Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957”

NDO -

NDĐT - Ngày 8-9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khai mạc Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957”. Đây là những tư liệu, hiện vật quý hiếm mang nhiều giá trị lịch sử lần đầu tiên được trưng bày.

Một số ảnh tư liệu tại cuộc Trưng bày
Một số ảnh tư liệu tại cuộc Trưng bày

Công chúng có dịp tiếp cận trực tiếp với gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu về Cải cách ruộng đất đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu lựa chọn trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề với qui mô lớn. Hệ thống tư liệu, hiện vật đã cho người xem nhiều thông tin về nông thôn - nông dân Việt Nam trong tiến trình đi qua Cải cách ruộng đất.

Cho tới trước Cách mạng Tháng Tám 1945, dựa trên sự chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nông dân dưới nhiều hình thức như: địa tô, nợ lãi và thuê mướn bóc lột nhân công. Thuc dan Pháp cũng lợi dụng phương thức bóc lột phong kiến nhưng bộ máy chính quyền thực dân còn trực tiếp bảo vệ quyền lợi của các chủ đồn điền. Ngoài còn các hình thức bóc lột bằng sưu, thuế: thuế đinh, thuế điền, thuế ngoại phu. Các hiện vật: Đồ dùng sinh hoạt của địa chủ ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; những tư liệu gốc như: sổ ruộng đất, sổ thu tô... và một số đồ dùng của nông dân như: áo bông, áo đụp, cày chìa vôi, thẻ thuế thân, hai tiểu cảnh phục dựng có thể làm nổi rõ sự đối lập giữa cuộc sống của địa chủ phong kiến và người nông dân Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” ảnh 1

Cảnh khổ cực của người nông dân trước Cách mạng Tháng 8.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Đảng chủ trương thực hiện các chính sách cải cách ruộng đất từng phần, từng bước nhằm hạn chế sự bóc lột của thực dân, phong kiến, cải thiện đời sống cho nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng tiếp tục đặt nhiệm vụ giành độc lập dân tộc lên hàng đầu đồng thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách bồi dưỡng sức dân, để nông dân đóng góp cho kháng chiến, phát triển khối đoàn kết toàn dân để kháng chiến và kiến quốc. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng (2-1951) đã khẳng định nhiệm vụ xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng.

Từ đầu năm 1953, cuộc kháng chiến đặt ra những đòi hỏi mới cao hơn về yêu cầu động viên sức người, sức của, Đảng và Chính phủ đã quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất ở các vùng tự do. Tháng 11-1953 Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định Cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến. Tại kỳ họp thứ 3 (12-1953), Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất.

Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” ảnh 2

Chỉ thị về những việc cần chú ý khi sửa sai ở nông thôn.

Từ năm 1953 đến năm 1956 đã có tám đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1875 xã và năm đợt cải cách ruộng đất ở vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi phía bắc. Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta (44,6%) ruộng đất chia cho gần 4 triệu nông dân. Nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như: luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất; một số tờ tin, bản tin, ảnh tư liệu, đồ dùng sinh hoạt của nông dân, huy hiệu, cờ thưởng, giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất người nông dân được cấp sau cải cách... đã phản ánh về quá trình cải cách và những thành quả người nông dân được hưởng sau Cải cách ruộng đất.

Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” ảnh 3

Tin bài về Cải cách ruộng đất.

Tuy nhiên, đến mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Ngày 18-8-1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông dân và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của Cải cách ruộng đất. Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) cũng đã có kết luận về thắng lợi và cả sai lầm của Cải cách ruộng đất đồng thời đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm. Công tác sửa sai được tiến hành trong những điều kiện phức tạp, vừa phải khắc phục những sai lầm, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, vừa phải đấu tranh chống những âm mưu xóa bỏ những thành quả của cải cách ruộng đất. Tới cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đạt kết quả tốt, nông thôn miền bắc đã dần dần ổn định, lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Một số ảnh tư liệu, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương đã phản ánh những điều đó.

Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” góp phần tuyên truyền, cho công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ có thêm nhận thức đúng về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta những năm 1946 - 1957.

Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946 - 1957” mở cửa đến hết ngày 31-12-2014.