Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng cao giá trị hạt điều

Nhằm thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương và nhân dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt điều. Nhờ đó, giúp sản phẩm nhân điều nước ta xuất khẩu tới 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm hạt điều tại Công ty Hạt Điều Vàng, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng (Bình Phước).
Kiểm tra chất lượng sản phẩm hạt điều tại Công ty Hạt Điều Vàng, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng (Bình Phước).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, diện tích trồng điều cả nước là 298 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh là 279 nghìn ha, tăng 2,64 nghìn ha với sản lượng điều thô đạt 33,8 nghìn tấn/năm, tăng 50,47 nghìn tấn; xuất khẩu nhân điều năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD. Để có được những kết quả nêu trên là do các bộ, ngành và địa phương đã vận động nhân dân và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình thâm canh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân như tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, giúp cho vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, nhiều hộ trồng điều có quy mô lớn thực hiện thâm canh tốt, chăm sóc đúng quy trình, cho nên đạt năng suất từ 30 đến 35 tạ/ha, cá biệt có nơi đạt từ 35 đến 50 tạ/ha.

Tại tỉnh Bình Phước, nơi được xem là "trung tâm" của cây điều Việt Nam khi chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, ngoài số lượng lớn diện tích và sản lượng, điều Bình Phước còn được đánh giá cao về chất lượng. Lãnh đạo tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp chế biến hạt điều chung tay nâng cao chất lượng hạt điều, trong đó tập trung vào khâu chế biến, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, tăng cường liên kết chuỗi giá trị. Nhằm nâng diện tích trồng điều, vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2025 tầm nhìn 2030. Tỉnh đặt ra mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2030, diện tích điều trên địa bàn đạt từ 175 nghìn đến 179 nghìn ha, năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2,1 tấn/ha; sản lượng đạt 352 nghìn tấn vào năm 2030; giữ nguyên công suất chế biến hạt điều 500 nghìn tấn/năm; trong đó chế biến sâu từ 10 nghìn tấn lên 30 nghìn tấn vào năm 2030.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước cũng định hướng thành lập các hợp tác xã sản xuất nguyên liệu điều với chỉ dẫn địa lý được chứng nhận để cung cấp nguyên liệu đồng bộ cho thị trường; hình thành cụm ngành chế biến điều; tập trung thu hút chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến điều thô. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa chế biến hạt điều và chế biến chuyên sâu đem lại giá trị cao. Giám đốc Công ty Hạt Điều Vàng (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) Vũ Mạnh Tùng cho biết: "Hiện nay, mỗi tháng công ty chế biến chuyên sâu khoảng 90 tấn hạt điều. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu hạt điều Bình Phước vươn tầm quốc tế, công ty luôn hướng đến thị trường các nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, sản phẩm công ty có khoảng từ 60 đến 70% phục vụ xuất khẩu, còn lại tiêu thụ trong nước".

Mặc dù hầu hết các nhà máy chế biến điều Việt Nam đều được cơ giới hóa, tuy nhiên mức độ chưa được đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Các công đoạn sử dụng nhiều nhân công như cắt tách vỏ cứng, bóc vỏ lụa, phân loại chưa được tự động hóa hoàn toàn trong chu trình chế biến. Đồng thời nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu vận hành hiệu quả hệ thống máy móc hiện đại dẫn đến lãng phí. Cùng với đó, diện tích trồng điều còn manh mún, nhỏ lẻ cho nên khó áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, trên địa bàn tỉnh hiện có 170 nghìn ha đất trồng điều với sản lượng 243 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, sản xuất nhỏ, manh mún vẫn chiếm phần lớn khi có tới hơn 77 nghìn hộ trồng với diện tích từ một đến hai ha. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho biết: "Tỉnh xác định việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, tỉnh khuyến cáo người dân phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, cây điều nói riêng cần phải dựa trên quy hoạch và phải liên kết trong sản xuất. Vì trong sản xuất nông nghiệp, khâu tiêu thụ sản phẩm rất quan trọng cho nên việc liên kết sản xuất sẽ tạo được sức mạnh tập thể và khâu phân phối tiêu thụ cũng sẽ dễ dàng và hiệu quả cao hơn".

Để phát triển ngành điều bền vững, thời gian tới, các địa phương cần phát triển vùng trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả, tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cần chú trọng chất lượng nhân điều thay vì chỉ tập trung gia tăng sản lượng; chuyển dịch từ chế biến thô sang chế biến sâu để gia tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần vận động, hỗ trợ nhân dân tái canh thay thế những vườn điều già cỗi, năng suất thấp sang những giống mới có chất lượng hơn; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống điều mới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp từng vùng sinh thái, năng suất cao, chất lượng tốt; đẩy mạnh liên kết giữa người trồng điều và các hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra ổn định...

Theo kế hoạch của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành điều sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu "giữ lượng, tăng chất, tăng giá" trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Năm 2021, ngành điều phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 3,6 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2020.