“Truyền lửa” vượt khó trong đại dịch

NDO -

Thường xuyên khảo sát, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên (sau đây gọi tắt là HHDN Điện Biên) còn tổ chức các đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh thích ứng với dịch bệnh Covid-19 của các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp thành viên hiệp hội học hỏi thêm kinh nghiệm, mà còn tiếp thêm niềm tin “truyền lửa” vượt khó để cộng đồng doanh nghiệp Điện Biên cùng vượt qua đại dịch.

Thành viên Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý theo phương thức “sản xuất 3 tại chỗ” của Công ty xây dựng số 6.
Thành viên Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý theo phương thức “sản xuất 3 tại chỗ” của Công ty xây dựng số 6.

Chiều 28/9, tham quan công trường thi công Thủy điện Huổi Chan 1 (thuộc địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) do Công ty Xây dựng số 6 tỉnh Điện Biên đầu tư, thi công, các thành viên trong đoàn công tác của HHDN Điện Biên đều bày tỏ sự thán phục trước cách thức quản lý, điều hành chuyên nghiệp, khoa học và đặc biệt là mô hình “sản xuất 3 tại chỗ” rất riêng của công ty này.

Chính thức khởi công tháng 12/2020, chỉ sau gần 10 tháng thi công, đến nay Dự án Thủy điện Huổi Chan 1 đã thực hiện được hơn 60% hạng mục, với tổng mức đầu tư đã thực hiện hơn 260 tỷ đồng. Tại công trường thi công nhà máy, đập ngăn dòng, hơn 150 công nhân chia ca làm việc suốt ngày đêm để bảo đảm tiến độ đến tháng 4/2022 sẽ hoàn thành phát điện thương mại.

Trao đổi về phương thức quản lý, điều hành của công ty, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng số 6, cho biết: Chủ động thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ban lãnh đạo công ty đã họp bàn và thống nhất đầu tư trang, thiết bị, máy móc đồng bộ bảo đảm phục vụ tốt nhất cho quản lý, điều hành.

Tại công trường thi công Thủy điện Huổi Chan 1 và các công trường khác do công ty đang thi công, như: Điểm tái định cư số 1 (thuộc dự án nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ), Thủy điện Phi Lĩnh, Thủy điện Ma Thì Hồ…, công ty đã lắp camera ở các phân đoạn. 7 giờ sáng hằng ngày, Ban giám đốc công ty họp trực tuyến với chỉ huy các công trường để giao việc, chốt tiến độ trên tinh thần việc ngày nào phải giải quyết dứt điểm ngày đó. Với người lao động, công ty thường xuyên thăm hỏi, nắm tâm tư, gia cảnh từng công nhân, người lao động để có sự động viên, quan tâm kịp thời, giúp người lao động yên tâm làm việc.

Đợt dịch Covid-19 thứ 3 và thứ 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận hơn 60 ca mắc tại các huyện: Nậm Pồ, Điện Biên, Điện Biên Đông, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lo ngại của công nhân, người lao động, song với phương thức “sản xuất 3 tại chỗ”, 100% người lao động đã thật sự yên tâm làm việc, gắn bó.

Về phương thức “sản xuất 3 tại chỗ” mà công ty thực hiện, ông Nguyễn Văn Oánh, Chỉ huy trưởng công trường thi công Thủy điện Huổi Chan 1, cho biết: Công ty đã đầu tư xây mới nhà ở, nhà ăn, khu vệ sinh và cả khu chăn nuôi, tăng gia tại công trường. Hằng ngày, sau giờ làm việc quy định 100% công nhân đều ăn tại bếp chung; ngủ tại khu nhà nghỉ của công trường. Thực phẩm hằng ngày đều là thực phẩm tươi được nhập từ khu tăng gia của công ty, không mua từ bên ngoài. Chất lượng bữa ăn được bảo đảm, công nhân rất yên tâm làm việc tại công trường.

“Truyền lửa” vượt khó qua đại dịch -0
 Công nhân Công ty xây dựng số 6 nỗ lực thi công nhà máy Thủy điện Huổi Chan 1.

Đánh giá cao sự chủ động thích ứng, chủ động thay đổi phương thức quản lý điều hành của Công ty xây dựng số 6, ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Hưng Long (chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản) khẳng định, cách làm hiệu quả của Công ty Xây dựng số 6 còn là động lực “truyền lửa” vượt khó cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Điện Biên. Ông Nguyễn Văn Hưng dẫn chứng: Hầu hết các doanh nghiệp đều bị giảm doanh thu từ 30-70% mà thậm chí thua lỗ, dừng hoạt động; vậy mà Công ty số 6 vẫn trụ vững, bảo đảm tiến độ các công trình, dự án và đồng thời bảo đảm mức lương tăng bình quân từ 10-20% cho 600 công nhân, người lao động.

Đề cập kết quả hoạt động kinh doanh của thành viên HHDN tỉnh Điện Biên thời gian qua, ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết: Tình hình chung là rất nhiều doanh nghiệp khó khăn; trong quý 2/2021 có đến 90% doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh; tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 70% chiếm khoảng 52%; doanh nghiệp có doanh thu giảm từ 50%-70% chiếm khoảng 45% và chỉ khoảng 3% doanh nghiệp có doanh thu ổn định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp thành viên trụ lại qua khó khăn, Hiệp hội đã thường xuyên cập nhật hoạt động của từng doanh nghiệp, trên cơ sở đó lãnh đạo Hiệp hội đã chủ động thông tin khớp nối các doanh nghiệp trên tinh thần tương trợ, sẻ chia.

“Thay vì mạnh ai người ấy làm thì bây giờ chúng tôi cùng hỗ trợ nhau, dìu nhau vượt khó. Doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới. Với doanh nghiệp gặp khó vì vướng thủ tục, chính sách, chúng tôi sẽ tập hợp thành kiến nghị chung đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết” - ông Bùi Đức Giang chia sẻ.

Nhờ sự vào cuộc trách nhiệm, chủ động của lãnh đạo HHDN tỉnh Điện Biên, cộng đồng doanh nghiệp tại Điện Biên đã có thêm kinh nghiệm thích ứng với khó khăn do dịch bệnh; nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm khách hàng mới tại thị trường nội tỉnh - nơi được đánh giá vùng xanh an toàn cho sản xuất, kinh doanh.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép