Xa Ngán Tý là bản của người H’Mông. Những ngôi nhà trình tường nằm nép mình sau những bóng cây xanh thẫm. Giữa chiều, mới vài nhà nổi lửa, khói tỏa lên ngun ngút lẫn vào sương ngàn. Cắt qua bản, phải đi tiếp vào một rừng trúc ken dày, rồi cuối cùng là xuyên qua cánh rừng ly sa. Tên loài cây này là do một người đàn bà lấy rau lợn ven rừng nói cho tôi biết. Cao vút, trên những cái cành khẳng khiu, hoa ly sa chen nhau nở. Đỏ rừng rực, đỏ gắt gao như máu của rừng, như máu của trời. Có tiếng con chim gì kêu khắc khoải nghe càng thêm hoang liêu, cô độc. Tôi đang háo hức với nơi công tác nên đã nhanh xua tan cái vẻ quạnh vắng của núi rừng. Tới điểm trường, trời mịt mờ hơi sương, phía tây ánh hoàng hôn chàm sậm, nhưng tôi vẫn thấy hàng chữ: “Điểm Trường tiểu học Xa Ngán Tý” trên chiếc cổng gỗ mảnh, cứng cáp.Tác giả: Nguyễn PhúGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Duy BaThời lượng: 19p07g
Bà Dậu vốn có sức khỏe hơn người. Hơn sáu mươi tuổi không biết ốm là gì. Lúc nghèo khó bát cơm độn sắn độn khoai, làm quần quật suốt ngày da thịt vẫn săn lại như bện chạc bện thừng.Cả đời nghèo mà vẫn cười nói vô tư, ruột gan hả hê nên khỏe mạnh, nhưng từ hôm có cục tiền một tỷ thằng con cả gửi ở nước ngoài về suốt ngày phải bo bo giữ đống tiền làm bà mất ăn mất ngủ. Bà trở nên trái tính trái nết.Tác giả: Nguyễn Hữu NhànGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 17p41g
Chị ngừng tay xào đảo thức ăn, lẽ nào nhà sắp có khách? Nhưng vừa nghĩ tới đó, chị thở dài. Khách khứa gì nữa, chị vừa buộc phải mở lòng đón một vị khách bất đắc dĩ. Một vị khách không mời mà tới, hệt như thêm một thứ gia vị cay đắng cho cuộc sống đang yên bình. Giờ chỉ thoáng nghĩ đến là lòng chị thắt lại. Ngoài trời, những hạt li ti đang rơi xua bớt đi cái oi bức đến trương nồng suốt cả ngày nay. Đứa con gái mười bảy tuổi của chị từ trên nhà chạy xuống, ôm ngang phía sau mẹ, giọng hồ hởi: “Mẹ nấu gì thơm thế?”. Chị cười: “Bố cô, lại đói nữa phải không?”. Nó cười hì hì buông mẹ, tự động đi dọn bát đũa.Tác giả: Đinh Thùy HươngGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 18p28g
Xứ nào có người thương đều là quê hương xứ sở, Phú nhớ mang máng từng nghe một câu tương tự như thế trong một bộ phim nào đó đã xem. Nên mỗi lần có ai thắc mắc can cớ chi bỏ xứ ra đây, anh thường nói rành rẽ, tại có người tui thương.Tác giả: Diệu ÁiGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 17p09g
Vỡ mộng. Tôi muốn biến khỏi làng quê. Ngôi nhà là nơi tôi muốn về giờ trở nên trổng troảng. Không hiểu sao tôi lại cứ thấy nó ngày một xa lạ. Ngôi nhà này nơi tôi đã sinh ra. Bậc thềm này nơi tôi đã ngã chúi khi bước những bước đầu tiên trong đời và cả cái làng này đã bao bọc tuổi thơ tôi, hình thành nên tính cách của tôi, đã đem đến cho tôi một tình yêu đầu đời với Thắm. Sự vỡ mộng khiến tôi cảm thấy xấu hổ cả với Thắm, tôi tránh gặp em mà trong lòng giằng xé. Giờ đây tôi chỉ muốn trốn chạy, muốn rời xa tất cả. Giống như một con thú bị mắc bẫy nằm lịm dần với vết thương lênh láng máu, tôi nằm im trong đống lá khô mong chờ người thợ săn sẽ đến...Tác giả: Trẩn Quỳnh NgaGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 29p08g
Sẩm tối ngày hôm ấy trời bắt đầu lắc rắc mưa. Mâm cơm dọn ra chỉ có một mình, Miền ngồi phía nào cũng thấy trống.Ðiện đã cắt từ lúc xế chiều, trên bàn chỉ còn lại một ngọn nến gầy nhom ứa nhựa thành dòng rồi tàn dần, ánh sáng chập chờn phấp phỏng. Bên ngoài tĩnh lặng một cách kỳ lạ, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh căng thẳng ồn ào khắp làng trên xóm dưới suốt mấy ngày qua. Thông tin khẩn cấp về một cơn bão cường độ mạnh sắp đổ bộ vào khiến ai nấy rối rít cả lên, người ta vội vã chằng chống nhà cửa, thu dọn đồ đạc rồi cuống quýt lên xe tập trung về nơi sơ tán trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực. Mặc cho dòng người hoảng hốt đi trú ẩn rầm rập ngang qua cùng tiếng loa cảnh báo phát đi liên tục suốt mấy tiếng đồng hồ liền, Miền vẫn bình thản đóng cửa ở yên trong nhà, chờ cơn bão tới.Tác giả: Trẩn Thị Tú NgọcGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 18p19g
Hoàng nhắm nghiền mắt lại rồi từ từ mở mắt ra. Trời vẫn tạnh khô. Chiếc can đựng nước ngọt bồng bềnh bên cạnh. Lựa lúc sóng êm anh dốc ngược, chỉ còn một ít sóng sánh ở đáy can. Dòng nước ngọt thấm dần da thịt anh nở ra, tươi ra. Ðầu óc nhẹ nhõm, con mắt nhìn không nhức nhối như trước. Cái chân bị chuột rút tê dại giờ như có máu truyền xuống đã duỗi duỗi. Hai cánh tay nặng như khúc gỗ, các khớp bắt đầu long ra. Một nỗi cô đơn trống rỗng. Bây giờ là buổi sáng. Lại một ngày nữa. Anh buông mình theo ven nước chảy...
Mưa sụt sùi, rả rích không lúc nào ngớt. Cái máng nước trên mái chảy xuống thứ nước trong vắt, làm xói mòn một khoảnh sân đất đỏ bằng bàn tay, chỉ còn nhô lên ít đá răm và sỏi nâu lạo xạo. Ngoài vườn, mùng tơi bò lên cái bờ rào nứa xanh rì, những ngọn nhỏ loăn xoăn vươn lên bầu trời trắng đục lờ nhờ mây. Trời thế này, mưa sẽ còn lâu mới tạnh. Mấy con gà lích rích trong chuồng, rũ những bộ lông ướt thảm hại. Chị Lê nhìn đăm đăm ra vườn. Ðứa con gái 5 tuổi đang say sưa với mấy cái thuyền giấy được mẹ gập cho từ những tờ giấy bỏ. Nó ngồi trước hiên nhà thả thuyền ra những vũng nước đọng ở sân, nhìn bong bóng nổi lên rồi chợt vỡ tan. Tiếng cười của nó trong veo, lẫn vào tiếng mưa cuối một xóm vắng.Tác giả: Nguyễn Thị LoanGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Việt AnhThời lượng: 22p55g
Xóm giềng tụ tập đông đủ bên cái hiên nhà bàng bạc gió, tấm tắc khen chị gả vào chỗ xứng đáng cả đời. Từ nay chị sướng tấm thân. Dì khỏi tảo tần buổi chợ. Ngoại bệnh, không cần lo mượn nợ. Thằng Co cũng chẳng còn ra đầm mỗi mùa nước nổi. Có đứa con gái đẹp như trời cho hũ vàng ròng. Những giọng người rổn rảng xuyên đêm vỗ vào lòng thằng Co những âm thanh lùng bùng lỗ tai. Đêm càng khuya tiếng vỗ càng rõ. Co xách chai rượu ra sàn lãng ngồi thất thần. Con bìm bịp gọi bạn khản cả khúc sông. Ngày mai chị theo chồng. Căn nhà còn lại chỉ ba người thắt thẻo ruột gan. Tháng chín phủ lên vàm sông Đợi những bông hoa thủy liễu trắng non nớt như những mắt nhìn hau háu từ lòng đêm thâm u.Tác giả: Ân ĐiềnGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 17p05g
Cảm giác mỗi lần đứng trên tàu, ngóng bờ lùi dần và mất hút, trước mặt chỉ thấy mênh mông mặt biển mây trời, tự nhiên thấy mình nhỏ bé mà vĩ đại, đơn độc nhưng tự do. Chú nói, đàn ông làm nghề đi biển, tâm tư ít thôi. Chỉ cần ăn ngủ mạnh giỏi và cứng rắn trước gió trời, càng nghĩ ít càng nhẹ thuyền. Không lẽ tâm tư mình nặng đến nỗi con thuyền cũng chao đảo. Nhiều nỗi niềm vô hình nhưng sức nặng làm mệt mình lắm con ạ. Chú rít thuốc, vỗ vai Lâm dịu dàng. Lâm tính hỏi nhiều thêm nhưng đắn đo nên thôi. Mênh mông giữa biển lộng này, coi rộng thênh thang đó nhưng nhiều khi không biết nép giấu nỗi buồn vụng về ở đâu cho phải.Tác giả: Diệu ÁiGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 18p28g
Giữa biển trời vùng Ðông Bắc mênh mông, người con gái vạn chài một mình trước biển. Nàng bị cột chặt vào một trụ đá trước cửa hang hoang sơ có từ khi trời đất mới khai sinh. Thân thể nàng một phần chìm trong nước biển, đôi mắt nàng dõi nhìn phía trời xa. Người con gái cất tiếng hát. Tiếng hát thiết tha, sầu muộn vang vọng vào từng vách đá, tan dần theo mỗi cơn sóng miệt mài, tiếng hát làm chậm những cánh chim biển, những con cá dữ bơi hiền hòa.Tác giả: Uông TriềuGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Đức BảoThời lượng: 23p07g
Bà ngụ cư ở trời tây. Cứ độ cuối thu, trời mới rạng đông, đang ngái ngủ khê nồng đã thấy những con ngỗng trời vỗ cánh, đạp nước, kêu váng mặt đầm. Y như rằng mùa chim di trú đến. Chúng dừng chân ở ngã ba sông và đầm trong công viên một thời gian ngắn, kiếm ăn nghỉ lấy sức rồi lại tiếp tục cuộc hành trình về nơi nào đó xa lắc ở phương nam. Các loại chim như chấm đen, chấm xám, và cả chấm trắng ngà nữa lúc to lúc nhỏ xíu bay lên, đáp xuống mặt nước bũm... bũm. Chúng đến ồn ào bao nhiêu thì lúc ra đi lại lặng lẽ bấy nhiêu, đến lúc thấy ngã ba sông và mặt đầm hiu quạnh, mới biết đàn ngỗng trời bay đi rồi...Tác giả: Sương Nguyệt MinhGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 29p24g
Mùa này điên điển chớm nở, rộ vàng bến sông. Vừa ở trường về là con Híp vội vàng quăng cặp sách xuống giường rồi lủi mất hút. Tại nó biết ngoại thích ăn điên điển nấu cá, má nó cũng vậy, nên khi nghe ngoại nói má sắp về, nó phải tranh thủ kiếm được thật nhiều điên điển, đủ để cho má ăn chật họng, nếu còn dư dả sẽ bỏ vô bịch để má mang về phố, cho dượng và mấy đứa em trên đó. Vì nghe đâu trên ấy, điên điển đầu mùa đã hiếm, lại còn bị các chủ nhà hàng săn đón ráo riết, nên chắc gì dượng và tụi nhỏ được ăn.Tác giả: Song NinhGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 19p16g
Kỷ niệm 6 thành lập, Sbooks vừa tổ chức Talkshow Ra mắt sách “Truyện ngắn đặc sắc 2024” với sự tham gia của hai khách mời gồm nhà văn Tống Phước Bảo và nhà văn Võ Thu Hương.
Anh buồn rầu thoáng nghĩ sao quãng thời gian dài tới gần một phần ba thế kỷ mà chỉ như một cái chớp mắt. Ngày mai, anh lại được gặp Châu. Vẫn là con đường từ huyện đến trường Bằng La đã quá quen thuộc với anh. Không hiểu lần trở lại này anh có còn được thấy Châu trong đôi mắt đỏ hoe bồn chồn đón đợi dưới gốc cây gạo già đầu bản như ngày nào mỗi lần anh đi họp huyện về. Phải rồi! Ngày ấy xa anh một ngày, Châu đã đứng ngồi không yên. Tuy hiểu rõ tình cảm của Châu nhưng anh luôn chỉ coi cô như người em gái...Tác giả: Hàn Thủy GiangGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 23p08g
Ở bản La khi làm nhà sàn người ta luôn chọn một cây gỗ thật to, đục đẽo cho thật đẹp, đến ngày dựng nhà thì chôn phần chân ngập xuống đất để làm cột trụ...Mẹ mất ngay trong cái ngày đẻ con Lén.Phá thì quanh năm đau ốm chẳng làm được việc gì nặng. Lún mới lên mười nhưng phải chuyển vào buồng giữa, chỗ có cây cột lớn giữa ngôi nhà mà phá mẹ cất khi mới lấy nhau.Phá bảo "Từ giờ mày là cột cái trong nhà, phải ở buồng đó. Cột cái nghiêng thì nhà đổ. Cột cái vững thì nhà yên".
Cái tát như hất cô giúp việc nảy lên, cả người cô rúm lại, xõa xượi theo đám tóc bết hai thái dương của cô. Cả quán ăn ngừng lại đôi chút rồi lại như quen thuộc với cách đối đãi người làm và tiếng chửi xoe xóe như tát nước của bà chủ quán phở, nên lại tiếp tục cúi đầu húp xoàm xoạp vào tô phở của mình, đầy dửng dưng vô cảm với bài ca váng lên trong buổi sáng đầu tuần này. Nhưng, lạ chưa, gã không thể dửng dưng như mọi người. Gã tiến lại, túm tay bà chủ khi định tiếp tục giáng thêm vài cái tát vào cô giúp việc đang bẹp dúm trong xó cửa mép quán. Gã xô dúi bà chủ sang bên, tiếng trầm trầm đều đều, không mang rõ âm sắc, giấu đi sự run rẩy của gã.Tác giả: Lê Thị Kim SơnGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 27p18g
Chẳng hiểu ông Ba chuyển đến vùng này từ bao giờ, Út Mai chỉ biết từ lúc mình nhìn thấy mặt trời thì tiếng đờn buồn buồn của ông Ba đã ghim chặt vào lòng Út Mai như bữa cơm hằng ngày. Ông vẫn hay ôm đờn ca mấy bài ca tài tử, mà mới chỉ nghe qua đã biết ngay ông là người có nhiều tâm sự. Ông Ba hát hay, nhưng buồn, lúc nào cũng trầm bổng mà da diết, mỗi khi ông đờn lại thấy thắt ruột, thắt gan.Tác giả: Phùng HàGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 20p02g
Năm ấy được mùa nhãn. Chập tối gió ngưng lại. Mùi nhãn chín dậy lên phủ khắp làng. Thứ mùi thơm ngấm sâu vào họng ngọt như vừa ăn kẹo. Tôi chạy ùa về nhà đầu tóc dính bệt mồ hôi, quần áo xộc xệch vì cả bọn vừa xong một trận "bắn nhau chí chết" bằng súng dọc chuối. Bà tôi đứng chặn từ cửa, quát "Mày ở đâu ra thế? Nhà cô Tơ vừa sang mách chúng mày vặt trụi cả cây chuối nhà cô ấy. Liệu hồn đấy nghe con".Tác giả: Nguyễn Trọng VănGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 33p36g
Một khoảng trước hưu không lâu, không biết từ đâu phát lên tin đồn lão đang “nuôi” một em bồ nho nhỏ, xinh xinh. Tin đồn nổ ra từ nhà lão trước. Phát súng mở màn bằng một cái chén bay, va vào tấm bằng khen gia đình văn hóa. Cả hai thứ sau nửa giây chạm nhau đều rơi bể nát. Xác chén phân li cùng mớ miểng kiếng li ti, rơi ngay trước chân lão. Định thần sau tiếng va chạm chói tai, rồi ngó mớ hình hài của sự vỡ nát dưới chân, lão nghĩ: Theo phong thủy thì mớ miểng này mang một điềm gở, mà đời lão sắp phải lao đao.Tác giả: Lê Quang TrạngGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 18p11g
Cơn mưa chưa tạnh thì khách đã bỏ đi. Góc ván hở gần chỗ ông ta ngồi nhét một tờ giấy gấp đôi, gió lật qua lật lại để lộ ra phác thảo một người đàn bà đang mải mê giặt giũ. Mẹ nhìn bức vẽ, sửng sốt nhận ra sáng ấy mưa sao mà buồn, căn nhà mình ở sao mà ẩm thấp, cái hàng hiên mình vẫn đi ra đi vào mỗi ngày sao mà tróc lở. Tất cả những thứ quen thuộc hiển hiện lên dưới cái nhìn của một người xa lạ với vẻ tiều tụy đáng thương không cách gì xóa nổi. Chỉ duy nhất gương mặt đàn bà trong bức tranh dẫu chỉ thoáng qua vài nét dưới góc nhìn nghiêng vẫn toát lên vẻ đẹp lấp lánh. Mẹ chỉ kịp nói vọng qua cửa sổ với cha: Cơm rang trong bếp rồi, anh dậy ăn sáng trước đi. Em chạy ra đây hỏi người này một chút.Tác giả: Trần Thị Tú NgọcGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Tuyết NhungThời lượng: 17p10g
Trời lúc đó đã tối mịt. Lập lòe ít ngôi sao nhỏ trên không. Xung quanh, mọi ngả im lặng một vẻ bí mật và âm ỷ. Những chiến sĩ vô danh lục tục lên đường, đếm thầm từng bước, hẹn thầm với nhau bao tiếng nổ tan hồn lũ giặc cướp nước. Giặc sợ đêm tối đến ngần nào thì dân quân lợi dụng đêm tối được ngần ấy. Châu thành Sài-gòn không đèn đuốc, luôn mấy hôm không hôm nào là không bị nảy lửa từng chỗ, có nơi bỗng cháy rực lên như ban ngày, và khi bọn xâm lăng hoảng hốt trước ánh sáng bất ngờ như thế, thì quân du kích đã đánh phá rất nhiều rồi.Trong xóm vừa kể trên, đàn ông đã rời đi gần hết. Họ tới những căn phố chưa phai vết máu. Chỉ còn những phụ nữ ở lại. Người đàn bà lúc nãy chạy mượn cờ, nay trở về trao cho năm anh cảm tử mấy lá cờ bằng vải. Lập tức, mỗi anh giắt lưng một lá, rồi ra đi nốt. Những cái bóng âm thầm ấy chìm vào quãng tối trong nháy mắt.Tác giả: Thâm TâmGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Lê Anh VânThời lượng: 27p04g
Chị tần ngần đứng trước ngôi nhà ấy. Cửa đóng khóa. Câm lặng. Những bông hoa chuối cố thiêu đốt những hơi thở cuối cùng.Chị rơi vào hụt hẫng. Suốt cả chiều, chị tha thẩn quanh ngôi nhà mà vẫn không thấy bóng dáng người đàn ông đâu cả. Con phố vốn kiệm lời. Giờ càng lặng thầm hơn. Mọi cánh cổng đã khép. Đèn bật sáng. Chị hoang mang trong suy nghĩ của mình. Chị chôn chân ở đây để làm chi? Khi mà cánh cổng kia án ngữ bằng một lời từ chối. Chị chờ mong điều gì? Khi mà sương đêm đã trùm phủ làn tóc rối. Có cái gì nghèn nghẹn. Dâng lên một nỗi xót xa.Tác giả: Nguyệt ChuGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Đỗ Bích ThúyMinh họa: Họa sĩ Thu HàThời lượng: 33p29g
Chị bỏ ra ba triệu bảy trăm nghìn đồng mua lọ nước hoa Chanel women xức cho thơm. Một ít thực phẩm chức năng vừa để uống, bôi lên da và dầu dưỡng tóc. Phải đi tút tát lại mái tóc, xăm cái chân mày, phun lại bờ môi. Chị nhìn mình trong gương. Làn da trắng, tóc nâu, môi đỏ... Trong thời gian tìm ra bằng chứng phạm tội của chồng, chị cần phải làm một người đàn bà đẹp. Đàn bà không thể không đẹp. Để xấu là coi thường mình, là phá sản hôn nhân. Chị lấy lọ nước hoa, bấm nhẹ nút, hương thơm bật ra. Lịch sự, trang nhã. Hương thơm của Chanel women mới lãng mạn làm sao. Con bé phụ làm tóc che miệng cười, chị phát hiện ra, lườm nó.- Gì thế nhóc?- Mấy bà sồn sồn hay đến tút tát ở đây, chồng toàn ngoại tình cả đấy.Tác giả: Hoàng Hải LâmGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà phê bình Nguyễn Hoài NamMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 20p17g
Nhà ông Hai Nhứt nằm choi loi ở cuối ấp Cây Dứa, cạnh cây cầu chữ Y bắc qua ngã ba Chờ Đợi. Ông chỉ có một mình, không vợ con cho nên cái nhà của ông cũng nhỏ bé cô đơn như chính bản thân chủ nó vậy. Được cái là nền nhà rất cao ráo, tháng tám, tháng chín âm lịch nước nổi lêu bêu cũng không ngập được. Tuy nhiên thứ mà bọn trẻ thích là miếng vườn rộng phía sau nhà ông. Vườn nhà ông trồng đủ thứ cây. Mấy gốc xoài thơm, dăm cây mận da người, chục gốc nhãn da bò, còn có hai cây mít to ở đầu bờ, nơi ông giăng cái võng dù bạc mầu cũ kỹ nằm nghỉ mỗi buổi trưa. Đặc biệt, còn một khoảng đất rộng ông không trồng gì hết mà đắp cao ráo, nện chặt như nền nhà. Đây là nơi chiều chiều bọn trẻ tụ tập lại chơi nhảy dây, nhảy cò chẹp, đá bóng...Tác giả: Quân TấnGiọng đọc: Xuân KhoaLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 21p15g
Cả sườn núi cũng phải nín thở, lặng ngắt khi chiếc xe bò chở hai mẹ con người thiếu phụ lăn qua khu vực có những chiếc rãnh xẻ dọc và sâu quanh vách đá.Dĩ nhiên kéo xe là một chú bò đực ức rộng và có bốn vó như vó ngựa. Buổi chiều chị đã cho nó ăn một bó cỏ mật để dành từ mùa đông năm ngoái (khi ấy chưa có chuyện gì xảy ra). Nó nhai chậm rãi. Nếu không hiểu tính nết nó, sẽ có thể hiểu nhầm nó kiếm cớ nấn ná để chiều tối không phải đi qua cái vùng rãnh đáng sợ trên vách núi cao. Chị đã nhẫn nại ngồi chờ nó trên bãi cỏ, ngắm mặt trời từ từ trôi về hướng hoàng hôn. Phía sau, cậu con trai mười tuổi nhai ngấu nghiến cái bánh mì kẹp ruốc, tranh thủ lúc con Rộng đang nhai cỏ.Tác giả: Võ Thị Xuân HàGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà thơ Hữu ViệtMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 23p42g
Thủy lặng lẽ quỳ xuống trước ban Tam bảo. Cô lấy chày gõ nhẹ vào chiếc chuông đồng khiến âm thanh ngân vang lảnh lót như đánh thức các pho tượng trên cao tỉnh giấc để chứng kiến lời thỉnh cầu của một con chiên. Hôm nay không phải tuần rằm, không phải ngày lễ nên ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này khá vắng lặng, tưởng như nghe được cả tiếng lá rơi. Lòng Thủy trống rỗng, không nghĩ ngợi, không lo toan, cảm giác lâng lâng y như lúc ngồi thiền tập tâm năng trong căn phòng ngủ bé như chuồng chim bồ câu, khi Quân - chồng cô đi công tác xa nhà.Tác giả: Trần Thúy LànhGiọng đọc: Vân AnLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Minh MinhThời lượng: 19p54g
Buổi sáng hôm ấy bố nó chợt nghe thấy tiếng chuông báo tin nhắn ở điện thoại di động. Anh mở ra và đọc được một dòng tin thật khó hiểu: Mẹ cũng nhớ con lắm. Ðúng thế con ạ. Chết, tức là mẹ đi rất xa. Nhưng rồi một ngày nào đó mẹ sẽ trở về với con. Nhất định là như thế con ạ. Ðọc dòng tin nhắn anh thấy thật khó hiểu. Anh kiểm tra lại số điện thoại di động của người vừa gửi tin. Giật mình! Ðó chính là số máy của người vợ xấu số của anh. Sao lại có chuyện lạ lùng đến vậy? Sau một tuần ngày vợ mất, anh đã đem trả lại cái "sim" này cho một trạm bưu chính viễn thông. Không phải anh vô tâm, vô cảm mà vì anh không đủ sức chịu đựng mỗi khi nhìn thấy bất cứ di vật nào của vợ. Anh hoang mang bấm máy xem lại tất cả phần "các tin đã gửi" trong máy điện thoại của mình, mong tìm ra một điều gì đó. Ðây rồi! Anh phát hiện thấy trong điện thoại một dòng tin gửi đi cách đây khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Dòng tin viết sai khá nhiều lỗi chính tả và không hề có một dấu chấm, dấu phẩy: Con chào mẹ con nhớ mẹ lắm bác Hùng bảo mẹ chết tức là mẹ đi rất xa nhưng sao mẹ lâu về thế.Tác giả: Hồ Thủy GiangGiọng đọc: Tiến TúLời bình: Nhà văn Phong ĐiệpMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 18p19g
Xứ đang vào mùa mưa. Đất ẩm ẩm nhão nhoét. Nước lúc nào cũng chực chờ nối nhau mà xối xuống. Có khi nước trút ào ào như giận dữ. Những khi ấy nhìn mưa mà não ruột. Đàn bà biết làm gì ngoài nhìn nhau rồi nhìn mưa. Đàn ông thì gầy bàn nhậu. Trời, nhậu huyên thuyên cả tối mà mưa không dừng. Làm ăn được gì với mưa đâu. Đám thanh niên hầu hết đã rời xứ lên thành phố. Làm công nhân, đi chạy bàn, vài đứa đi học. Gì cũng được, miễn là đi. Có đứa khi đi, chỉ là để cho oách với người đời: Tao làm trên phố. Vậy thôi. Mỗi tháng, tiền có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Lương không đủ sống lấy đâu gửi về nhà. Tiền ăn, tiền trọ, tiền trang trải đủ thứ... sống ở phố chưa bao giờ là dễ dàng như nhiều người nhìn những hào nhoáng lung linh mà nghĩ. Ruộng rẫy ở nhà dành lại cho ba mẹ, ông bà hết, nhà ai không còn sức làm thì cho thuê, có khi bỏ không. Mỗi người một lựa chọn, biết làm sao. Chỉ biết những người ở nhà thì buồn.
Nàng tỉnh lại vào một đêm muộn trăng, quờ tay tìm chồng chạm vào bốn bên phên vách xéo xộc, chật chội. Nàng hoảng hốt, bật khóc, đập cửa gọi chồng khi nhận ra mình bị nhốt trong một cái chuồng nhỏ dưới gầm sàn. Nhưng chẳng có tiếng đáp ngoài tiếng lũ gà chuồng bên nhao nhác vì bị nàng đánh thức và âm thanh rỉ rả não nề của lũ côn trùng đêm. Vài vệt trăng len qua khe vách loang loáng như ma trơi theo từng cử động hoảng hốt điên loạn của nàng. Rồi lũ gà cũng mặc tiếng khóc ấy, lặng dần chìm vào giấc ngủ.Tác giả: Phạm Tú AnhGiọng đọc: Ánh NguyệtLời bình: Nhà văn Võ Thị Xuân HàMinh họa: Họa sĩ Lý Việt AnhThời lượng: 20p21g