Vũ Hồng Nguyên sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2000. Ngay từ những ngày còn “dùi mài” trên giảng đường, anh đã sớm tìm cho mình một đường hướng sáng tác của trường phái trừu tượng trong sự tìm tòi không ngừng nghỉ các chất liệu sử dụng sơn dầu, acrylic, tổng hợp, nhưng có lẽ anh gắn bó và thành công hơn cả với sơn mài. Tự tin trên con đường đã lựa chọn, lần lượt những tác phẩm sơn mài khổ lớn đã được Vũ Hồng Nguyên giới thiệu đến với công chúng trong nước và ngoài nước ở nhiều triển lãm hội hoạ, tạo ấn tượng về một thế hệ họa sĩ Việt Nam thời hội nhập, toàn cầu, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống. Tranh của Nguyên ăm ắp những suy tưởng về dòng chảy thời gian và cuộc đời, về cái hiện hữu và sự vĩnh hằng. Người xem có thể cảm nhận ở đó sự luân chuyển của tự nhiên và cả những hình bóng siêu hình, có mầm sống nảy nở, sự trưởng thành cứng cáp và cả những rữa nát, tan chảy.
25 tác phẩm trong triển lãm “Mạch sống” của Vũ Hồng Nguyên cũng nằm những suy tưởng đó. Nguyên cho biết: “Đây là những tác phẩm được tôi sáng tác trong mười năm qua, có sự kết nối với nhau theo một cách nhìn nhận, suy tưởng triết lý về những mối liên quan của vạn vật trong thế giới. Đó có thể là các sự vật, hiện tượng nhìn thấy được và cả những gì chỉ thấp thoáng trong trí tưởng tượng cùng những điều vượt khỏi cách nhìn nhận cá nhân, lúc hiện lên rõ nét khi huyền ảo, hư thực trong không gian sâu lắng của sơn mài. Quan sát kỹ sẽ thấy mỗi tác phẩm thực ra là một cái nhìn từ trên cao, giống như tấm bản đồ của ký ức mà ở đó tôi thể hiện lại những giấc mơ, sự khao khát, thực tại và cả những kỷ niệm cũ”.
Không chỉ dựa trên nền tảng sơn mài truyền thống, Vũ Hồng Nguyên đã đưa vào nhiều kỹ thuật mới trong các tác phẩm của mình mà ở đó anh được thỏa sức thể hiện ý tưởng, tận dụng tối đa khả năng biểu cảm trừu tượng của sơn mài. Nói như một nhà phê bình mỹ thuật: “Tranh sơn mài của Nguyên có sự mơ mộng thênh thang và cho phép họa sĩ đi mãi vào cái riêng của không biết dừng”. Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng từng nhận xét về tranh sơn mài của Vũ Hồng Nguyên khi cho rằng anh đã “giữ được nhịp đi chậm của sơn mài, phiêu phất, tinh tế mà vẫn thỏa thê tràn rộng những cấu trúc mở của mỹ cảm phương Đông, tạo ra sự tiếp biến kỳ thú Đông Tây”.
![]() |
Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên.