Ông Christian Karagiannidis, Giám đốc khoa học Hiệp hội Liên ngành về chăm sóc tích cực và cấp cứu (DIVI) của Đức cảnh báo cần phải hoãn một số hoạt động dự kiến diễn ra trong những tuần sắp tới để ứng phó dịch bệnh.
Viện Robert Koch đầu tuần này cho biết, tỷ lệ mắc mới là 201,1 ca/100.000 người trong 7 ngày qua, vượt kỷ lục 197,6 ca/100.000 người ghi nhận ngày 22/12/2020. Sự gia tăng số ca mắc mới và ca nhập viện, mà nguyên nhân được cho là do tỷ lệ tiêm chủng chững lại, đã khiến giới chức y tế Đức liên tục đưa ra cảnh báo trong vài tuần qua.
Theo thống kê của Worldometers, Đức đã ghi nhận tổng cộng 4.780.569 ca bệnh và hơn 97.000 ca tử vong do Covid-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8/11 cho biết có rất nhiều người cao tuổi đang phải nhập viện do Covid-19. Ông hối thúc những người đủ điều kiện đặt lịch tiêm liều tăng cường để ngăn chặn khả năng miễn dịch giảm dần sau một thời gian tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ông khẳng định, tiêm nhắc lại vaccine là một việc rất hiệu quả và giúp con người được bảo vệ hơn 95% trước sự tấn công của virus gây Covid-19.
Áo đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine. Theo đó, từ ngày 8/11, chỉ những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc những người đã khỏi bệnh tại Áo mới được phép tới các quán bar, khách sạn và tham gia các sự kiện văn hóa.
Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho rằng tốc độ lây nhiễm và tỷ lệ bệnh nhân điều trị tại các cơ sở chăm sóc đặc biệt đang tăng nhanh hơn dự kiến. Ông cho rằng cần phải siết chặt các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh để tránh tình trạng phong tỏa trong tương lai, đặc biệt là trong kỳ nghỉ Giáng sinh và mùa du lịch sắp tới.
Ngày 9/11, New Zealand đã tăng cường các biện pháp an ninh tại Quốc hội nước này khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình phản đối quy định bắt buộc tiêm ngừa Covid-19 và lệnh phong tỏa của Chính phủ. Trong đợt ứng phó với biến thể Delta vừa qua, Thủ tướng Jacinda Ardern đã phải chuyển từ chiến lược loại bỏ virus thông qua các biện pháp phong tỏa sang chiến lược chung sống với virus nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.
Tháng trước, bà Ardern cho biết New Zealand sẽ yêu cầu giáo viên và người lao động trong ngành y tế và chăm sóc người khuyết tật phải tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Bà cũng cam kết chỉ ngừng thực hiện các biện pháp hạn chế sau khi 90% người đủ điều kiện tiêm vaccine đã tiêm phòng đầy đủ.
New Zealand là một trong những nước số ca mắc Covid-19 thấp nhất thế giới. Đến nay nước này ghi nhận chưa tới 8.000 ca bệnh và 32 ca tử vong do Covid-19. Gần 80% người đủ điều kiện tiêm vaccine đã tiêm phòng.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 9/11 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 250.647.537 ca mắc, 5.065.301 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 80.061.099 ca mắc, 1.181.394 ca tử vong
2. Châu Âu: 66.240.474 ca mắc, 1.326.836 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 56.867.381 ca mắc, 1.160.104 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 38.546.843 ca mắc, 1.173.059 ca tử vong
5. Châu Phi: 8.607.438 ca mắc, 220.054 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 323.581 ca mắc, 3.839 ca tử vong
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 47.377.315 ca mắc, 775.867 ca tử vong
2. Ấn Độ: 34.366.614 ca mắc, 461.043 ca tử vong
3. Brazil: 21.880.439 ca mắc, 609.484 ca tử vong
4. Anh: 9.301.569 ca mắc, 141.805 ca tử vong
5. Nga: 8.795.095 ca mắc, 246.814 ca tử vong