Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp

Phát triển nhanh, bền vững được xem là xu hướng tất yếu hiện nay trong quá trình xây dựng, vận hành và kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn cho chính doanh nghiệp để “ghi điểm” với khách hàng, có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ và tạo đà tăng trưởng trong dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô Hyundai Thành Công (Ninh Bình) vận hành dây chuyền lắp ráp, sản xuất ô-tô. (Ảnh ANH AN)
Công nhân Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô Hyundai Thành Công (Ninh Bình) vận hành dây chuyền lắp ráp, sản xuất ô-tô. (Ảnh ANH AN)

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đòi hỏi chính sách thúc đẩy phù hợp thực tiễn cùng ý chí quyết tâm của một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp mới trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng.

Khắc phục điểm yếu

Theo số liệu từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, giai đoạn 2019-2022, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 136 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so giai đoạn 2015-2018 (115 nghìn doanh nghiệp) và cao gấp 2,5 lần so giai đoạn 2010-2014.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, dù phát triển nhanh về số lượng nhưng doanh nghiệp chưa thật sự bền vững, thiếu sức chống chọi với những biến động khó lường từ thị trường.

So sánh để thấy, giai đoạn 2016-2019, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường hằng năm chỉ chiếm khoảng 35%-48% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng đến giai đoạn 2020-2022 chiếm tới 55%-65%.

Đến hết năm 2022, Việt Nam mới có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15.300 hợp tác xã phi nông nghiệp và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Trung bình, chỉ có tám doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 người dân, trong khi tỷ lệ này tại các nước ASEAN là 11 doanh nghiệp/1.000 người dân, ở Mỹ là 100 doanh nghiệp/1.000 người dân.

TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, sự phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam góp phần quyết định vào việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và thực hiện các mục tiêu tiếp theo đến năm 2030 và 2045.

Tuy nhiên, nhìn vào xu thế tăng trưởng 5 năm vừa qua, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hằng năm tăng, nhưng số lượng rời bỏ thị trường cũng rất lớn, cho thấy động lực tăng trưởng đã chậm lại. Bên cạnh đó, không chỉ hạn chế về số lượng mà chất lượng của doanh nghiệp cũng còn những vấn đề phải quan tâm.

Nhiều doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, cơ chế quản trị lạc hậu, quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu kém. Phần lớn doanh nghiệp chủ yếu vẫn gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế.

Do đó, việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp nhưng không mang lại giá trị thực chất và sự bền vững trong hoạt động là điều không cần thiết. Thay vào đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn trong việc khắc phục những điểm yếu, cải thiện tốt hơn nữa năng lực cạnh tranh, hệ thống quản trị và khả năng tài chính...

Bản chất doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát triển còn manh mún, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác; khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp; ít doanh nghiệp lớn có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.

Vì vậy, theo TS Lê Duy Bình, Chính phủ cần dành thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, cắt khúc và rời rạc. Từ đó, tạo tác động cộng hưởng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở năng lực cạnh tranh ngày một cao hơn.

Đặc biệt, việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện. Đồng thời, nên chú trọng nâng cao tốc độ tăng trưởng cho những doanh nghiệp tốt, đang hoạt động hiệu quả thay vì chạy theo con số tăng trưởng doanh nghiệp thành lập mới.

Tạo lập môi trường thuận lợi

Những năm qua, Chính phủ tăng tốc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ, hệ thống luật pháp nước ta còn nhiều bất cập, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng cho nên dư địa cải cách còn rất lớn.

Doanh nghiệp đang phản ánh tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật, điển hình là sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác. Các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước, dẫn tới phát sinh chi phí giao dịch tốn kém.

Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong năm 2022 cũng chỉ rõ, chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu như gia nhập thị trường hay tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong một số hoạt động, đơn cử: Thanh tra xây dựng (chiếm 67% số doanh nghiệp được khảo sát), cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (chiếm 61%). Doanh nghiệp cũng thường phải trả chi phí không chính thức ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai,...

Báo cáo về tình hình hoạt động doanh nghiệp của VCCI cũng chỉ ra năm vấn đề khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (chiếm 69% số doanh nghiệp được khảo sát), tiếp cận vốn (47%), biến động thị trường (33%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (28%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (24%).

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay không ít doanh nghiệp cảm thấy bất an về tính ổn định của chính sách, do đó phải kiên quyết bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Một số chính sách cần được thiết kế lại và thực thi nhất quán theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho đất nước.

Các chuyên gia kiến nghị Chính phủ coi việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Song hành với những hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội, có phương án thích ứng những biến động trong tương lai.

Theo đó, phải biết đón đầu xu hướng kinh doanh mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từ đó, tạo đà phát triển để từng bước khẳng định vị thế nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.