NDĐT- Các nhà hoạt động hòa bình Israel và Palestine đã tổ chức các cuộc biểu tình để kỷ niệm 40 năm xảy ra cuộc chiến tranh A-rập – Israel 1967.
Cuộc chiến Trung Đông 1967, còn gọi là Cuộc chiến sáu ngày, là cuộc xung đột lần thứ ba giữa Israel và các nước láng giềng gồm: Ai Cập, Jordan và Syria.
Chiến tranh lần thứ nhất xảy ra năm 1948, còn lại Đông Jerusalem và Bờ Tây sông Jordan nằm dưới quyền kiểm soát của Jordan và Bờ biển dải Gaza do Ai Cập kiểm soát.
Năm 1956, Israel chiếm đóng dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập. Một năm sau đó, Israel buộc phải rời Sinai và Lực lượng Khẩn cấp của LHQ (Unef) được triển khai.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng và các tổ chức vũ trang Palestine mới thành lập bắt đầu mở các đợt tấn công xuyên biên giới với sự hỗ trợ của thế giới A-rập. Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser muốn đoàn kết thế giới A-rập và tuyên bố sẽ “phá hủy Israel”, còn Israel lo ngại họ có thể sẽ bị xóa bỏ.
Tháng 5-1967, Tổng thống Nasser yêu cầu rút lực lượng Unef ra khỏi Bán đảo Sinai, gần eo Tiran có tàu thuyền của Israel qua lại, và ký một công ước phòng thủ với Jordan.
Ngày 5-6
7 giờ 45 phút (giờ Israel), quân đội Israel (IAF) đã mở chiến dịch Operation Focus và tiến hành đợt oanh kích đầu tiên vào 11 sân bay của Ai Cập, phá hủy hàng chục máy bay đang đậu trên đường băng.
Cuộc tấn công phủ đầu của Israel đã làm hạn chế tối đa hệ thống phòng không và phòng thủ của Ai Cập. Hàng chục phi công Ai Cập chết trong các cuộc tấn công này.
Không quân Israel mất 19 máy bay, giảm 10% sức mạnh, phần lớn máy bay của Israel bị rơi là do trục trặc kỹ thuật hoặc bị tai nạn. Năm phi công Israel chết và năm người khác bị bắt làm tù binh.
Các nước A-rập tấn công giáng trả Israel, máy bay chiến đấu của Syria, Jordan tấn công các mục tiêu của Israel.
Các cuộc không kích của Israel đã phá hủy khoảng 311 máy bay của Ai Cập. Israel đánh bom các căn cứ của Syria, Iraq và Jordan và hoàn toàn chiếm ưu thế trên không.
Bộ binh Israel vượt qua bán đảo Sinai chiếm al-Arish, một ngày sau khi xảy ra cuộc đụng độ ác liệt. Các sư đoàn của Israel đã chiếm được Bir Lahfan và tấn công quân Ai Cập ở Umm Katef.
Jordan tấn công Israel từ Bờ Tây và Đông Jerusalem và dùng pháo tầm xa nã vào Tel Aviv.
Ngày 6-6
Máy bay của không quân Israel hỗ trợ trên không cho bộ binh ở Sinai, tại Umm Katef và dải Gaza.
Cuộc đọ súng xảy ra giữa quân Israel và Jordan tại Ammunition Hill ở phần phía bắc của Đông Jerusalem, sau đó Israel chiếm được khu vực này. Trong cuộc đọ súng này, có 106 lính Jordan và 37 lính Israel chết.
Trong cuộc chiến, Syria chỉ mở một cuộc tấn công trên bộ, pháo kích vào các khu định cư gần biên giới trước khi mở cuộc tấn công trên bộ. Cuộc tấn công bị ngừng do vấp phải sự kháng cự của dân quân của các khu định cư và chấm dứt sau khi máy bay của Israel tấn công.
Nguyên soái Ai Cập Abd al-Hakim Amer đã ra lệnh rút quân, ông yêu cầu quân đội ném vũ khí hạng nặng xuống kênh đào Suez, dẫn đến việc hàng nghìn lính bị chết và bị bắt.
Đêm xuống, Lực lượng phòng thủ Israel (IDF) đã giành quyền kiểm soát Gaza từ Ai Cập và Hebron và Bethlehem từ Jordan.
Hội đồng Bảo an LHQ đã triệu tập phiên họp khẩn cấp. Mỹ đệ trình một lệnh ngừng bắn nhưng bị Liên Xô bác bỏ.
Ngày 7-6
IDF tiến vào Bờ Tây sau khi quân đội Jordan ra lệnh rút lui. Máy bay của Israel đánh bom vào lực lượng bộ binh của Jordan tại các khu vực ở Jerusalem, Jericho và khu vực rừng núi lân cận. Israel kiểm soát được Jericho vào chiều cùng ngày.
10 giờ sau khi quân đội Israel kiểm soát thành phố cổ kính Jerusalem, lính Israel nghe thông điệp từ đài phát thanh: “Đền Temple Mount đang nằm trong tay chúng ta”.
Ngay sau đó, Thị trưởng Jordan ở Jerusalem Anwar al-Hattib đã chính thức đầu hàng. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan và Tham mưu trưởng Yitzhak Rabin đã đến thành phố để ăn mừng việc Israel kiểm soát khu vực này, bao gồm cả khu vực linh thiêng. Hàng trăm nghìn người Palestine sống ở Bờ Tây đã rời bỏ nhà cửa để đến tị nạn ở Jordan.
Tại bán đảo Sinai, các đơn vị của Israel đã đến kênh đào Suez vài giờ trước đó, nhưng đã rút lui và phục kích quân Ai Cập từ Mitla và Giddi rút quân qua.
Ở phía nam bán đảo Sinai, quân đội Israel tấn công và chiếm được pháo đài chiến lược của Ai cập là Sharm el-Sheikh.
Ngày 8-6
Lực lượng thiết giáp và cơ giới của Israel do hai tướng Avraham Joffe và Ariel Sharon chỉ huy đã đánh bại lực lượng của Ai Cập do Tướng Abd al-Mohsen Mortagui chỉ huy.
Tướng Mortagui chỉ huy 80 nghìn quân và hơn 1.000 xe tăng, nhưng thiếu sự hỗ trợ của không quân, nên không chống chọi được với cuộc tấn công của bộ binh và không quân Israel.
Hàng nghìn lính Ai Cập chết trận, chết do nóng và khát trên sa mạc. Nhiều người bị Israel bắt làm tù binh.
Cuối ngày hôm đó, Israel đã chiếm được các vị trí quan trọng dọc bờ phía đông của kênh đào Suez. Ai Cập chấp nhận thất bại và một lệnh ngừng bắn có hiệu lực sau đó.
Cũng trong ngày, máy bay chiến đấu của IAF đã tấn công tàu do thám USS Liberty của Hải quân Mỹ ở ngoài khơi, gần al-Arish, làm 34 lính Mỹ thiệt mạng và 172 người khác bị thương. Israel giải thích rằng họ bắn nhầm mục tiêu vì tưởng đó là tàu của Ai Cập.
Tòa án Hải quân Mỹ sau đó đã chấp nhận lời giải thích của Israel nhưng vẫn tranh cãi về vụ việc.
Ngày 9-6
Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser xuất hiện trên truyền hình thông báo nộp đơn xin từ chức. Ông đổ lỗi cho phương Tây là đã giúp đỡ Israel.
Quốc hội Ai Cập đã bác đơn xin từ chức của ông sau khi hàng nghìn người đổ xuống đường phố ở thủ đô Cairo và Beirut (Li-băng) biểu tình phản đối.
Lính dù Israel, với sự hỗ trợ của không quân, đã chiếm được sân bay Ras Sudar ở Ai Cập. Lần đầu tiên, máy bay của IAF tấn công lực lượng bộ binh Ai Cập ở phía tây kênh đào Suez.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Dayan bác bỏ yêu cầu của quân đội và phần lớn nội các đề nghị chiếm Syria vì ông lo ngại Israel sẽ có nguy cơ chiến tranh với Liên Xô. Tuy nhiên sau đó ông đã thay đổi ý định.
Vài giờ sau khi Syria chấp nhận đề xuất ngừng bắn của LHQ, Israel đã đánh bom thủ đô Damascus và mở chiến dịch trên không và trên bộ tấn công Cao nguyên Golan.
Ở mặt trận Syria, bằng đường không, các lữ đoàn của Israel đã khẩn trương chiếm Quneitra, cách thủ đô Damascus khoảng 40km, mà chỉ gặp phải sự kháng cự yếu ớt.
Quân đội Syria gần như sụp đổ và phần lớn lực lượng của họ rút về hướng đông, không giao chiến với Israel. Hồi 14 giờ 30 phút, quân đội Israel đã hoàn toàn kiểm soát Cao nguyên Golan.
Các đơn vị của Syria nắm giữ các vị trí phòng thủ dọc phía nam đến Damascus, nhưng Israel đã ra lệnh cho binh lính ngừng tiến quân.
Lệnh ngừng bắn của LHQ có hiệu lực hồi 18 giờ 30 phút.
Sau sáu ngày giao tranh, quân đội Israel đã chiếm được toàn bộ bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan. Lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Israel rộng gấp bốn lần so với một tuần trước đó.
Vào giữa tháng sáu, số người tị nạn Palestine tại Jordan đã tăng lên từ 332 nghìn người lên 745 nghìn người.
Các nước A-rập có liên quan đến cuộc xung đột không công bố chính thức số binh sĩ chết và bị thương.
Israel cho biết, họ có 776 lính tử trận. Còn theo Hãng tin AP, có khoảng 11 nghìn 500 lính Ai Cập, 6.094 lính Jordan và 1.000 lính Syria chết trận. Hàng nghìn người khác bị bắt làm tù binh.
(Theo BBC)