Ngay sau khi thành lập, STDe đã quy tụ được một hội đồng khoa học với nhiều chuyên gia hàng đầu như: GS, TS Phạm Đức Dương (Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Đông-Nam Á); GS, TS Nguyễn Lân (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam); PGS, TS Vũ Tuấn Cảnh (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam)..., những người mà theo TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh là "thuộc thế hệ cũ nhưng có tư duy vô cùng hiện đại", bên cạnh đội ngũ những người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết và sáng tạo.
Để rồi, trải qua năm năm hoạt động, với sự đầu tư trọng điểm cho những công trình nghiên cứu mang "tư duy đột phá", STDe đã cho ra đời 15 sản phẩm du lịch khiến người xem thật sự bất ngờ. Mưa, gió, bão, lụt, rơm, rác, bóng đêm... những thứ tưởng chừng chỉ toàn gây cho con người sự phiền toái nhưng khi trở thành đề tài nghiên cứu của STDe đã biến chuyển thành những sản phẩm du lịch độc đáo và có sức thu hút kỳ lạ. Dự án đầu mang tên "Biến mưa, bão, lụt miền trung thành sản phẩm du lịch", ngay khi được công bố ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã làm thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Bằng cách biến những rào cản thời tiết thành yếu tố thuận lợi để khai thác du lịch, giờ đây, du khách khi đến với miền trung trong mùa mưa lụt có thể ngồi thuyền ngắm vẻ cổ kính, trầm tư của phố phường hay thưởng thức những loại hình nghệ thuật từ mưa như: nghe nhạc mưa, múa rối nước, chụp ảnh mưa, uống trà, chơi cờ dưới mưa... Cách tìm kiếm cơ hội cho du lịch từ những yếu tố bất lợi theo cách gọi của ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An là "dự án biến họa thành phúc" đã nhận được sự đồng thuận cao từ chính quyền địa phương các tỉnh miền trung. Hiện, dự án đang được một số doanh nghiệp du lịch ứng dụng triển khai tại Hội An, Huế.
Cũng từ cách "tư duy ngược" mà vô cùng lô-gích, dự án "Mô hình khách sạn bóng đêm" của STDe đã ra đời, góp phần giải quyết những thách thức về cạn kiệt tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên năng lượng. Dự án đưa ra giải pháp cụ thể để khách sạn vừa có thể tiết kiệm điện ở mức cao nhất, vừa khai thác được nhiều giá trị của bóng tối khi du khách được trải nghiệm những cảm giác thú vị, mới mẻ thông qua các hoạt động như: tiệc âm phủ, bữa ăn quê trong ánh đèn dầu, khám phá thiên văn cùng các đồ vật phát quang... Với tính ứng dụng cao và dễ triển khai, dự án này đã được trao tặng Giải Cống hiến trong Cuộc thi "Ý tưởng Kinh tế xanh 2011" và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với ba doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart 2013.
Nhằm gỡ khó cho du lịch Đường Lâm, Hà Nội, STDe còn nghiên cứu "Sản phẩm du lịch từ rơm", giúp những người dân ở làng cổ tận dụng nguồn nguyên liệu rơm, là vật liệu sẵn có, rẻ tiền để làm ra những mô hình, sản phẩm phục vụ du lịch như: nhà nghỉ rơm, đồ lưu niệm bằng rơm, công viên rơm... Hiện dự án đang được người dân Đường Lâm tiến hành triển khai vào thực tế.
STDe cũng gây dấu ấn ngoạn mục với sản phẩm du lịch khó tưởng tượng "Gió Bạc Liêu" khi giúp nhà máy điện gió phát triển một chuỗi những sản phẩm du lịch từ tài nguyên gió như: gió múa, gió hát, đàn gió... Dự án hiện đang được UBND tỉnh Bạc Liêu kết nối cùng các doanh nghiệp triển khai. Cùng với mưa Huế, lụt Hội An, bão Đà Nẵng, gió Bạc Liêu, rơm Đường Lâm, STDe còn thể hiện sức sáng tạo không ngừng với cây lúa, cát, muối và rác...
Theo TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh, lối tư duy cũ, kinh nghiệm cũ là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội, điều này khiến cho Việt Nam vẫn mãi là một quốc gia nghèo, chạy theo các quốc gia khác mà không có được con đường sáng tạo của riêng mình. Chính vì vậy, khi các sản phẩm du lịch mang tư duy đột phá được STDe nghiên cứu và triển khai vào thực tế đã mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới trong việc phát triển những sản phẩm du lịch Việt Nam, góp phần giải quyết những thách thức lớn của du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng... Tuy nhiên, với vai trò tiên phong, trên hành trình khẳng định mình, STDe cũng nhận về không ít khó khăn, thách thức. TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh chia sẻ: STDe là một tổ chức phi lợi nhuận. Tất cả các dự án đều được thực hiện mà không có bất kỳ một nguồn tài trợ nào. Sau khi lên ý tưởng, liên hiệp tự bỏ vốn để nghiên cứu thành sản phẩm du lịch, tiếp đó là quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào "gặp duyên" mới tiến hành chuyển giao công nghệ. Bởi thế, hành trình để nghiên cứu thành công một sản phẩm du lịch xuất phát từ sự đột phá trong tư duy khai thác tài nguyên đã là thách thức. Song thách thức lớn hơn là làm thế nào để sản phẩm ấy đến được với doanh nghiệp, được doanh nghiệp chấp nhận và triển khai trong thực tế. Nghe ý tưởng của chúng tôi, thời gian đầu, không ít người cho rằng chúng tôi viển vông, và hoàn toàn không tin vào tính khả thi của dự án. Nhưng sau khi được cung cấp những giải pháp cụ thể và nhìn thấy được tính ứng dụng thực tế, một số doanh nghiệp đã sẵn sàng bắt tay để tạo nên sự thay đổi.
Đến nay, số lượng các doanh nghiệp ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với STDe chưa nhiều nhưng phần lớn đều là những doanh nghiệp tiên phong và giàu tâm huyết với ngành du lịch. Họ đã cùng STDe xóa bỏ những hàng rào tư duy cũ kỹ để tạo ra bước phát triển đột phá cho du lịch Việt Nam. Đó cũng chính là điều giúp TS, KTS Nguyễn Thu Hạnh cùng Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững luôn kiên định với sứ mệnh mà mình đã chọn, cho dù con đường để thực hiện sứ mệnh ấy còn nhiều khó khăn phía trước.