Theo thống kê, cả nước hiện có 369 khu công nghiệp, tổng diện tích gần 114 nghìn ha, đóng góp lớn vào thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2019, các khu công nghiệp, khu kinh tế nộp ngân sách nhà nước hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp đang đặt ra 2 vấn đề về rác thải, gồm rác thải là tài nguyên và rác thải là thảm họa ô nhiễm, cho thấy sự cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách quản lý về rác thải, trong đó có rác thải công nghiệp, biến rác thải thành nguồn tài nguyên. Tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 31%, do xử lý, quản lý rác kém hiệu quả.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đều thống nhất nhận định, giải bài toán về rác thải từ các khu công nghiệp trong thời gian tới, cần phải thay đổi tư duy, nhận thức, coi chất thải là tài nguyên để xây dựng cơ chế tổng thể, nằm trong phương thức kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững mỗi khu công nghiệp.
Dưới góc độ nghiên cứu, chỉ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được đối với các khu công nghiệp mới thành lập, do tính đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch xây dựng và có đủ công năng chuyển đổi sang hoạt động công nghiệp sinh thái.
Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đánh giá: “Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu thực tiễn tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho thấy, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam là hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ thành công.
Ngay từ khi thành lập, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có định hướng toàn diện và đi theo lộ trình thực hiện từng nội dung của kinh tế tuần hoàn. Với bối cảnh hiện nay, tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có thể xây dựng mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn để nhân rộng ra cả nước”.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã học hỏi mô hình Mạng lưới Ecotown của TP Kitakyushu (Nhật Bản) để xây dựng khu công nghiệp sinh thái của người Việt, hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thu hút đầu tư ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Trần Xuân Việt (VUSTA), Công ty cổ phần Shinec đã quy hoạch, liên kết các nhóm ngành nghề với nhau tạo thành một hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh. Phương thức vận dụng kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là sự cộng sinh đa dạng trong tổng thể mô hình cộng sinh lớn, từ đó tạo ra vòng tròn liên kết hữu cơ bền vững trên 3 trục: Kinh tế - Môi trường - Xã hội, hoạt động dựa trên nội hàm của kinh tế tuần hoàn, với nguyên tắc: “Tái chế - Đa dạng - Sử dụng năng lượng xanh - Nền tảng sinh học”.
Trên nguyên tắc này, các sản phẩm tạo ra dễ dàng được tái sử dụng; có sự đa dạng và quan hệ tương hỗ giữa các doanh nghiệp, nhà nước và người dân; sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời và tiến tới việc tạo ra nhiều sản phẩm từ nguyên liệu sinh học.
Ở chiều sâu của mô hình này, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, việc thu hồi và tái sử dụng tái chế chất thải với tỷ lệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và toàn bộ khu công nghiệp, bao gồm chất thải rắn, nước thải, năng lượng. Ngoài ra, một số ngành kinh tế đang được khu công nghiệp nghiên cứu chuyển đổi gồm khí sinh học, nhựa, thép, tái chế, ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng,…
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù đối với khu công nghiệp sinh thái do đây sẽ là mô hình khu công nghiệp của tương lai, hướng tới phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường. Theo đó, đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, ưu đãi thuế xuất nhập khẩu.