Trò chuyện về kiến trúc

NDO -

Cuốn sách “Houses & People” (Nhà cửa và con người) được giới thiệu trong buổi tọa đàm tổ chức tại Viện Pháp tại Hà Nội (24 Tràng Tiền, Hà Nội) của kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà đã mở ra những cánh cửa vào thế giới của kiến trúc, giúp người đọc tìm hiểu thêm về tư tưởng “Kiến trúc vị dân sinh”.

KTS Đoàn Thanh Hà (thứ 2 từ trái sang) tại buổi tọa đàm giới thiệu sách. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)
KTS Đoàn Thanh Hà (thứ 2 từ trái sang) tại buổi tọa đàm giới thiệu sách. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Buổi tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của những người trong nghề và công chúng yêu nghệ thuật kiến trúc.

Cuốn sách “Houses & People” tập hợp các dự án và công trình kiến trúc vì cộng đồng mà H&P Architects đã thực hiện trong giai đoạn 2008-2020.

Cuốn sách hướng tới việc lan tỏa tư tưởng “Kiến trúc vị dân sinh”, nhằm đề cao ý thức trách nhiệm xã hội của các kiến trúc sư và đưa nhận thức về vấn đề này đến với các sinh viên đang theo học ngành kiến trúc. Trong hơn 10 năm qua, H&P Architects do KTS Đoàn Thanh Hà và cộng sự cùng sáng lập, đã khởi xướng và tạo dựng một loạt dự án hướng tới cộng đồng trên khắp đất nước.

Trò chuyện về kiến trúc -0
 KTS Đoàn Thanh Hà ký tặng sách bạn đọc.

Cuốn sách “Houses & People” (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người) kể lại quá trình thực hiện 25 dự án và công trình của KTS Đoàn Thanh Hà, kèm theo các bài viết đã đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và các phương tiện thông tin đại chúng.

Cuốn sách do TS.KTS Nguyễn Trí Thành (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) biên tập, và cũng tập hợp ý kiến nhận xét của những chuyên gia uy tín về lý luận - phê bình và hành nghề kiến trúc như: GS.TS Hoàng Đạo Kính, KTS Nguyễn Luận, KTS Nguyễn Văn Tất, TS.KTS Phó Đức Tùng, PGS.TS Khuất Tân Hưng,..

Phát biểu tại sự kiện ra mắt sách, KTS Đoàn Thanh Hà nhấn mạnh, 2 khía cạnh liên kết các công trình trong cuốn sách là không gian thiết yếu, thân thiện và cấu trúc nhân tạo theo cách tự nhiên. Theo đó, không gian thiết yếu là không gian dành cho các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của con người, cần có sự thân thiện với con người nói riêng và môi trường, xã hội nói chung.

Theo KTS Đoàn Thanh Hà, kiến trúc là quá trình chuyển đổi ý tưởng thành một cấu trúc không gian cụ thể, không gian đó bao gồm tầm nhìn cuộc sống trong tương lai để không bị đóng kín bởi chính nó trong hiện thực. Nói cách khác, kiến trúc phải đi trước hiện thực một bước và tác động tích cực trở lại hiện thực đó.

Cuốn sách của Đoàn Thanh Hà cũng cho thấy rất rõ triết lý kiến trúc mà anh theo đuổi. Từ những trăn trở trên bản vẽ đến những công trình đi vào thực tiễn, ý niệm “Kiến trúc vị dân sinh” được duy trì xuyên suốt, phát triển cùng xu hướng Sinh thái và Bền vững trong Kiến trúc. Điều này có thể nhìn thấy ở dự án “Tổ ấm nở hoa” (2013) bằng tre-được hình thành như một nơi ở tạm thời theo mô-đun cho các gia đình bị mất chỗ ở do bão lụt; ở dự án “Vườn vệ sinh” (2014) dành cho các trường học tại vùng nông thôn-cung cấp các điều kiện vệ sinh thiết yếu, sử dụng năng lượng mặt trời với chi phí thấp và có thể ứng dụng rộng rãi với các vật liệu dễ thi công; và hàng loạt dự án khác hướng đến cộng đồng.

Nhiều công trình hướng tới “Kiến trúc vị dân sinh” còn đề cập đến các công trình cấp thiết của xã hội như: bệnh viện dã chiến, nhà ở vùng lũ, vùng ngập mặn… Bằng những công trình thiết thực, Đoàn Thanh Hà đã chứng minh rằng con đường “Kiến trúc vị dân sinh” mà anh theo đuổi không chỉ là một khẩu hiệu.

Chia sẻ về cảm nhận dành cho cuốn sách và KTS Đoàn Thanh Hà, bà Maria Benimeo - Tùy viên văn hóa - Đại sứ quán Cộng hòa Italia tại Việt Nam, cho biết: “Tôi rất ấn tượng với những ngôi nhà mà KTS Đoàn Thanh Hà đã làm ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tôi quan tâm đến việc mỗi người đều cần có chỗ ở đàng hoàng, được hưởng những tiện ích công cộng… và kiến trúc có thể giúp chúng ta tiến gần tới mục đích đó. Kiến trúc là một trong những công cụ nâng cao điều kiện sống của mọi người. Đặc biệt, kiến trúc mang tính bền vững có thể tạo ra sự cân bằng giữa những vấn đề về cuộc sống, môi trường, sinh thái, văn hóa… Trong cuốn sách này chúng ta có thể thấy anh Đoàn Thanh Hà tạo ra kiến trúc thông qua mối quan hệ cân bằng với thiên nhiên và lưu ý tính khả thi về tài chính”.

TS. KTS Nguyễn Trí Thành là chủ biên cuốn sách, người kết nối các góc nhìn, kết nối các sự kiện và thông tin với nhau để giúp hình dung rõ nhất chân dung kiến trúc sư trẻ Đoàn Thanh Hà. Ông chia sẻ: “Cuốn sách không phải một sự lăng xê, tiếp thị, cũng không phải sự “lên gân lên cốt” của tư tưởng mà là những điều từ thực tế, từ cuộc sống rút ra thành kiến trúc, rất dung dị, mộc mạc, rất thật, phù hợp với tính cách và bản chất con người của Đoàn Thanh Hà”.

Trò chuyện về kiến trúc -0
 KTS Đoàn Thanh Hà (đứng giữa) tại buổi ra mắt sách.

Thông qua Tọa đàm “Kiến trúc và Con người” trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia, khách mời cũng dành sự trân trọng và đánh giá cao đối với các dự án kiến trúc của KTS Đoàn Thanh Hà và cộng sự. Các công trình của cuốn sách “Houses & People” (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người) đã cho thấy đặc trưng, dấu ấn của tác giả. Sự giản dị, gần gũi và yếu tố bản địa làm nên ngôn ngữ và sắc thái kiến trúc riêng của Đoàn Thanh Hà.

Chia sẻ tại sự kiện, KTS Đoàn Thanh Hà hy vọng, công chúng có thể đón nhận cuốn sách như một câu chuyện về những việc tác giả đã trải qua, những quan điểm cá nhân của tác giả, tìm thấy những điểm chung và những khác biệt, để cuốn sách có thể lan tỏa những giá trị thiết thực đến người đọc, đến các kiến trúc sư trẻ và thế hệ sinh viên.