Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Hòa Bình

Sau bốn năm thực hiện Nghị định 56/2005/NÐ-CP, ngày 26-4-2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến lâm (KNKL) và Thông tư 60/2005/TT-BNN ngày 10-10-2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Nghị định 56, đến nay công tác KNKL Hòa Bình ngày càng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Hiện nay, người nông dân tin tưởng vào công tác KNKL và coi việc học hỏi, áp dụng KHKT mới là nhu cầu không thể thiếu trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Phần lớn cán bộ làm công tác khuyến nông trong tỉnh đã nắm bắt được tiến bộ KHKT mới thông qua các phương tiện truyền thông và thường xuyên tập huấn nghiệp vụ khuyến nông cho nông dân những kiến thức chuyên ngành. Thực hiện chiến lược khuyến nông đến năm 2015, từ năm 2008-2009 hệ thống khuyến nông tỉnh Hòa Bình chú trọng áp dụng nhiều phương pháp khuyến nông mới, trong đó có phương pháp PTD, nghĩa là có sự trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân và cán bộ khuyến nông thông qua kinh nghiệm của họ đã có thay vì đến lớp học. Qua hình thức này, nông dân trong tỉnh đã tham gia nhiệt tình. Kết quả có hơn 90% số thử nghiệm mô hình PTD thành công, trong đó 50% được lan rộng trong toàn tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông còn kết hợp phương pháp tập huấn tại hiện trường (FFS) để chuyển giao tiến bộ KHKT nông, lâm, ngư nghiệp cho người dân nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Qua phương pháp này, cán bộ khuyến nông và người dân dễ dàng phát hiện giống cây trồng mới, phương pháp mới, từ đó xây dựng các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Ðể nhân rộng các kết quả mô hình sau khi thử nghiệm ra diện rộng, cán bộ khuyến nông tỉnh phải thực hiện đánh giá kết quả thuận lợi, khó khăn, giúp nông dân tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, mô hình trồng cam, thâm canh cây keo tai tượng, trồng lạc che phủ ni-lông, lúa gieo thẳng và mở rộng đàn bò là những mô hình có kết quả tốt.

Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hòa Bình cho biết: Quan điểm của Sở NN và PTNT là người nông dân cần gì thì giúp họ cái đó và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn như mô hình cam Cao Phong, mía tím, chè San Tuyết ở Mai Châu... Ở những mô hình này, người dân thu nhập từ 50 triệu đến hơn 100 triệu đồng/ha. Thành công của tất cả các mô hình trên là do người dân biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hiện nay, mô hình cam Cao Phong được tỉnh đánh giá là điển hình nhất vì người nông dân biết cách chăm sóc, tạo giống và tìm đầu ra cho sản phẩm mà cán bộ khuyến nông tỉnh còn phải học tập họ. Cá nhân biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất phải kể đến ông Bùi Văn Lực ở xã Sơn Thủy (Kim Bôi, Hòa Bình). Cách đây mấy năm, vườn nhãn của ông Lực tưởng phải phá đi trồng mới do già cỗi không có quả, nhưng ông Lực đã chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chiết, ghép cành ở Hưng Yên và mang những mắt ghép ở đó về ghép với nhãn nhà và đã thành công. Cái hay mà ông Lực làm là nhãn không bị chặt bỏ mà còn chín sớm, quả to, mầu đẹp, ăn ngon, giá thành cao hơn trước. Vụ vừa rồi nhà ông Lực thu hơn 20 tấn nhãn với giá 20 nghìn đồng/kg, được tỉnh đánh giá là cá nhân biết áp dụng KHKT vào sản xuất điển hình nhất. Học tập kinh nghiệm của gia đình ông Lực, nhiều người dân trong tỉnh đã tìm đến nhờ ông giúp đỡ.

Ðến Nông trường cam Cao Phong (Hòa Bình), nay là Công ty cổ phần Rau quả Cao Phong mùa này ai cũng ngỡ ngàng, bởi toàn một mầu xanh mát mắt của cây quả đang trong độ tuổi "xuân thì". Anh Phạm Trường Giang, người trồng cam ở thị trấn Cao Phong khoe với chúng tôi: Gia đình có 230 cây cam, trong đó một nửa là giống cam V2 không hạt mới trồng của Viện Di truyền Nông nghiệp. Từ khi trồng giống cam V2, tôi thấy giống này sinh trưởng tốt, không hạt, ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng hơn hẳn giống cam cũ trong vườn. So với cây trồng khác như mía, ngô..., cam V2 cho thu nhập cao gấp đôi. Bình quân 4.200 đồng/kg cam Xã Ðoài và 10 nghìn đồng/kg cam V2, gia đình thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Bây giờ gia đình đã biết cách chăm sóc cho nên cam không bị chết, rụng lá như trước.

Ông Bùi Văn Kẹn, Giám đốc Công ty Rau quả Cao Phong cho biết: Công ty cổ phần Rau quả Cao phong được chuyển đổi chính thức từ Nông trường Cao Phong năm 2007 và hoạt động theo điều lệ công ty. Diện tích đất nông nghiệp của công ty là 808 ha, trong đó 400 héc-ta cam, 50 ha ao hồ, còn lại trồng cây ngắn ngày. Từ khi đưa giống cam V2 vào trồng, đến nay sản lượng cam Cao Phong đã tăng lên đáng kể, từ bốn nghìn tấn năm 2008 lên bảy nghìn tấn năm 2009. Năng suất đạt cao như vậy là do hằng năm công ty liên hệ với các công ty thuốc bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh để mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho công nhân sản xuất cam sạch theo quy trình (GAP). Ban đầu, khi đưa giống cam V2 vào, công ty gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn kém. Ðến nay, các hộ nhận khoán đã nắm bắt được kỹ thuật, bón phân cân đối theo quy định. Cây cam có tuổi thọ trung bình 14 năm (bốn năm chăm sóc và mười năm thu hoạch), chăm sóc tốt có thể lên đến 20 năm.

Bên cạnh những mặt thuận lợi khi áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, Hòa Bình đang gặp phải không ít khó khăn do sản xuất nguyên liệu ở nhiều huyện như Ðà Bắc, Kim Bôi, Lạc Thủy chưa gắn liền với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nơi, sản phẩm người dân làm ra khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ với giá thấp do chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa lớn. Do đó, Hòa Bình cần tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế thấp sang những cây có giá trị kinh tế cao theo mô hình sản xuất tập trung, thâm canh tăng vụ. Ðồng thời, chuyển đổi diện tích đất ruộng trũng chỉ trồng được một vụ không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao; phát triển kinh tế trang trại, gia trại, làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ðể nông nghiệp phát triển đồng bộ, bền vững, tỉnh cần đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm sản xuất giống cây trồng, chuyển giao tiến bộ KHKT, cung ứng giống kịp thời cho người dân.

Bài và ảnh: Mai Quý Tùng