Triển khai nhanh, đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược

NDO - Sáng 10/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Hội nghị truyền trực tuyến tới điểm cầu 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án đi qua.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng chiến lược, tập trung hạ tầng giao thông, mang tính liên vùng, liên tỉnh. Những công trình hơn 10 nghìn tỷ đồng, theo quy định phải báo cáo các cơ quan thẩm quyền là Bộ Chính trị xin chủ trương, Quốc hội đồng ý cho phép triển khai.

Hiện nay, về mặt vốn đã và đang triển khai tích cực vì chúng ta giảm số dự án đầu tư của cả nước xuống dưới 5.000 dự án, tập trung cho các dự án lớn. Chúng ta huy động nguồn vốn Trung ương, địa phương, huy động từ nguồn trung hạn, nguồn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nguồn tăng thu tiết kiệm chi.

Vấn đề là làm sao giải ngân được các nguồn vốn này? Có rất nhiều thủ tục còn rườm rà, nhưng là quy định thì phải chấp hành. Bình thường, chúng ta triển khai 1 năm trên dưới 100 nghìn tỷ đồng. Năm nay do yêu cầu triển khai theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và có nhiều nguồn vốn như vậy, trong suốt 20 năm qua, chúng ta đã hoàn thành gần 1.100km đường cao tốc bằng tất cả các hình thức đầu tư, trong 5 năm tới phải hoàn thành gấp 2 lần khối lượng này, trong 10 năm tới phải 4 lần.

Tình hình khác thì chúng ta phải có biện pháp khác, trong đó có các biện pháp tổng hợp liên quan chuẩn bị dự án, đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện, giải ngân… thì mới có thể thực hiện được khối lượng công việc lớn hơn.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang thực hiện các biện pháp tổng hợp, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện những năm qua, những gì tốt rồi thì phát huy, chưa tốt thì khắc phục, những gì phát sinh mới thì thích ứng ngay, linh hoạt, hiệu quả.

Lần này, để tạo sức mạnh tổng hợp, chúng ta thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước để chỉ đạo các công việc trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để khớp nối lại các công việc. Kinh nghiệm cho thấy phải có Ban Chỉ đạo để theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, đề xuất giải quyết những vướng mắc.

Nhân dịp này, chính thức ra mắt Ban Chỉ đạo Nhà nước, trong đó nhiệm vụ, có cả các công trình được đầu tư bằng hình thức BOT, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy vai trò, chức trách được Đảng, Nhà nước giao, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, cố gắng, dành thời gian hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bố trí thời gian họp, theo dõi, đôn đốc, phân công nhiệm vụ cụ thể.

Trong nhiệm kỳ này, tất cả 3 miền đều triển khai các dự án lớn. Những dự án quy mô dưới 10 nghìn tỷ đồng cũng rất nhiều, chưa kể các dự án BOT. Do đó phải có một cơ quan giúp việc, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, góp phần đề xuất các khó khăn, vướng mắc với các cơ quan có thẩm quyền.

Thủ tướng chỉ đạo, hôm nay ra mắt Ban Chỉ đạo để cần thống nhất về tư tưởng, nhận thức, hành động, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, tinh thần không hình thức, mà phải hiệu quả, thực chất, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của Trung ương và địa phương, tất cả vì dân vì nước.

Nếu chúng ta triển khai chậm các công trình thì sẽ lãng phí nguồn lực, hiệu quả thấp trong khi nhân dân đang mong đợi, yêu cầu thì bức thiết. Chúng ta cần thực hiện các đột phá chiến lược đã đề ra. Chính sách tài khóa mở rộng, trong đó có đầu tư công, các công trình hạ tầng chiến lược. Thủ tướng đề nghị quán triệt nhận thức này để làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả cao nhất.

Triển khai nhanh, đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

* Theo Bộ Giao thông vận tải, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Triển khai nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia trình Quốc hội thông qua làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng. Đây là các dự án hạ tầng giao thông có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, vai trò động lực, lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm quốc phòng-an ninh đất nước, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với số lượng dự án triển khai rất lớn, yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành theo đúng quy định tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Các dự án đi qua nhiều địa phương từ bắc vào nam, khối lượng công việc cần phải thực hiện hết sức lớn, rất nhiều các thủ tục liên quan các bộ, ngành, địa phương, nên cần có sự chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần;

Dự án đường Hồ Chí Minh, đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam, cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025. Dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án thành phần 1 và 4 thuộc dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.

Triển khai nhanh, đồng bộ các công trình hạ tầng chiến lược ảnh 2

Các đại biểu tại Hội nghị.

Trong số các dự án trọng điểm trên, điển hình là Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông: điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), điểm cuối thành phố Cà Mau (Cà Mau) dài 2.063km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch theo từng đoạn từ 4-8 làn xe ô-tô cao tốc. Hiện đã đưa vào khai thác 544km; đang thi công 763km; đang thực hiện lập thiết kế kỹ thuật để cuối năm 2022 khởi công 729km, bao gồm:

Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 dài 654km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch 6 làn xe ô-tô cao tốc, sơ bộ tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng được chia thành 11 dự án thành phần (8 dự án đầu tư công, 3 dự án PPP) đi qua 13 tỉnh, thành phố; đoạn Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15km) đã đưa vào khai thác đầu năm 2022; đang triển khai thi công 10 dự án thành phần, trong đó: 4 dự án thành phần với chiều dài 361km cơ bản hoàn thành năm 2022; 4 dự án thành phần với chiều dài 148km dự kiến hoàn thành năm 2023; 2 dự án thành phần với chiều dài 128km dự kiến hoàn thành năm 2024. Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành. Tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến hết ngày 5/8/2022 đạt khoảng 26.908/57.075 tỷ đồng, tương đương 47,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 2%.

Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp các địa phương để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 8/2022. Với 4 dự án hoàn thành năm 2022, sản lượng trung bình đạt 65,5% giá trị hợp đồng, chậm 3,7%, Bộ Giao thông vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường các mũi thi công bám sát tiến độ, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022. Các dự án hoàn thành năm 2023 và năm 2024, tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 dài 729km với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch từ 4-6 làn xe ô-tô cao tốc, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng được chia thành 12 dự án thành phần đi qua 12 tỉnh, thành phố. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022 trong đó giao cho các Ban Quản lý dự án thuộc bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương vào ngày 30/6/2022.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo triển khai lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục liên quan để khởi công dự án trước ngày 31/12/2022. Các địa phương đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công các gói thầu trong năm 2022…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có hạ tầng chiến lược về giao thông, cả bến cảng, đường cao tốc, sân bay… với quy mô toàn diện, tập trung ở tất cả các vùng miền. Riêng đường bộ, đường cao tốc, theo mục tiêu đến năm 2030 phải có ít nhất 5.000 km đường cao tốc. Nhìn lại 20 năm qua, chúng ta hoàn thành gần 1.100km, theo kế hoạch, trong 10 năm tới phải hoàn thành khối lượng công việc gấp 4 lần 20 năm qua, do đó phải đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý, đôn đốc kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mới hoàn thành. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải được thành lập để thực hiện việc này.

Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhìn lại kinh nghiệm tổ chức thực hiện trong 20 năm, trong 10 và 5 năm qua, thì thấy khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện, trong đó có giải ngân, bảo đảm tiến độ, chất lượng, chống tiêu cực… Do đó, việc triển khai các dự án chiến lược này phải khắc phục các yếu kém; muốn vậy mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân phải tích cực, trách nhiệm, hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ, nếu làm đầu tư hạ tầng chiến lược thành công thì sẽ góp phần hình thành không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển các vùng miền, hình thành các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị mới. Kinh nghiệm các tỉnh vừa qua phát triển hạ tầng tốt thì đến nay đã gặt hái thành quả như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Thuận… Đồng thời góp phần giải quyết nút thắt về giao thông, nhất là miền núi phía bắc, 5 thành phố lớn, Tây Nguyên, Nam Bộ… Góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho nhân dân, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; không lãng phí nguồn lực. Đây là những hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, nêu cao ý thức vì nhân dân phục vụ. Chủ động tích cực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình, kịp thời xử lý các vướng mắc.

Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiêm cấp phép các mỏ nguyên vật liệu mà Chính phủ có 2 Nghị quyết. Bộ phải có đoàn kiểm tra các địa phương, nơi nào không làm đúng thì thu hồi và xem xét xử lý theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong tháng 8 này phải báo cáo Ban Chỉ đạo. Các nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý: các thủ tục chuẩn bị đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp làm xong, chọn tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, phải trong sáng, không được tham nhũng, tiêu cực.

Lập dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng song song với dự án chính. Các tỉnh, thành phố được phân công thì chủ động thực hiện nhanh, sớm. Lập kế hoạch, tiến độ thực hiện các công việc trên tinh thần lấy ngày khánh thành làm mốc trừ lùi lại, có biểu đồ tiến độ các hạng mục công việc cụ thể; khẩn trương lập, thẩm định dự án thành phần. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành theo kế hoạch phát triển các dự án đường sắt đô thị với tinh thần “vướng đâu giải quyết đó”, không trông chờ, ỷ lại.

Các cơ quan chủ quản đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đáp ứng các yêu cầu tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp các cơ quan đi kiểm tra việc này, giải quyết nhanh, ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tại khu vực dự án với tinh thần bà con chuyển đến nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Chính phủ sẽ ban hành ngay Nghị quyết cho dự án đường Vành đai 3 và 4. Các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt các dự án di dời hạ tầng về kỹ thuật và mỏ vật liệu; phối hợp chặt chẽ, trực tiếp, giải quyết ngay, hạn chế “công văn, giấy tờ, đi lại”.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động đẩy nhanh thủ tục vay vốn ODA của các nhà tài trợ. Đối với sân bay Long Thành, phải triển khai các dự án thành phần đồng bộ, khẩn trương như tái định cư, đường vào, nhà ga, đường băng...; bảo đảm làm nghiêm túc, nhanh chóng theo quy định về chỉ định thầu, đấu thầu; đề nghị cơ quan kiểm toán giám sát chặt việc này.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành phải nhanh chóng thực hiện chỉ đạo giảm giá các loại hàng hóa vì giá xăng dầu thời gian qua đã giảm nhiều; các nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện dự án với tinh thần “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” để chia sẻ khó khăn với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng thích ứng tình hình.

Các tỉnh phải thành lập Ban Chỉ đạo, phân công công việc cụ thể, kiện toàn, nâng cao năng lực của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án. Các Ban quản lý dự án cũng phải nghiệm thu công trình đúng quy định. Các nhà tư vấn phải chủ động, tư vấn đúng quy định pháp luật, hợp đồng, nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Các nhà thầu cũng phải tôn trọng hợp đồng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Cùng với thúc đẩy tiến độ, chất lượng, phải tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực; lựa chọn các nhà tư vấn, nhà thầu có chất lượng; tuyên truyền tạo sự đồng thuận chung của xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông báo chí phải vào cuộc, chủ động nhiệm vụ, có kế hoạch tuyên truyền, định hướng dư luận về các dự án, đưa nội dung làm tốt, hay, các cá nhân, đơn vị điển hình; lưu ý việc giao các mỏ nguyên vật liệu phải bảo đảm thực hiện đúng quy định.