Ngày 6-5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy đã kết thúc điều tra vụ án Trịnh Nguyên Thủy, Lê Văn Tình cùng đồng bọn mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy.
Qua điều tra kết luận các đối tượng đã mua bán vận chuyển tổng số 614 bánh, 27,5 cây heroin và 199,5 kg thuốc phiện; đồng thời cơ quan điều tra đã phanh phui thủ đoạn sản xuất 48 kg heroin từ thuốc phiện của chúng.
Trịnh Nguyên Thủy, sinh năm 1958 ở 3A Láng Hạ-phường Thành Công-Ba Ðình-TP Hà Nội quen biết Nguyễn Ðức Ðằng qua mẹ Thủy là bà Ðào Thị Mạch. Trong khi chấp hành hình phạt tù tại trại Kế- Bắc Giang, Ðằng đã quen với Nghiêm Ðình Bồng ở thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh).
Chính vì mối quan hệ rất thân thiết, Ðằng đã hướng dẫn Bồng, Thủy sản xuất heroin vì việc sản xuất heroin rất nguy hiểm, chỉ cho những người rất thân cận biết. Qua điều tra, công an đã xác định số heroin sản xuất trái phép từ thuốc phiện của Trịnh Nguyên Thủy là 44 kg, Nghiêm Ðình Bồng là 48 kg, Ðặng Văn Ấu ở Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) và Nguyễn Ðức Ðằng 24 kg.
Quy trình sản xuất heroin của chúng như sau: Cho thuốc phiện vào chậu nhựa mỗi lần khoảng từ 3 đến 5 kg, đổ nước ở nhiệt độ 60 đến 70oC rồi bóp cho thuốc phiện nhão ra, sau đó cho một bát vôi đã tôi cùng 0,5 kg bột can-xi vào khuấy đều đến khi lắng xuống, cho vào túi vải đặt lên rổ tre ép lấy nước (cứ lọc đi lọc lại cho đến khi nước trong thì bỏ bã đi). Sau khi đun thành moóc-phin tạp chất, chúng tiếp tục tinh chế được heroin thành phẩm. Theo kết luận của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì quy trình sản xuất heroin như trên cơ bản là đúng. Về lý thuyết, sản xuất heroin theo phương pháp nước vôi thì cứ 1 kg thuốc phiện tạo ra được 0,1 kg heroin.
Với cách đó năm 1996, Nguyễn Ðức Ðằng đến nhà Bồng bàn sản xuất heroin. Ðằng đã mua gom thuốc phiện mang đến nhà Bồng nhiều lần tổng cộng khoảng 100 kg, Trịnh Nguyên Thủy đem đến nhà Bồng một lần khoảng 100 kg thuốc phiện. Sau đó, Ðằng mua một số dụng cụ và cùng Thủy, Bồng sản xuất heroin. Sau 15 ngày tạo ra được khoảng 20 kg chất bột như bã đậu (moóc phin) thì Ðằng cho vào túi ni-lông mang đi. Riêng Bồng còn khai cuối năm 1999, Bồng và Ðằng lại tiếp tục sản xuất từ gần 50 kg thuốc phiện, sau khoảng 7 đến 8 ngày thu được 4 kg moóc-phin.
Tuy đã học được cách sản xuất heroin từ Nguyễn Ðức Ðằng nhưng Trịnh Nguyên Thủy chưa sản xuất heroin ngay. Ðến cuối năm 2000, Thủy rủ Ấu, Dũng sản xuất heroin từ thuốc phiện. Công thức sản xuất heroin Thủy sẽ lo còn thuốc phiện do Ấu, Dũng lo. Thủy nói nếu mua được từ 200 đến 300 kg thuốc phiện và giá khoảng 5 triệu đồng/kg thì khi làm ra heroin có thể lãi mỗi người một tỷ đồng.
Sau đó Ấu, Dũng lên thị trấn Mộc Châu-Sơn La gặp Phạm Văn Châu đặt mua 300 kg thuốc phiện với giá 5 triệu đồng/kg. Vài ngày sau, cả bọn đi xe ô-tô CAMRY, biển kiểm soát 29L-4050 của Thủy tới km 82, quốc lộ 6 nhận hàng, giấu trong 5-6 bao tải để trong ghế, sàn và cốp xe. Khi đi, Dũng mang theo một súng ngắn K59 và đưa cho Ấu một quả lựu đạn để chống trả nếu bị phát hiện bắt giữ. Sau khi có thuốc phiện, Thủy đi mua dụng cụ dùng cho việc sản xuất heroin gồm bếp điện, chậu, xô, rổ tre, túi vải, máy hút chân không, than hoạt tính và một số hóa chất... Khoảng một tháng sau, bọn Thủy, Ấu, Dũng, Bồng tiến hành sản xuất heroin tại nhà Thủy, thu được 20 kg heroin nguyên chất, đem trộn với ca-phê-in, ép thành bánh trọng lượng khoảng 0,35 kg. Sau khi tiêu thụ, Thủy nói do chất lượng heroin kém nên mỗi người chỉ được lãi 700 triệu đồng.
Ngoài ra cũng qua điều tra vụ án này, cơ quan điều tra còn phát hiện hành vi sơ chế, mua bán thuốc phiện của các đối tượng Lê Thế Huấn, Tráng A Páo, Nguyễn Văn Huynh, Nguyễn Văn Ðược ở thị trấn Mộc Châu, Sơn La. Lê Thế Huấn đã 12 lần tham gia sơ chế thuốc phiện để bán cho Nguyễn Văn Huấn ở Bắc Ninh trong đó có lần đầu là 6 kg, còn các lần sau mỗi lần khoảng 20 kg, tổng cộng 162,5 kg thuốc phiện.
Quá trình điều tra hành vi sản xuất trái phép chất ma túy của Trịnh Nguyên Thủy, cơ quan điều tra đã phát hiện năm 2001, Trịnh Nguyên Thủy đã thỏa thuận với Nguyễn Viết Hoan ở xóm 3, thôn Thượng, Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) để Hoan chuyển cho Trịnh Nguyên Thủy 50% quyền đầu tư, khai thác khu đất tại đây. Thủy phải trả Hoan hai tỷ đồng. Sau đó Thủy và Hoan đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hà Nội lập và xin phê duyệt dự án "Mô hình trang trại nông nghiệp và sinh thái bền vững Sơn Thủy".
Ngày 15-10-2001, Cục Khuyến nông, khuyến lâm-Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án này. Quá trình xây dựng trang trại, Nguyễn Viết Hoan đã liên tục vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Theo Phòng Tài nguyên-Môi trường UBND huyện Từ Liêm thì khu đất của trang trại Sơn Thủy mà ông Hoan sử dụng là đất sản xuất nông nghiệp, chỉ được nuôi cá và trồng cây hằng năm (cây ngắn ngày). Ngày 23-4-2002, UBND huyện Từ Liêm đã có công văn số 356, nêu rõ: Vị trí trang trại Sơn Thủy mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị thực hiện dự án "Trang trại nông nghiệp sinh thái bền vững Sơn Thủy" là khu đất quy hoạch Khu công viên văn hóa thể thao tây- nam Hà Nội. Ðề nghị chỉ lập dự án đầu tư sản xuất cây con ngắn ngày, không trồng cây lâu năm, không sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Việc xây dựng phải liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội để được xem xét giải quyết.
Nhưng Nguyễn Viết Hoan đã không chấp hành, vẫn sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp, như đã đầu tư xây dựng tại trang trại Sơn Thủy nhiều công trình không có giấy phép xây dựng. Việc này đã bị các ngành chức năng của huyện Từ Liêm lập biên bản vi phạm hành chính và đã ra các quyết định xử phạt hành chính nhiều lần, yêu cầu không được xây dựng tiếp. Nhưng Nguyễn Viết Hoan vẫn không chấp hành mà tiếp tục hết vi phạm này đến vi phạm khác.
Ðến ngày 15-12-2004, khi Ban giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm kiểm tra, thấy thực tế Nguyễn Viết Hoan đã xây dựng và vẫn đang sử dụng 39 công trình kiến trúc trên đất nông nghiệp. Căn cứ các tài liệu chứng cứ nêu trên, ngày 13-2-2006, Cơ quan CSÐT- Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Viết Hoan về tội: Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Ðấu tranh xét hỏi Nguyễn Viết Hoan, bước đầu y đã khai nhận hành vi vi phạm của mình và còn khai ra một số đơn vị, cá nhân có biểu hiện bao che cho trang trại Sơn Thủy tồn tại.
Ngày 28-4-2006, Cơ quan CSÐT-Bộ Công an đã quyết định tách hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai của Nguyễn Viết Hoan và rút các tài liệu có liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ.