Đài truyền hình CCTV phát sóng tin công bố giải vào ngay giờ cao điểm của đài. Nhân dân nhật báo bình luận rằng: “Giải thưởng này là “một sự thoả mãn, một minh chứng, một lời khẳng định – thậm chí còn hơn thế nữa, đó là một điểm khởi đầu mới.”
Peter Englund, Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã khẳng định: “Đơn giản là, chúng tôi trao giải văn học và dựa trên những đóng góp về văn chương. Ảnh hưởng và áp lực chính trị không thể dính vào đây được.” Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Điều này không có nghĩa là văn học là phi chính trị hay người giành giải năm nay không viết về chính trị.”
“Các bạn có thể mở bất kỳ trang sách nào của ông, và nhận thấy rất nhiều điều mang tính chính trị về lịch sử Trung Quốc và cả Trung Quốc hiện nay. Đó không phải là vấn đề về sự bất đồng chính trị. Tôi khẳng định, Mạc Ngôn còn hơn cả một chính trị gia trong hệ thống đó, và đang hiển hiện trong hệ thống ấy.”
Trong các tác phẩm của mình, Mạc Ngôn luôn vẽ nên những bức chân dung đầy ngổn ngang, phức tạp của cuộc sống ở Trung Quốc. Tác phẩm của ông được dịch rộng rãi ra nhiều thứ tiếng và đặc biệt rất được chào đón ở phương Tây. Và có lẽ, ông được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm “Cao lương đỏ”, một tác phẩm hay kể về thời kỳ Nhật chiếm đóng với một nên văn hoá đô hộ và những điều kiến sống hết sức khó khăn của người Trung Quốc. Tác phẩm đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim năm 1987.
Học viện Thụy Điển đã ca ngợi tác phẩm của ông là “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hòa trộn cùng những câu chuyện dân gian, lịch sử và đương đại. Mạc Ngôn đã vẽ nên một thế giới mà đâu đó trong ấy là những hồi tưởng về các sáng tác của William Faulkner và Gabriel García Márquez. Ở đó ta cũng tìm được điểm khởi hành cho chuyến đi vào văn học Trung Hoa cổ đại và truyền thống dân gian”.
“Đây sẽ là hoa tiêu đưa Trung Quốc bước vào thế giới.” Kenneth G.Lieberthal, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Brookings, Washington đã khẳng định như vậy.
Phản ứng từ phía Trung Quốc
Trung Quốc coi đây là giải Nô-ben “đầu tiên” của mình, bởi hai lần vinh danh trước đều chưa hoàn toàn “thuyết phục” họ. Lưu Hiểu Ba với Nô-ben hoà bình hoàn toàn bị từ chối, Cao Hành Kiện từng được vinh danh với Nô-ben văn học song ông đã đổi quốc tịch của mình từ quốc tịch Trung Quốc sang quốc tịch Pháp. Có lẽ bởi vậy, vinh danh lần này thực sự được Trung Quốc đón nhận một cách hân hoan và đầy kiêu hãnh.
Zhang Yiwu, giáo sư đại học Bắc Kinh nhận định rằng: “Rốt cuộc họ cũng đã đưa ra một lựa chọn công bằng.”
Về phần mình, Mạc Ngôn cho biết, ông “quá vui và sợ hãi” khi biết tin nhận giải, bởi cơn bão “quan sát” sẽ ập đến quanh ông. “Tôi không nghĩ giành giải sẽ có quá nhiều ý nghĩa, bởi có rất nhiều nhà văn Trung Quốc sáng giá, và thế giới nên biết tới các tác phẩm của họ”. Đúng với bút danh “Mạc ngôn”, dường như ông tránh mọi phiền phức gây ra từ “cái miệng”.
Mạc Ngôn tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, xuất thân từ nông dân. Mạc Ngôn là nhân vật điển hình tại Trung Quốc thành đạt nhờ vào tài năng đích thực và những trải nghiệm thực tế.
Mạc Ngôn sẽ nhận được giải thưởng trị giá 8 triệu kronor (tương đương 25 tỷ đồng). Giải thưởng này thấp hơn so với giải Nobel Văn học các năm trước hai triệu kronor do cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sự nghiệp văn học của ông được giới thiệu đầy đủ ở Việt Nam, với các tác phẩm nổi tiếng như: Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Rừng xanh lá đỏ, Tổ tiên có màng chân, Cây tỏi nổi giận… Riêng cuốn Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn) từng được giới văn chương Việt Nam tổ chức hội thảo hồi năm 2001.