Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Lưu Kế Trung, Giám đốc chương trình thám hiểm Mặt trăng và hàng không vũ trụ cho biết, giai đoạn 4 của chương trình bao gồm các sứ mệnh của các tàu Hằng Nga 6, Hằng Nga 7 và Hằng Nga 8, sẽ lần lượt được triển khai trong vòng 10 năm tới.
Trong đó, tàu Hằng Nga 6 là bản sao của tàu Hằng Nga 5, với chức năng lấy mẫu và quay trở lại Trái đất, sẽ thực hiện sứ mệnh thám hiểm vùng tối của Mặt trăng.
Theo ông Lưu Kế Trung, hiện nay, tàu Hằng Nga 6 đã được sản xuất và chế tạo xong, sẽ kết hợp với kinh nghiệm đến vùng tối Mặt trăng lần đầu của tàu Hằng Nga 4, và kết quả đánh giá của các kỹ sư, nhà khoa học, để xem xét khả năng lấy mẫu ở vùng tối Mặt trăng và mang trở về Trái đất.
Trên thực tế, kể từ khi tàu Hằng Nga 5 lấy mẫu ở bề mặt có thể nhìn thấy của Mặt trăng mang về Trái đất, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành quả về nghiên cứu vật chất trên Mặt trăng, trong đó có loại khoáng chất mới được đặt tên là "đá Hằng Nga", được phân tách từ hơn 140.000 mẫu vật lấy từ Mặt Trăng.
Theo đánh giá của ông Lưu Kế Trung, so với các mẫu đất đá mà tàu Hằng Nga 5 thu được từ bề mặt Mặt trăng, các mẫu thu được từ vùng tối có giá trị hơn nhiều đối với việc thám hiểm, nghiên cứu Mặt trăng.
Việc thực hiện sứ mệnh Hằng Nga 6, sẽ đối mặt với bài toán về thông tin liên lạc, khi không thể thực hiện việc truyền sóng vô tuyến ở vùng tối của Mặt trăng, do vậy phải sử dụng các vệ tinh chuyển tiếp, mới có thể truyền thông tin về Trái đất.
Cục Hàng không vũ trụ quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, tàu Hằng Nga 7 đang trong giai đoạn nghiên cứu, chế tạo, với mục tiêu thám hiểm cực nam Mặt trăng, góp phần hình thành kết cấu cơ bản của trạm nghiên cứu khoa học quốc tế về Mặt trăng của nước này.