Triển khai nhiệm vụ xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022

NDO -

Ngày 23/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tính hết năm 2021, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 42 đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo thống kê, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu năm 2021 đạt hơn 32,9 nghìn với hơn 400,6 triệu bản. Trong đó; xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29,2 nghìn cuốn (giảm 9%) với 350 triệu bản (giảm 3,6%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 2,3 nghìn (tăng 12,2%) với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần); xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 1,3 nghìn (giảm 31,6%) với 25,6 triệu bản (giảm 34%).

Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.996,6 tỷ đồng (tăng 12,4 %); nộp ngân sách hơn 260,7 tỷ đồng (tăng 71,7%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 384,2 tỷ đồng (tăng 80,7%).

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản bị gián đoạn do thời gian giãn cách xã hội; sức mua giảm; các chi phí nguyên, vật liệu tăng; thiếu kinh phí hoạt động…

Tuy vậy, kết quả tổng doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản đều tăng so năm 2020. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả, thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách. Tổng số lao động của các nhà xuất bản vẫn cơ bản được giữ vững, không bị xáo trộn và ảnh hưởng đến tinh thần chung của các cán bộ, biên tập viên nhà xuất bản, góp phần làm cho hoạt động của các nhà xuất bản được ổn định trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá cao những nỗ lực và kết quả toàn ngành xuất bản, phát hành đã đạt được trong năm 2021. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, những người làm công tác xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời phải giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành, góp phần khẳng định xuất bản là lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngành xuất bản phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản. Các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2022, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, xóa “vùng trắng” về văn hóa đọc.

Để thích ứng linh hoạt sau đại dịch Covid-19, cần tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng chống dịch, bảo đảm hài hòa chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.

H4_trao_bang_khen-1648027449555.jpg
 Trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích trong công tác xuất bản phát hành năm 2021.
H3_trsao_co_thi_dua-1648027450086.jpg
Trao cờ thi đua cho 8 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản phát hành năm 2021.

Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao cờ thi đua cho 8 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản, phát hành năm 2021; trao 13 Bằng khen cho tập thể, 5 Bằng khen cho các cá nhân về thành tích trong công tác xuất bản, phát hành năm 2021.