Kỷ cương và tính định hướng
Thực tiễn ghi nhận, hệ thống trường chính trị cấp tỉnh nói chung, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ nói riêng đặt trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở và dự nguồn các chức danh cho địa phương ngày càng cao. Trong khi đó, một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị. Mặt khác, một số cán bộ, giảng viên của trường còn những hạn chế, tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo.
"Trước tình hình đó, Ðảng ủy, lãnh đạo trường triển khai các nhiệm vụ gắn liền với mục tiêu củng cố sự đoàn kết, thống nhất. Các cấp ủy tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ. Trường triển khai các giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) cùng các quy định của Trung ương và của tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trường triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; Nghị quyết số 32-NQ/TW (ngày 26-5-2014) của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý", Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Dung chia sẻ.
Nhiều năm qua, trường dồn sức cho nhân tố mang tính nền tảng là xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, tạo động lực phát triển. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên được Ðảng ủy tập trung lãnh đạo, trường ưu tiên đầu tư.
Theo đó, các phòng, khoa coi trọng hoạt động rèn luyện, bồi dưỡng giảng viên bắt đầu từ việc quán triệt nội dung các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, Nhà nước, thành tựu kinh tế, xã hội của
đất nước và tỉnh, giữ vững lập trường chính trị. Trường áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào các phần học do từng khoa phụ trách.
Trước tình hình thực hiện một số nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên chưa đạt hiệu quả cao, cấp ủy ban hành các giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, từ đó rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời. Các đơn vị bảo đảm ý thức, trách nhiệm "nêu gương" của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Mới đây, chúng tôi được dự hội thảo khoa học tại khoa Xây dựng Ðảng, về chủ đề: Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy các phần học của khoa tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở trường. Hội thảo đã làm rõ đặc thù của những môn học do khoa giảng dạy, nhấn mạnh những nhóm phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với từng bộ môn, tập trung thảo luận những vấn đề hạn chế, tồn tại và đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy.
Hoạt động này ở nhà trường đã phản ánh tính chủ động, kết quả đạt được của các khoa, phòng trong việc tìm tòi, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng cụ thể, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
Các giải pháp khoa học, đồng bộ
Thực tế ghi nhận, 5 năm qua các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng như tuyển sinh, giảng dạy, quản lý học viên, nghiên cứu thực tế, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện học viên của trường đã có nhiều đổi mới theo hướng gắn với thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.
Trường đã triển khai lấy ý kiến phản hồi từ học viên về chất lượng bài giảng của giảng viên. Việc đánh giá kết quả học tập được tổ chức, thực hiện khoa học, chặt chẽ, tác động tích cực đến thái độ và ý thức học tập của học viên. Công tác kiểm định, đánh giá kết quả học tập của học viên, nhất là trình độ trung cấp lý luận chính trị, hành chính nghiêm túc, nhiều đổi mới, bảo đảm khách quan, khắc phục bệnh thành tích. Trường áp dụng "Phần mềm quản lý học viên Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ".
Từ đầu năm đến nay, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, sự đoàn kết khắc phục khó khăn của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, trường đã bảo đảm tổ chức và phối hợp, liên kết đào tạo, bồi dưỡng 25 lớp, với tổng số 1.879 học viên. Trong đó, hệ cao cấp lý luận chính trị hai lớp, với 179 học viên; hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính là 16 lớp với tổng số 1.244 học viên.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Chí Tấn trao đổi, gắn liền quá trình nâng cao chất lượng bài giảng, từng bước đổi mới phương pháp dạy và học, trường đã có 85 lượt giảng viên được công nhận giảng viên giỏi cấp khoa, 25 lượt giảng viên giỏi cấp trường, hai giảng viên giỏi toàn quốc. Ðồng thời, trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đã hoàn thành hai đề tài cấp tỉnh, tổ chức nghiên cứu và nghiệm thu 29 đề tài khoa học cấp cơ sở (tăng 10 đề tài so với giai đoạn 2010-2015); tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ nhiều năm gần đây là một trong những đơn vị xuất sắc trong hệ thống trường chính trị cấp tỉnh của cả nước. Tuy nhiên, từ thực tiễn, yêu cầu về góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ chính trị địa phương, đòi hỏi trường tiếp tục đổi mới trong quá trình dạy và học. Ðảng bộ nhà trường cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể, gắn liền với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động, bảo đảm trường luôn hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại.