Não úng thủy hình thành do tắc nghẽn hay hẹp cống não Sylvius và sự hấp thu dịch não tủy vào máu bị suy yếu. Do vậy sẽ dẫn đến quá trình tích lũy dịch não tủy trong các não thất và phá hủy sự phát triển của não, làm chậm phát triển trí tuệ và suy yếu thị giác. Ở trẻ em, não úng thủy còn dẫn đến việc đầu phát triển to không bình thường. Với những trẻ em lớn, tăng áp lực trong sọ có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Não úng thủy có thể tồn tại như một bệnh bẩm sinh độc lập hoặc đi kèm với các dị tật bẩm sinh thông thường khác như gai đôi cột sống, bệnh lý cột sống không đóng kín (spina bifida), thoát vị màng não... Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do: bẩm sinh, viêm màng não do vi khuẩn, xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh, chấn thương đầu và u não... Nếu được điều trị đúng lúc và phù hợp, não úng thủy có thể được chữa khỏi. Nếu không chữa trị, hầu hết người bệnh sẽ tử vong do tắc nghẽn ruột, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng dịch não tủy... Những trường hợp còn sống đều bị những di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, đời sống thực vật, liệt vận động tứ chi, kích thước đầu rất lớn, mất tự chủ ruột và bàng quang, rối loạn tâm lý, mất thị giác...
Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Ða khoa T.Ư Huế phối hợp tổ chức Người khuyết tật quốc tế (HI), triển khai phương pháp nội soi phá sàn não thất III kết hợp với đốt đám rối mạch mạc não thất bên cho những người bệnh bị não úng thủy do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Viêm màng não, hẹp cống não bẩm sinh, u não hố sau, nội soi sinh thiết trong những trường hợp não úng thủy do u vùng tuyến tùng... Phương pháp phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III (Endoscopic Third Ventriculostomy) kết hợp với kỹ thuật đốt điện hệ thống màng mạch (CPC) là cách điều trị hiệu quả nhất cho các ca não úng thủy. Trường hợp cháu Nguyễn Thị Hồng, ba tuổi ở Phù Mỹ, Phong Chương, Phong Ðiền (Thừa Thiên-Huế), được đưa vào cấp cứu trong tình trạng sức khỏe yếu, đau đầu nôn liên tục, sau đó cháu rơi vào hôn mê. Qua các xét nghiệm lâm sàng và chụp CT sọ não, các bác sĩ phát hiện có nang lớn ở tiểu não, chụp trên MRI thấy giãn lớn hệ thống não thất, kết quả nghi ngờ cháu bị dị dạng Dandy-Walker. Cháu được đưa ngay vào mổ cấp cứu với phương pháp nội soi phá sàn não thất. Bố cháu Hồng, anh Nguyễn Văn Quảng, cho biết: Sau một ngày phẫu thuật, sức khỏe của cháu đang phục hồi nhanh, tri giác đã cải thiện rất tốt, cháu gọi được bố mẹ và có phản xạ ăn uống. Trường hợp người bệnh Phạm Thị Minh Linh, 19 tuổi, ở Hòa Thành, Krông Bông (Ðác Lắc), thường xuyên đau đầu từ nhỏ, kích thước đầu cháu lớn hơn bình thường. Gia đình đưa cháu vào viện trong tình trạng đau đầu dữ dội. Kết quả xét nghiệm lâm sàng và chụp CT - MRI cho thấy não thất của cháu bị giãn lớn, kết luận cháu bị hẹp cống não bẩm sinh. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định mổ phá sàn não thất cho cháu Linh. Hiện nay sức khỏe của cháu tiến triển rất tốt, cháu đã hết đau đầu và được xuất viện. Cháu Hồ Thị Thanh Nhàn hơn năm tháng tuổi, ở xã Hương Thọ, huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) bị bệnh viêm màng não từ khi một tháng tuổi, dẫn đến biến chứng não úng thủy. Sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ đã hội chẩn và dùng kỹ thuật ETV kết hợp đốt đám rối mạch mạc để điều trị cho cháu. Nội soi thần kinh là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận, khéo léo của phẫu thuật viên để không làm tổn thương tổ chức não. Sức khỏe của cháu Nhàn sau ca phẫu thuật tiến triển rất tốt.
Giám đốc Bệnh viện Ða khoa T.Ư Huế, PGS.TS Bùi Ðức Phú, cho biết: Bệnh viện Ða khoa Trung ương Huế đã áp dụng phương pháp ETV cho phẫu thuật các bệnh lý sọ não khác như: điều trị bệnh lý nang dưới màng nhện; nội soi sinh thiết những trường hợp u não thất, u đám rối mạch mạc... Ưu điểm của phương pháp này là sức khỏe của người bệnh hồi phục nhanh ngay sau khi phẫu thuật. Khi mổ ít làm tổn thương đến cơ quan khác, không phá hủy màng não. Phương pháp này không đặt các vật lạ vào cơ thể, khi khỏi bệnh không cần vào viện thay ống hút. Tỷ lệ nhiễm trùng thấp, đường mổ rất nhỏ, giảm đau cho người bệnh trong khi phẫu thuật...
Hoàng Anh