Trọn đời cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô

Dù đã bước vào tuổi 80, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (trong ảnh) vẫn luôn tất bật với công tác nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động xã hội. Cùng lúc, bà đảm nhiệm nhiều “vai”: Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội…
0:00 / 0:00
0:00
Trọn đời cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô

Ở vị trí nào, bà cũng luôn tham gia với tất cả nhiệt huyết vì sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội vừa phối hợp Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức toạ đàm “Phố cổ Hà Nội-Thực trạng, trách nhiệm cộng đồng”. Phố cổ là di sản quý báu của Thủ đô, đồng thời là điểm du lịch hàng đầu của khách du lịch trong nước, quốc tế khi đến Hà Nội. Song, phố cổ Hà Nội đứng trước những thách thức lớn trong công tác bảo tồn, phát triển.

Hội Nữ trí thức Hà Nội là “mái nhà chung” của các nhà khoa học nữ thuộc nhiều độ tuổi, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Cũng nhờ thế, đối với phố cổ, các nữ trí thức có cách tiếp cận đa chiều, đóng góp được nhiều ý kiến bổ ích cho việc bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ. Để có cuộc tọa đàm khoa học này, không thể không nói đến vai trò Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An.

Bà vốn là người hoạt động khoa học ở lĩnh vực tự nhiên, môi trường, trong khi bảo tồn phố cổ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Nhưng bất cứ hoạt động nào có ích cho sự phát triển của Thủ đô, bà đều hăng hái tổ chức, tham gia. Sau khi khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các thành viên Hội Nữ trí thức Hà Nội, Phó Giáo sư Bùi Thị An chia sẻ:

“Với vai trò là nơi tập hợp những nữ trí thức trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi sẽ luôn đồng hành với người dân phố cổ nói riêng, Hà Nội nói chung, góp sức bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội để phố cổ Hà Nội mãi là niềm tự hào về một di sản kiến trúc quý báu mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách, linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến”.

Với dáng vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn, không ai nghĩ bà Bùi Thị An năm nay đã bước sang tuổi 80. Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, bà vẫn luôn năng động tổ chức các hoạt động cho Hội Nữ trí thức Hà Nội, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn...

Và ở diễn đàn nào, người ta cũng thấy bà phát biểu một cách hăng say, trách nhiệm. Sinh ra trong một gia đình trí thức, khi trưởng thành, bà Bùi Thị An đã tiếp nối truyền thống gia đình. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhận công tác tại Viện Khoa học tự nhiên (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trở thành Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới.

Trong thời gian công tác, Phó Giáo sư Bùi Thị An là tác giả, đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Nghỉ hưu năm 2003, nhưng đó là lúc cuộc đời bà rẽ sang một trang mới: Vừa hoạt động khoa học, vừa tích cực tham gia công tác xã hội, cống hiến cho cộng đồng.

Hiện nay, bà là Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội… Trong đó, quãng thời gian bà là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011), đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội là một trong những khoảng thời gian đáng nhớ nhất.

Ở diễn đàn Quốc hội hay Hội đồng nhân dân, bà luôn có những ý kiến đóng góp xác đáng, những câu hỏi chất vấn sắc sảo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho biết: “Trở thành đại biểu dân cử là một vinh dự rất lớn, nhưng cũng mang rất nhiều trọng trách. Muốn trở thành đại biểu dân cử thật sự xứng đáng thì việc đầu tiên là phải suy nghĩ về quyền lợi của nhân dân. Nếu là vấn đề có sự ảnh hưởng rộng lớn hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới nhân dân ở nhiều vùng, nhiều địa phương thì phải kiên quyết phát biểu tại Quốc hội, chất vấn các ngành và kiên quyết giám sát”.

Từ năm 2003, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An chủ trì, tham gia thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường tại Hà Nội như: Xử lý ô nhiễm nước hồ Thành Công bằng phương pháp sinh học và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ; Xử lý ô nhiễm nước hồ Văn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bảo đảm độ sạch bền vững; Xác lập cơ sở khoa học để xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ)...

Bà còn được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội giao theo dõi và chỉ đạo tư vấn, phản biện về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Bà đã tham gia triển khai các dự án và tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, các trường mầm non, khu du lịch..., góp phần nâng cao kiến thức cộng đồng. Nhất là nâng cao kiến thức cho nông dân ngoại thành trong vấn đề bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, cả cuộc đời gắn bó với Thủ đô, người ta còn thấy ở nhà khoa học nữ này một cách ứng xử “rất Hà Nội”. Khác với lúc sôi nổi ở các diễn đàn, trở về cuộc sống thường ngày, bà là một người phụ nữ đôn hậu, lời ăn tiếng nói tinh tế.

Bà luôn nhớ về nét đẹp văn hóa của người Hà Nội xưa. Thời ấy, Hà Nội còn khó khăn, nhưng con người sống với nhau trọng nghĩa, trọng tình, cách cư xử nhã nhặn, tế nhị hơn bây giờ. Theo bà, sự phát triển của Hà Nội không thể tách rời yếu tố văn hóa, con người. Thí dụ như Hà Nội cải cách hành chính, tập trung cho số hóa, nhưng cuối cùng, vấn đề vẫn nằm ở văn hóa-con người.

Muốn phát triển bền vững, bà mong muốn thành phố tập trung cho giáo dục bởi con người chính là then chốt của mọi sự phát triển. Trong vô vàn những sự tôn vinh mà bà đã nhận được, một trong những điều bà tự hào nhất chính là năm 2022, bà được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Và năm 2023, bà vinh dự là đại biểu của thành phố Hà Nội dự Hội nghị Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc.