Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và việc vận dụng đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn hiện nay

NDO - Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận "Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và việc vận dụng đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn hiện nay" của Công đoàn Tạp chí Cộng sản gửi tới Tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Khi giai cấp công nhân Việt Nam giành được chính quyền, trở thành giai cấp lãnh đạo, Người đã nêu lên quan điểm về hoạt động công đoàn: “Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản…, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức công đoàn

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khó khăn, giành nhiều thắng lợi vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời sớm đặt nền móng cho sự ra đời và sứ mệnh cốt lõi của tổ chức Công hội đỏ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ngay từ những năm 1920 của thế kỷ XX, cùng với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin, vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để giác ngộ và thức tỉnh giai cấp công nhân Việt Nam đến với phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc. Người luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động. Người cho rằng: “Giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam cần phải có một tổ chức, đó là tổ chức Công hội”.

Theo đó, nhiệm vụ của tổ chức Công hội “trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình với nhau, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Ngày 28/7/1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền bắc Việt Nam - là tổ chức trực tiếp vận động công nhân hăng hái tham gia cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Với Bác Hồ, Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện tốt, cán bộ công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân “ý thức làm chủ tập thể và cần kiệm xây dựng nước nhà”.

Người yêu cầu công đoàn các cấp phải đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành, nghề; chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ.

Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Trong nội bộ tổ chức Công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể.

Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực.

Nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”.

Năm 1969, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, Bác nêu rõ: “Công đoàn cần tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ tập thể của công nhân, viên chức trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa.

Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống... Phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ.

Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và văn hóa của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân”.

Trong quá trình phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào thi đua ái quốc.

Trong suốt cuộc đời, Người luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và sự phát triển của tổ chức Công đoàn.

Người luôn có những mong muốn mãnh liệt trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Cho đến phút cuối đời, Người vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiền phong này.

Như vậy, có thể thấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời gắn liền với sự nghiệp, tư tưởng và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa, từ đó Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.

Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Hồ Chí Minh đã đề cập đến xây dựng một tổ chức Công hội của giai cấp công nhân, Người nhấn mạnh: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”(1).

Như vậy, xuất phát từ lý luận và thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Phong trào cách mạng quần chúng nói chung và của giai cấp công nhân nói riêng cần thiết phải được liên kết, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục mọi mặt để tăng cường sức mạnh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quá trình hình thành và phát triển, giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong công cuộc xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ công nhân Việt Nam, bao gồm những người lao động chân tay và lao động trí óc, họ là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là cơ sở xã hội chủ yếu nhất của Đảng và Nhà nước ta, là hạt nhân vững chắc trong liên minh công nhân-nông dân-trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn hiện nay

Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ tri thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; có tính chất của giai cấp công nhân và tính chất quần chúng; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên công nhân, viên chức, người lao động phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhìn lại chặng đường lịch sử, trải qua 12 kỳ Đại hội, tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Từ lực lượng công nhân lao động hơn 220.000 người những ngày đầu thành lập, đến nay Công đoàn Việt Nam có gần 10 triệu người. Có thể thấy, vai trò của tổ chức Công đoàn cực kỳ quan trọng nhất là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và hội nhập quốc tế. Lực lượng lao động và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng, phong phú, điều này đòi hỏi quan hệ của Đảng với giai cấp công nhân thông qua tổ chức Công đoàn luôn phải được coi trọng.

Công đoàn vững mạnh, giai cấp công nhân vững mạnh thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Đảng ta vững mạnh. Đó là mối quan hệ khăng khít giữa Đảng-giai cấp công nhân-tổ chức Công đoàn. Do đó, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động ngày càng cần được chú trọng.

Năm 2018, tại Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra khẩu hiệu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Theo đó, tổ chức Công đoàn muốn tạo được sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động cũng không hề đơn giản. Điều đó, đòi hỏi cán bộ Công đoàn vừa phải có kiến thức, kỹ năng và cả nghệ thuật. Đồng thời, việc tham gia quản lý nhà nước của công đoàn trong các cơ sở kinh tế, các cấp chính quyền càng cần phải được coi trọng. Công đoàn phải tích cực góp phần chống tham nhũng, quan liêu; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng.

Ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Nghị quyết nhằm hướng đến mục tiêu tổng quát đó là: “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động; chất lượng đoàn viên chưa cao, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở còn hạn chế.

Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập; nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực yếu. Hoạt động công đoàn ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động và tình hình quan hệ lao động.

Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động có mặt còn hạn chế. Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tuy giảm nhưng còn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự (2).

Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước. Quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động…

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Theo đó, cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Một là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở.

Hai là, tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Bốn là, xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.

Sáu là, hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 330.

(2) Xem: Nghị quyết số 02-NQ/TW “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-02-nqtw-ngay-1262021-cua-bo-chinh-tri-ve-doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-cong-doan-viet-nam-trong-tinh-7519