Là chỉ số tổng hợp hàng đầu của WTO về thương mại thế giới, Chỉ số thương mại hàng hóa cung cấp thông tin theo thời gian thực về quỹ đạo của thương mại hàng hóa so với xu hướng gần đây. Dựa vào chỉ số này, có thể đánh giá động lực tăng trưởng thương mại toàn cầu. Chỉ số lớn hơn 100 cho thấy khối lượng thương mại toàn cầu vượt xu hướng. Ngược lại, giá trị nhỏ hơn 100 thể hiện khối lượng thương mại ở mức dưới xu hướng hoặc sẽ giảm trong tương lai gần.
Theo báo cáo mới nhất của WTO, Chỉ số thương mại hàng hóa đã tăng lên mức 103, cho thấy tăng trưởng thương mại hàng hóa nhiều khả năng duy trì ở mức khả quan trong quý II và quý III/2024. Nhiều chỉ số thành phần về sản phẩm ô-tô (103,3), vận tải container (104,3), vận tải hàng không (107,1) đều trội hơn xu hướng, phản ánh thực tế nhu cầu tăng mạnh trong ngành vận tải container và vận tải hàng không thời gian qua. Một phần lý do là cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ buộc tàu thuyền di chuyển theo các tuyến đường biển xa hơn và nhiều thương nhân chuyển sang các tuyến hàng không để giao các mặt hàng quan trọng.
Theo báo cáo mới nhất của WTO, Chỉ số thương mại hàng hóa đã tăng lên mức 103, cho thấy tăng trưởng thương mại hàng hóa nhiều khả năng duy trì ở mức khả quan trong quý II và quý III/2024.
Trong khi đó, chỉ số linh kiện điện tử ở mức 95,4 cho thấy xu hướng giảm. Trong báo cáo trước đó, WTO đã chỉ ra rằng, chỉ số linh kiện điện tử giảm do tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Dù nhu cầu về đồ điện tử gia dụng tăng vọt sau đại dịch Covid-19, nguồn cung vẫn là thách thức do chuỗi cung ứng bị gián đoạn liên tục.
Cũng theo WTO, sau “giai đoạn đi ngang” kể từ quý cuối năm 2022, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới bắt đầu tăng vào quý IV/2023 và tiếp tục tăng trưởng vào quý I/2024. Trong 3 tháng đầu năm 2024, thương mại thế giới tăng 1% so với mức của quý trước và 1,4% so với số liệu cùng kỳ năm 2023. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy, nhiều khu vực đạt mức tăng trưởng thương mại mạnh hơn dự kiến, song ở châu Âu, tốc độ lại yếu hơn dự báo.
Thực tế, việc nhiều quốc gia ở châu Âu chứng kiến tăng trưởng không như kỳ vọng phù hợp các dự báo trước đó. Thí dụ như Đức, các nhà kinh tế nhận định, nền kinh tế Đức “khó có thể tăng trưởng” trong năm 2024 do bất ngờ suy giảm trong quý II/2024.
Khảo sát của Bloomberg cũng chỉ ra rằng, GDP của Đức dự kiến tăng 0,1% năm 2024, giảm so dự báo 0,2% trước đó. Các nhà phân tích cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Đức năm 2025 xuống còn 1,1%. Đánh giá dựa trên dữ liệu cho thấy các vấn đề công nghiệp của Đức tiếp tục kìm hãm tăng trưởng, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu bất ngờ thu hẹp trong 3 tháng tính đến tháng 6/2024.
Điều đáng nói là, chỉ số của WTO cho thấy tăng trưởng thương mại hàng hóa có thể duy trì ở mức khả quan trong quý II và quý III/2024, song WTO vẫn cảnh báo, triển vọng thương mại toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Lý do là gia tăng căng thẳng địa chính trị, các cuộc xung đột khu vực, xu hướng giảm đơn hàng xuất khẩu, cũng như sự thay đổi chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn. Điều này cũng đã được các định chế tài chính cảnh báo trong các báo cáo mới đây.
Cuối tháng 8 vừa qua, trong dự thảo về định hướng chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Trung ương Nga nhận định, mức tăng lãi suất ở các nước phát triển trong giai đoạn 2022-2023 là một trong những mức tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Quyết định tăng lãi suất cùng sự mất cân bằng trên thị trường tài chính ở các nước phát triển vừa qua có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, có quy mô tương đương những gì xảy ra trong giai đoạn 2007-2008. Theo dự báo, khủng hoảng có thể bắt đầu trong quý I và đạt đỉnh vào quý II hoặc quý III/2025.
Cũng theo Ngân hàng Trung ương Nga, ngoài khủng hoảng tài chính, thế giới đang chứng kiến xu hướng ngày càng tăng về “phi toàn cầu hóa” nền kinh tế thế giới, với sự phân chia và tan rã thành các khối và khu vực thương mại. Sự phân mảnh thương mại thế giới là yếu tố khiến năng suất giảm và lạm phát cao hơn, tác động tiêu cực thị trường tài chính toàn cầu.