Ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

Với quan điểm nâng cao tính thực chất, gắn với thực tiễn, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn tập trung nguồn lực đầu tư cho các đề tài, dự án khoa học theo hướng đặt hàng xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nhờ đó, các dự án, đề tài đã nâng cao tính ứng dụng, góp phần thay đổi phương thức sản xuất của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng bí xanh thơm theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Yến Dương, huyện Ba Bể
Mô hình trồng bí xanh thơm theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Yến Dương, huyện Ba Bể

Nâng hiệu quả kinh tế

Giống vịt bầu cổ xanh đã có từ lâu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Giống vịt này chủ yếu được nuôi thả tự nhiên trên các sông suối, nguồn nước sạch cho nên thịt chắc, thơm ngon. Tuy nhiên, giống vịt bầu cổ xanh ở Bắc Kạn phân bố ít ở các huyện và chủ yếu là ở huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn... Mỗi hộ dân chỉ nuôi từ vài con đến vài chục con, chủ yếu phục vụ gia đình và bán ở các chợ phiên, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với cách nuôi tự phát, nhỏ lẻ như vậy, cùng với các nguyên nhân khác, số lượng đàn vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có xu hướng giảm dần. Do nuôi thả tự nhiên cho nên việc bảo tồn và phát triển nguồn giống gốc đang bị đe dọa, có nguy cơ không còn giữ được nguồn giống thuần chủng.

Trước thực trạng đó, tỉnh Bắc Kạn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống, xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và xây dựng chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn”. Sau ba năm triển khai, dự án đã điều tra, khảo sát, lựa chọn vịt bầu cổ xanh ở 150 hộ chăn nuôi tại bốn huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới, Ngân Sơn.

Dự án xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh bố, mẹ sinh sản với quy mô 350 con tại Trại giống Thủy sản tỉnh; tập huấn kỹ thuật cho 12 lượt hộ dân trực tiếp tham gia mô hình. Sau tập huấn, các học viên áp dụng được kỹ thuật nuôi vịt bầu cổ xanh vào thực tế chăn nuôi tại gia đình. Dự án cũng xây dựng mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh thương phẩm với quy mô 1.200 con. Sau ba tháng nuôi tỷ lệ sống trung bình đạt 98,08%, trọng lượng vịt thương phẩm đạt từ 1,7-2,3 kg/con. Dự án đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn Hoàng Văn Hùng, vịt Cổ Lũng ở tỉnh Thanh Hóa cũng có một vài đặc điểm về ngoại hình tương đồng với vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn. Tuy nhiên, khi so sánh kết quả phân tích chất lượng thịt và đặc điểm ngoại hình đã cho thấy vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn có những nét đặc trưng riêng. Vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2023.

Có chỉ dẫn địa lý đã tạo ra động lực và thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ vậy, hiện nay, ở vùng được cấp chỉ dẫn địa lý, gồm: Ngân Sơn, Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn, người dân đã nuôi giống vịt quý này theo hướng hàng hóa, cho thu nhập cao. Với việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo ra những vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao là điều ghi nhận ở nhiều huyện tại Bắc Kạn. Tại huyện Ba Bể, đề tài khoa học “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể bảo đảm năng suất cao, chất lượng tốt” đã giúp việc canh tác giống bí quý này phát triển vượt bậc.

Từ thực hiện thành công mô hình sản xuất giống bí thơm với quy mô 1 ha tại hai xã Địa Linh và Yến Dương, diện tích cây bí xanh thơm tại huyện Ba Bể tăng dần qua các năm và đồng bộ sử dụng giống đã phục tráng. Đến nay, bình quân diện tích luôn đạt hơn 200 ha. Sản phẩm bí xanh thơm được quảng bá rộng rãi, với nhiều sản phẩm được chế biến, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng và chế biến, kinh doanh sản phẩm này.

Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Bên cạnh chú trọng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về phục tráng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi các giống bản địa, Bắc Kạn còn ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đóng gói sản phẩm. Đơn cử như việc thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nhiều sản phẩm áp dụng công nghệ chế biến sâu, tạo giá trị kinh tế cao như sản xuất tinh dầu quýt của Hợp tác xã Hương Ngàn với mức tiêu thụ mỗi năm hơn 1.000 lít; sản phẩm hồng trà, bạch trà, trà móc câu từ công nghệ chế biến chè shan tuyết của Hợp tác xã Hồng Hà; các sản phẩm chế biến chè trung du của Hợp tác xã Mỹ Phương, Hợp tác xã Thanh niên Như Cố…

Hay như sản phẩm miến dong, qua triển khai các đề tài, dự án đối với sản phẩm này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Trong đó, sản phẩm miến dong Nhất Thiện, miến dong Tài Hoan nhiều năm liên tục đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu tiểu cấp quốc gia. Sản phẩm miến dong Tài Hoan đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia và đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu...

Bên cạnh chất lượng, các sản phẩm được quan tâm về bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc nhằm tiệm cận dần với các tiêu chuẩn chung, nâng cao giá trị trên thị trường. Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh được quan tâm đúng mức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đến nay, Bắc Kạn có bốn sản phẩm nông nghiệp đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (quýt Bắc Kạn, hồng không hạt Bắc Kạn, miến dong Bắc Kạn, vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn); năm sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể (gạo bao thai Chợ Đồn, gạo nếp Khẩu nua Lếch Ngân Sơn, chè shan tuyết Bằng Phúc huyện Chợ Đồn, nếp Tài Ba Bể và Khẩu nua Pái Chợ Đồn) và hiện nay đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đã ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chiếm hơn 70% trong tổng số các nhiệm vụ khoa học. Các đề tài, dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Các nhiệm vụ được triển khai bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trên các lĩnh vực. Các nhiệm vụ hướng đến có sự tham gia của bốn nhà: Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà doanh nghiệp-Nhà dân.

Thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường; mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập; bảo tồn quỹ gen giống cây trồng vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm; hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm thuộc đề án OCOP; tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tài sản trí tuệ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai truy xuất nguồn gốc.