Công an cửa khẩu thường xuyên tiếp xúc với khách quốc tế, họ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, với nhiều nền văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau.
Thượng tá Trần Quang Tám, Trưởng công an cửa khẩu Nội Bài cho biết: “Trong quá trình làm thủ tục, có thể phát sinh những tình huống cần phải có thái độ ứng xử ngay lập tức. Nếu ứng xử không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người chiến sỹ công an trước nhân dân và khách quốc tế”.
Sau nhiều lần tổ chức hội thảo từ cấp đội đến cấp đồn, tháng 5 năm 2010, Công an cửa khẩu Nội Bài đã xây dựng cẩm nang “văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sĩ công an cửa khẩu” để toàn đơn vị thực hiện.
Đồng thời, đơn vị đã lập cuốn sổ vàng “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” để ghi lại những việc làm tốt thể hiện tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ chiến sĩ.
Hiện quyển sổ này đã lưu lại việc “hơn 20 cán bộ chiến sĩ của đơn vị nhặt được tiền, đồ vật của khách đánh rơi, bỏ quên, trả lại người mất, trong đó có nhiều tài sản có trị”.
Sau một thời gian thực hiện, Thượng tá Trần Quang Tám cho hay: “Chúng tôi đã nhận được những thư khen, lời cảm ơn của các cơ quan, tổ chức và hành khách”.
Và ông cũng nói rằng: “Văn hoá ứng xử là điều rất cần, không chỉ với ngành công an mà còn nhiều ngành khác nữa”.
Tại công an cửa khẩu Nội Bài, Thượng tá kể: “Tôi luôn yêu cầu cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải thực hiện tốt văn hóa ứng xử, từ việc giữ đúng tư thế, tác phong, cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười, đặc biệt là thái độ phục vụ hành khách”.
Phóng viên: Việc xây dựng cẩm nang “văn hóa ứng xử” này, xin ông cho biết nó là chủ trương của Bộ Công an hay là của đơn vị?
|
Thượng tá Trần Quang Tám (TT TQT): Ngày 02/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; ngày 04/7/2008, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy tắc ứng xử của sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức Công an nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội. Điều đó cho thấy thực hiện văn hóa ứng xử là chủ trương của Chính phủ, của các ngành, các cấp nói chung và Bộ Công an nói riêng. Quán triệt chủ trương đó, đơn vị đưa việc thực hiện văn hóa ứng xử là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cẩm nang “Văn hóa ứng xử”.
Phóng viên: Theo tôi được biết thì ngành công an lâu nay đã, đang thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Vậy thưa Thượng tá, cẩm nang văn hóa ứng xử mà công an cửa khẩu xây dựng có điểm gì khác, ngoài những lời dạy của Bác? Và trong cẩm nang này nội dung nào được Công an cửa khẩu Nội Bài lưu ý nhiều nhất?
Thượng tá Trần Quang Tám: Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là đạo lý, là phương châm đối nhân xử thế, và là chuẩn mực về nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sỹ công an, dù ở bất cứ vị trí công tác nào, hoàn cảnh nào cũng phải rèn luyện, phấn đấu. Cẩm nang “Văn hóa ứng xử” mà đơn vị xây dựng là nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Trong cuốn cấm nang này, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ ứng xử với tự mình, với nhân dân và với đồng đội.
Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn, tại sao nội dung này lại được đồn đặc biệt lưu ý ạ?
|
Thượng tá Trần Quang Tám: Công an cửa khẩu là đơn vị có quân số lớn, phần lớn cán bộ, chiến sỹ tuổi đời còn trẻ, môi trường và lĩnh vực công tác có nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm; đối tượng phục vụ là nhân dân, khách nước ngoài. Vì vậy, yêu câu về xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh cả về phẩm chất, tư cách đạo đức; về tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ, chiến sỹ đặc biệt được đơn vị quan tâm.
Phóng viên: Vậy trong cẩm nang, đồn có qui định phân biệt đối xử giữa nhân dân và đối tượng phạm tội hay không? Khi phát hiện người có hành vi phạm tội, cán bộ chiến sĩ của đồn đã được yêu cầu có thái độ ứng xử như thế nào?
Thượng tá Trần Quang Tám: Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện văn hóa ứng xử trong hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh, đối tượng quan hệ giao tiếp, ứng xử chủ yếu là hành khách. Dù họ thuộc dân tộc, quốc gia nào, dù họ vi phạm hay không vi phạm vẫn phải đối xử công bằng, không được gây cảm giác khó chịu cho họ. Đối với người vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, yêu cầu phải xử lý đúng quy định của pháp luật, thái độ kiên quyết, đúng mực.
Phóng viên: Thế là công an cửa khẩu sẽ cư xử nhẹ nhàng, có văn hóa với người có hành vi phạm tội? Thượng tá có thể cho biết quan điểm của mình khi yêu cầu cán bộ chiến sĩ thực hiện điều này?
Thượng tá Trần Quang Tám: Vâng, đúng như vậy. Theo tôi, một hành khách dù họ có vi phạm pháp luật, nhưng họ vẫn là con người, do vậy vẫn phải có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa. Điều quan trọng là giúp họ nhận thức được vi phạm và chấp hành pháp luật.
Phóng viên: Thưa ông, công an cửa khẩu nói riêng và Bộ Công an đã đặt ra nhiều quy định, quy tắc ứng xử. Vậy theo ông, cần phải làm gì để những quy định, quy tắc này được cán bộ chiến sĩ trong lực lượng thực hiện một cách nghiêm túc nhất?
Thượng tá Trần Quang Tám: Trước hết, cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị phải quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, quy tắc ứng xử của Bộ và của đơn vị. Đặc biệt là phải xây dựng được môi trường ứng xử có văn hóa, mà ở đó mọi hành vi ứng xử thiếu văn hóa đều bị phê phán, bị xử lý kịp thời, các hành vi ứng xử văn hóa được biểu dương, khen thưởng. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi cán bộ, chiến sỹ phải tự giác phấn đấu rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức theo lời dạy của Bác. Bởi “đạo đức” chính là nền tảng của “văn hóa ứng xử”.
Phóng viên: Xin hỏi câu cuối cùng ạ. Đã bao giờ Trưởng Công an cửa khẩu phải xử lí cán bộ chiến sĩ vi phạm những quy tắc ứng xử mà đơn vị đặt ra? Và việc xử lí đó được tiến hành như thế nào, công khai hay nội bộ?
Thượng tá Trần Quang Tám: Bên cạnh cuốn Sổ vàng “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” chúng tôi còn lập cuốn sổ ghi lại các sai sót trong công tác chuyên môn, các vi phạm về quy trình, quy định công tác, quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ. Đối với những việc hành khách khách phản ảnh trực tiếp, chúng tôi cho kiểm tra, xác minh ngay. Nếu xác định thấy đúng thì yêu cầu cán bộ, chiến sỹ vi phạm phải xin lỗi hành khách và tổ chức kiểm điểm ở Đội công tác. Nếu hành khách phản ánh qua thư góp ý thì chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Dương Quang Tiến thực hiện