Trung Quốc đạt nhiều thành tựu trong thời đại mới

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, đất nước Trung Quốc bước vào thời đại mới, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy phát triển chất lượng cao, gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, tạo tiền đề thực hiện tầm nhìn phát triển đất nước đến giữa thế kỷ này.
0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc phóng vệ tinh viễn thám Yaogan-3302 dùng để thí nghiệm khoa học vào quỹ đạo. (Ảnh THX/TTXVN)
Trung Quốc phóng vệ tinh viễn thám Yaogan-3302 dùng để thí nghiệm khoa học vào quỹ đạo. (Ảnh THX/TTXVN)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 53.900 tỷ nhân dân tệ lên 114.400 tỷ nhân dân tệ, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16.500 nhân dân tệ lên 35.100 nhân dân tệ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng từ 24.400 tỷ nhân dân tệ lên 39.100 tỷ nhân dân tệ, giá trị tăng thêm của ngành sản xuất tăng từ 16.980 tỷ nhân dân tệ lên 31.400 tỷ nhân dân tệ...

Với nhiều chỉ số tăng gấp đôi chỉ sau 10 năm, nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển với chất lượng cao, hiệu quả, công bằng, bền vững và an toàn hơn. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP của Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8,1% năm 2021 và 2,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Hiện nay, Trung Quốc có tổng cộng hơn 160 triệu chủ thể thị trường, góp phần tạo công ăn việc làm cho gần 300 triệu người. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, với hơn 44,57 triệu doanh nghiệp, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế, đóng góp lớn cho tăng trưởng và việc làm.

Chính phủ đẩy mạnh cắt giảm thuế và phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, với tổng số tiền 8.800 tỷ nhân dân tệ được cắt giảm từ năm 2012 đến nay; các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hỗ trợ vay vốn 38.800 tỷ nhân dân tệ tính đến hết tháng 4/2022.

Đáng chú ý, nhờ kiên trì thúc đẩy vai trò động lực của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình xây dựng và hiện đại hóa, xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ vị trí thứ 34 lên thứ 11 chỉ trong 10 năm. Trung Quốc đã tự chủ phát triển và đưa vào ứng dụng rộng rãi nhiều công nghệ tiên tiến về hàng không vũ trụ, robot, công nghệ 5G, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật...

Với quy mô nền kinh tế hơn 100.000 tỷ nhân dân tệ, dân số hơn 1,4 tỷ người, trong đó khoảng 400 triệu người thuộc nhóm thu nhập trung bình, Trung Quốc có thị trường tiêu dùng trong nước và năng lực sản xuất lớn mạnh, kết nối hiệu quả với chuỗi giá trị toàn cầu. Xếp hạng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đã từ vị trí thứ 96 năm 2013, vươn lên thứ 31, quy mô thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1.150 tỷ nhân dân tệ năm 2021, tăng 62,9% so năm 2012.

Chiến lược thúc đẩy phát triển chất lượng cao được Trung Quốc kiên trì thực hiện trong thời gian qua hướng tới quá trình chuyển đổi từ sự tăng trưởng nhanh theo chiều rộng, chủ yếu dựa trên số lượng và tốc độ, sang phát triển theo chiều sâu với mục tiêu hàng đầu là chất lượng và hiệu quả, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn là yêu cầu tổng quát đối với tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Do vậy, phát triển chất lượng cao, gắn liền với xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, xanh và các-bon thấp, nhằm sử dụng hiệu quả các tài nguyên và nguồn lực. Trong 10 năm, với mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng bình quân chỉ 2,9%/năm, Trung Quốc đã bảo đảm duy trì mức tăng tưởng kinh tế trung bình lên tới 6,2%/năm. Trung Quốc đặt mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tới đạt mức phát thải đỉnh điểm vào năm 2030 và trung hòa khí thải các-bon trước năm 2060.

Thúc đẩy phát triển chất lượng cao, giúp cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển lành mạnh và giải quyết các vấn đề xã hội, từ đó hiện thực hóa mục tiêu của cuộc chiến chống đói nghèo.

Trung Quốc đạt nhiều thành tựu trong thời đại mới ảnh 1

Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng (1/7/2021). (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Đến cuối năm 2020, toàn bộ gần 99 triệu người nghèo, 832 huyện nghèo và 128.000 thôn nghèo ở nông thôn đã thoát nghèo thành công. Vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/2021), lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu phấn đấu trăm năm thứ nhất, giải quyết vấn đề nghèo đói, xây dựng toàn diện xã hội khá giả, đưa đất nước tiến tới mục tiêu phấn đấu trăm năm thứ hai, hướng tới sự thịnh vượng chung.

Kiên trì thúc đẩy phát triển chất lượng cao sẽ tiếp tục là định hướng phát triển chiến lược trong trung và dài hạn, để Trung Quốc cơ bản hoàn tất công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035 và xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp vào giữa thế kỷ này.

Những dấu mốc quan trọng ở Trung Quốc trong thời đại mới

Năm 2013: Trung Quốc trở thành quốc gia có kim ngạch thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới.

Năm 2014: Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh.

Năm 2016: Lần đầu tiên đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu.

Năm 2018: Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần đầu tổ chức, thu hút sự tham gia của 172 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.

Năm 2020: Quy mô nền kinh tế Trung Quốc lần đầu vượt ngưỡng 100.000 tỷ nhân dân tệ.

Năm 2021: Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Năm 2022: Tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.