Truyền thông Đức đánh giá cao cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Báo Focus của Đức đăng bài viết về sự phát triển của châu Á, trong đó đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Lạch Huyện.
Cảng Lạch Huyện.

Theo TTXVN, bài báo dẫn lời ông Horst Geicke, nhà đầu tư và là Chủ tịch Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Việt Nam được coi là một điểm đầu tư mới đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Đức nói riêng.

Theo bài báo, trước đây Việt Nam chủ yếu tập trung vào phát triển du lịch và xuất khẩu một số sản phẩm chủ đạo như nông sản, quần áo, giày dép. Nhưng đến nay, Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực điện tử và các lĩnh vực khác. Thí dụ điển hình nhất là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, với một nửa số điện thoại di động xuất xưởng của Samsung hiện được sản xuất tại Việt Nam.

Tại châu Á, ngoài Singapore, chỉ có Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong số các doanh nghiệp Đức đang hướng tới Việt Nam có các nhà cung cấp phụ tùng ô-tô Brose và ZF, nhà sản xuất thiết bị Kärcher, nhà cung cấp vật liệu xây dựng Knauff và công ty hàng tiêu dùng Henkel. Bài báo cũng nhắc lại chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tháng 11/2022 và cho rằng, các nhà lãnh đạo Đức đánh giá cao quan hệ với Việt Nam, đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.

Tạp chí Kinh tế và Xã hội (PT-Magazin) của Đức cũng đăng bài viết với tiêu đề “Đầu tư vào Việt Nam”, trong đó cho rằng, trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp quy mô vừa vẫn coi Việt Nam là một lựa chọn thú vị. Theo bài viết, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển với chính sách tiếp cận thị trường tự do, vì vậy đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng liên tục của FDI những năm gần đây và việc xây dựng các cơ sở sản xuất liên quan có thể chứng minh điều đó.

Theo bài viết, hai yếu tố “trong nước” và “toàn cầu” là lý do Việt Nam trở thành trung tâm của nhiều chuỗi cung ứng. Trong nước, Việt Nam vẫn có thế mạnh với chi phí tương đối thấp, mặc dù chi phí cho bất động sản thương mại và tiền lương cũng đang tăng lên. Hơn nữa, Việt Nam ổn định về mặt chính trị, cho phép các doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh một cách đáng tin cậy. Các điều kiện khung đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài phần lớn được tự do hóa. Việt Nam còn được hưởng lợi từ EVFTA cũng như từ các hiệp định của ASEAN.