Tỷ giá đồng đô la chịu nhiều sức ép

Tuần qua, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục dao động, trong đó diễn biến tăng chiếm chủ yếu. Mặc dù nhận định từ nay đến cuối năm sẽ chịu nhiều sức ép, song theo một số chuyên gia kinh tế và công ty chứng khoán, tỷ giá ở Việt Nam chưa đến mức quá căng thẳng bởi VND nhìn chung vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong các phiên giao dịch đầu tháng 10 vừa qua, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể mở phiên đầu tuần ngày 3/10, tại Vietcombank, giá mua-bán USD niêm yết tại mức 23.730- 24.040 VND/USD, tăng 30 đồng so với cuối tuần trước.

Tương tự, BIDV tăng 35 đồng lên 23.765 - 24.045 VND/USD, ACB và Sacombank lần lượt niêm yết tỷ giá USD giao dịch bằng tiền mặt ở mức 23.700-24.050 đồng/USD và 23.700-24.035 đồng/USD… Như vậy, so với cuối năm 2021, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 1.120 VND/USD, tương đương tăng 4,9%. Chỉ riêng từ tháng 9, giá USD đã tăng 1,8%. Mức tăng này đã vượt dự báo của nhiều công ty phân tích về biến động tỷ giá VND/USD trong cả năm 2022.

Giá USD liên tục tăng

Theo số liệu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đồng USD đã tăng gần 20% so với đầu năm; trong khi đồng tiền của các nước đều mất giá mạnh so với đồng USD, như đồng Bảng Anh giảm 25,3%; đồng Euro giảm 18,31%; đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 13,44%...

Trong khi đó, báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho thấy: kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 21/9/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD, bao gồm Peso Philippines (giảm 12,6%), Baht Thái Lan (giảm 11,6%), Nhân dân tệ của Trung Quốc (giảm 11,6%), Ringgit Malaysia (giảm 9,7%) và Rupiah Indonesia (giảm 5,4%).

Đối với tỷ giá VND/USD, báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 26 đến 30/9/2022 của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cũng ghi nhận, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đã tăng mạnh vượt mức 24.000 đồng/USD, và tỷ giá liên ngân hàng cũng tiến sát mức tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sau động thái của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.925 đồng (từ mức 23.700 đồng).

Theo số liệu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đồng USD đã tăng gần 20% so với đầu năm; trong khi đồng tiền của các nước đều mất giá mạnh so với đồng USD, như đồng Bảng Anh giảm 25,3%; đồng Euro giảm 18,31%; đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 13,44%...

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bán USD hai lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng/USD, khi cung-cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện. Và tính chung từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%.

Tăng sức ép lên tỷ giá

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tỷ giá tăng là điều không tránh khỏi trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và nhiều nước đã phá giá đồng nội tệ từ 10%-13% so với USD. Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải sử dụng công cụ tỷ giá trong bối cảnh vừa tăng lãi suất điều hành cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì với các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô.

VNDirect cũng cho rằng, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhóm phân tích của VNDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu)… Từ đó, VNDirect cũng đưa ra dự báo VND có thể mất giá khoảng 3,5%-4,0% so với đồng USD trong năm 2022.

“Sang năm 2023, chúng tôi kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VND tăng giá so với USD trong năm 2023 do FED chuyển từ “thắt chặt chính sách tiền tệ” sang “bình thường hóa chính sách” trong năm tới, lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023, lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023, bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại và cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023”, chuyên gia của VNDirect cho biết thêm.

Trong khi đó, bộ phận phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại lo ngại về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của VND đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng cao. Kịch bản mất giá với VND mà VDSC kỳ vọng cho cả năm 2022 khi đồng USD tăng mạnh là từ 4%-5%. Trong khi Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cũng đưa ra dự báo tỷ giá trong ba tháng cuối năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát, với mức tăng 4%-4,5% cả năm.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng dự báo, có khả năng VND cả năm 2022 sẽ giảm khoảng 5%-5,2%. “Nhưng đây vẫn là mức thấp nếu so sánh với đồng tiền của nhiều nước. Bởi đến nay, hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm mạnh hơn VND. Vì vậy, tỷ giá ở Việt Nam chưa đến mức quá căng thẳng”, TS Nghĩa nhận định.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn thể hiện sự kiên định với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng để thực hiện nhiệm vụ giữ ổn định tỷ giá. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm sự nhất quán.

“Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất, trước đó bị áp lực điều chỉnh tín dụng 15%-16%, sau khi FED tăng lãi suất. Kỳ vọng lãi suất tăng lên nhưng Ngân hàng Nhà nước đã kiên định điều hành chính sách đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Việc điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, qua đó góp phần giảm lạm phát nhập khẩu. Nếu so sánh với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực, lạm phát ở các nước này cao hơn nhiều, đồng tiền của họ bị mất giá hơn...
Thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo có nhiều bất ổn; các điều kiện tài chính toàn cầu đang trở nên chặt chẽ hơn, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại đáng kể. Do đó, trọng tâm của chính sách cần tập trung nhiều vào việc duy trì ổn định giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, chính sách tiền tệ nên tiếp tục tập trung vào ổn định giá cả. Đây là nhân tố quan trọng nhất của chính sách và cần được thực hiện một cách nhất quán để đạt mục tiêu đề ra.
Đồng thời, trong biến động của tình hình thế giới, việc quản lý và duy trì ổn định dựa trên tỷ giá hối đoái sẽ là vấn đề then chốt mà Việt Nam cần chú trọng.

Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)