Ðể thực hiện mục tiêu năm 2021 giải quyết việc làm cho 21 nghìn lao động, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp uy tín đến tuyển dụng lao động. Tỉnh triển khai nhiều chính sách thu hút đầu tư các dự án trên địa bàn và khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tư nhân nhằm tạo việc làm tại chỗ, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động. Quý I-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phải cắt giảm lao động; hơn 1.200 người lao động trên địa bàn tỉnh đã nộp hồ sơ và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tích cực chủ động phối hợp các huyện, thành phố, khảo sát, đánh giá, rà soát nhu cầu việc làm, trên cơ sở đó tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu, tăng khả năng đăng ký việc làm cho người lao động.
★ Tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 144.200 người (chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh), sinh sống tại 37 xã ở bảy huyện, thành phố. Giúp các hộ dân vùng đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động hơn 450 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội… Tỉnh triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng cây ngô lai, mì (sắn) cao sản, các loại cây ăn quả đặc sản, ớt Hàn Quốc, các loại cây họ đậu, nuôi dê, cừu, bò vỗ béo lấy thịt, nuôi heo đen đặc sản; phát triển cánh đồng mẫu lớn trồng măng tây xanh. Hiện, các xã vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đều có điện lưới quốc gia, trạm y tế, nhà văn hóa xã, hệ thống đường giao thông trải nhựa đến trung tâm huyện; 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển. Có 16 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (11 xã vùng đồng bào Chăm và năm xã vùng đồng bào Raglai). Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm; cuối năm 2020 còn 6.084 hộ nghèo, chiếm 16,19% và 4.929 hộ cận nghèo, chiếm 13,11% tổng số hộ đồng bào DTTS.
Giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đạt mục tiêu mỗi năm giảm 1,5 đến 2% hộ nghèo (hộ nghèo khu vực vùng DTTS giảm hơn 3%/năm), tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ; giúp các hộ tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế. Ðồng thời, tỉnh có kế hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; khoán đất rừng gắn với bảo đảm sinh kế bền vững. Các ngành, đơn vị tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất, các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Các hợp tác xã, doanh nghiệp, các hộ gia đình sẽ được tạo điều kiện tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế.