Tủ sách, tủ quần áo của chú Thu

NDO -

“Cứ gần tới học kỳ mới, mấy đứa trẻ trong xóm lại tới hỏi tôi: “Chú ơi, năm nay có sách, vở không ạ? Mẹ nói đợt này chưa gom được nhiều nên để dành mua quần áo với đóng học phí trước ạ…”, thế là tôi lại rục rịch đi gom sách” - chú Nguyễn Minh Thông (55 tuổi) chia sẻ về lý do duy trì tủ sách miễn phí cho trẻ và tủ quần áo cho người nghèo tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Chú Nguyễn Minh Thông (chú Thu) luôn dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện.
Chú Nguyễn Minh Thông (chú Thu) luôn dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện.

Cho đi yêu thương…

Ngôi nhà cấp 4 nhỏ của chú Thông (mọi người đều gọi tên thân thương là chú Thu) nằm len lỏi trong dãy nhà tại đường Hồ Học Lãm (phường Mân Thái). Nếu không để ý kỹ có thể nhiều người khó nhận ra tấm biển hiệu treo trước nhà với dòng chữ “Thiếu đến lấy, thừa đến cho”.

Năm 2018, chú Thu bắt đầu làm tủ quần áo miễn phí tại nhà, với mục đích giúp đỡ cho bà con nghèo, người bán ve chai, bán vé số có được quần áo mới để mặc. Vận động bà con, người thân xung quanh đóng góp quần áo không còn dùng tới nhưng còn tốt, chú mang về giặt sạch, là thẳng thớm và treo gọn gàng trong tủ đặt trước nhà.

2 tháng đầu tiên, nhận được những tín hiệu tích cực từ tủ quần áo khi nhiều người đã tới lấy đồ, chú Thu lại nghĩ đến chuyện các em nhỏ đang thiếu sách, vở và dụng cụ học tập thì một tủ sách cũ miễn phí cũng đã ra đời. “Quanh khu vực mình sống nhiều gia đình lao động chân tay, gia đình ngư dân, hộ khó khăn… nên việc có đầy đủ mọi thứ cho các con đi học cũng là một nỗi lo đối với họ. Mà sách tuy cũ nhưng chưa rách nát thì vẫn có thể giúp được các em, vì vậy tôi quyết tâm làm”, chú Thu bộc bạch.

Tủ sách, tủ quần áo của chú Thu -0
Tủ sách được chú xếp gọn gàng để trước cửa.  

Được nhiều người biết đến qua mạng xã hội, cùng những năm tháng làm tình nguyện trước đây đã giúp việc kêu gọi đóng góp cũng dễ dàng hơn. Quần áo hay sách, vở, đồ dùng học tập đều được quyên góp từ những bài đăng trên mạng của chú và những người bạn. Riêng năm 2021, chú đã quyên góp được gần 6.000 cuốn vở mới cho các em học sinh và đây cũng là năm kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm nhất.

Bà Trương Thị Lay (60 tuổi) gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Bà sống chung với gia đình 2 người con trai đều đi biển và 5 đứa cháu đang ở độ tuổi ăn học. Bởi vậy, bà luôn nhận được sự hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập mới từ tủ sách của chú Thu, quần áo nếu cần bà vẫn ghé chọn để mặc. Bà Lay tâm sự: “Mấy đứa cháu đều rất vui vẻ khi tới nhà chú Thu để nhận sách giáo khoa, sách tham khảo cho mỗi học kỳ mới. Tuy nói sách cũ nhưng vẫn còn rất tốt, sạch sẽ, được bao bọc gọn gàng, mỗi lần vậy gia đình cũng đỡ được một khoản trong sinh hoạt”.

Ngoài ra, nhận thấy được những nhu cầu về quần áo của bà con ở các địa phương lân cận, chú Thu đã cùng câu lạc bộ “Sống để yêu thương” của phường để trao quần áo cũ đến cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở Quảng Nam, Quảng Trị, Quãng Ngãi… Tham gia cùng mọi người nấu hàng trăm suất ăn chay mỗi tháng để tặng người nghèo.

… để nhận lại hạnh phúc

Tủ sách, tủ quần áo của chú Thu -0
Vở mới cho các em nhỏ. 

Nhiều người khi tới lấy đồ thường bất ngờ về căn nhà chú Thu đang sinh sống. Đó là một căn nhà cấp 4 nhỏ, mái tôn trước hiên nhà cũng đã không còn nguyên vẹn. Mọi thứ trong ngôi nhà làm ít người tin rằng đây là một nơi làm thiện nguyện. Có người từng hỏi: “Nhà vậy mà sao lại làm những việc như thế này?” Chú Thu đáp: “Đợi đến khi giàu mới làm thì biết bao lâu nữa. Điều tôi trăn trở nhiều nhất khi làm việc này chính là cách cho như thế nào để người ta cảm thấy vui vẻ khi đến đây và nhận đồ cần thiết với nhu cầu bản thân”.

Có lẽ vì cách làm cũng như con người chân chất của chú đã tạo cảm giác gần gũi nên giúp cho bà con cảm thấy thoải mái khi đến nhận đồ. Tủ sách và tủ đồ được để trước nhà, bất kỳ ai cũng có thể ghé đến lấy, lựa chọn những món đồ phù hợp. 

Hiện tại, chú đang làm tổ trưởng tổ dân phố, chú cũng làm thuê cho các thuyền, thúng cá nhỏ ở biển để phụ giúp gia đình. Tuy công việc là thế, nhưng công việc từ thiện vẫn nằm trong thời gian biểu và là công việc ưu tiên của bản thân. Khi được hỏi về những cảm xúc khi làm việc thiện nguyện này, chú Thu chỉ cười và bộc bạch: “Mình yêu rồi thì thấy thích lắm, thấy người ta vui thì mình cũng vui”. 

Với người đàn ông này, niềm hạnh phúc lớn nhất của việc tình nguyện chính là nhận được tình cảm từ mọi người, từ dăm ba con cá, ít hải sản từ những ngư dân trong vùng mỗi chuyến biển về.