạo ngành dầu khí đã phải thốt lên: "Mỗi năm ngành dầu khí cần sử dụng cả triệu tấn thép thành phẩm nhưng hầu hết vẫn phải nhập khẩu do chất lượng thép trong nước chưa đáp ứng yêu cầu cho các công trình kỹ thuật cao. Thậm chí, đến cả ốc vít chế tạo giàn khoan cũng phải nhập ngoại vì thép trong nước chưa bảo đảm độ chống ăn mòn".

Trong thỏa thuận đã nói rõ, ưu tiên chứ không phải là ép buộc. Nếu sản phẩm hàng hóa của DN trong nước đa dạng về mẫu mã, chủng loại với chất lượng bảo đảm, giá bán cạnh tranh... thì DN đương nhiên sử dụng sản phẩm của nhau. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhu cầu sử dụng hàng hóa trong nước để tiết giảm chi phí của DN là rất lớn. Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhau thì bản thân DN trong nước cần phải chú trọng cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, đầu tư tốt hơn cho chất lượng sản phẩm, giảm giá thành nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hóa. Sử dụng sản phẩm của nhau chính là cách hưởng ứng thiết thực Cuộc vận động: "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".