Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/4/2022) đến hết ngày 31/12/2022, như sau: Xăng: Giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: Giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa: Giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Nhiên liệu bay: Giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023 thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước trước bối cảnh giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước biến động tăng và có xu hướng tăng cao trong khi nền kinh tế-xã hội đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, việc điều chỉnh trong khung mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường nên vẫn bảo đảm nguyên tắc phù hợp với mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, đa số ý kiến cơ bản thống nhất việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện hiện nay để kịp thời góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu khan hiếm; góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và thuộc mặt hàng bình ổn giá, bám sát tình hình giá xăng dầu thế giới nhưng đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời, đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất giảm thuế, từ đó giảm giá xăng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong tình hình giá thế giới tăng cao. Đề xuất này chắc chắn làm giảm thu ngân sách nhưng với tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu rà soát, hoàn thiện các quy định quản lý, điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, có các giải pháp bảo đảm giá bán xăng, dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân; sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá thị trường; chú ý các giải pháp bảo đảm nguồn lực, cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm và trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, về số giờ làm thêm trong một năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm hơn 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Về số giờ làm thêm trong một tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm hơn 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành có liên quan đánh giá tác động của tình trạng hậu Covid-19 thời gian tới. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan liên quan có báo cáo rà soát thêm về các công ty có yêu cầu làm thêm giờ, có đơn đặt hàng để giải quyết hài hòa lợi ích trong thời gian tới.