Trên vùng đất Ô Lâm

Thế hệ tương lai trên vùng quê Ô Lâm hôm nay
Thế hệ tương lai trên vùng quê Ô Lâm hôm nay

Một ngày tháng ba, tôi về xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, An Giang), thăm quê hương chị Néang Nghés - nữ Anh hùng liệt sĩ người Khmer. Dọc theo tỉnh lộ 941, từ huyện Châu Thành sang huyện Tri Tôn, hai bên đường là những cánh đồng lúa vàng óng ánh nặng trĩu bông, đang khoe mình dưới nắng ban mai. Bà con đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch đầu tiên trong năm, vì thường thì vụ đông xuân bao giờ cũng cho năng suất lúa cao hơn. Ðường từ thị trấn Tri Tôn về xã Ô Lâm được trải nhựa từ kinh phí Chương trình 135 của Chính phủ. Ðến Ô Lâm, mặt trời đã đứng bóng, trước mắt tôi là một vùng quê yên bình, nằm dưới chân núi Cô Tô. Thấy hai bên đường chạy quanh xã, đất đai khô cằn và không trồng trọt gì, tôi hỏi chú Nguyễn Thanh Việt thì được biết, thời điểm này phần lớn ruộng lúa trong vùng phải bỏ không vì nắng hạn, lại thiếu nước tưới. Ðến đầu tháng ba âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa hạ kéo về thì bà con bắt đầu chuẩn bị xuống giống cho vụ đầu tiên trong năm.

Xã Ô Lâm có hơn 97% số dân là người Khmer, là xã có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh. Trong chiến tranh, nhân dân Ô Lâm kiên cường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhiều tấm gương anh dũng, bất khuất, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Néang Nghés, người con gái dân tộc Khmer. Chú Việt dẫn tôi đến khu tưởng niệm liệt sĩ, nơi an nghỉ của những người con xã Ô Lâm đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam. Trên tấm Bia tưởng niệm trước đài Tổ quốc ghi công, tôi đọc danh sách 62 liệt sĩ đều là người Khmer. Chú Việt cho biết, trong xã hiện có hơn 70% số gia đình có công cách mạng. Chính vì thế, Ô Lâm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân vào ngày 20-12-1994. Ðó là niềm tự hào của người dân Ô Lâm nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung. Ði cùng chú Việt, tôi đã gặp một số cựu chiến binh ở Ô Lâm. Hồi ức của các chú như "thước phim" lịch sử về một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng của nhân dân trong xã và cả vùng Bảy Núi, trong đó có câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của chị Néang Nghés.

Trong những năm đầu phong trào Ðồng Khởi, kẻ thù càn quét vào vùng giải phóng Ô Lâm, đốt nhà rồi gom dân vào "ấp chiến lược" Ô Tà Tưng (Tha La Păng Xây). Chúng coi đây là một "ấp chiến lược kiểu mẫu" có quy mô lớn ở An Giang. Ngày ấy, chị Néang Nghés tham gia đoàn biểu tình với hơn một nghìn người, có cả sư sãi, à cha, kéo về quận lỵ Tri Tôn. Tên quận trưởng đích thân dẫn lính ra ngăn chặn, đàn áp cuộc biểu tình. Trước tình hình địch đàn áp mạnh, một số bà con nao núng, chị Néang Nghés động viên, cổ vũ mọi người và xông tới giáp mặt tên quận trưởng chất vấn: "Quận trưởng là người Khmer sao lại hại người Khmer, bắt người Khmer bỏ ruộng rẫy, nhà cửa, chùa chiền, bỏ hũ tro ông bà để vào "ấp chiến lược" mà chết đói. Quận trưởng tính giết hết người Khmer mình hay sao?". Trước lời lẽ mạnh mẽ mà có tình có lý của chị, lại được quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, được binh sĩ đồng tình, nên tên quận trưởng buộc lòng hứa hẹn một số điều. Vậy là cuộc đấu tranh coi như giành thắng lợi bước đầu. Từ đó, chị Néang Nghés được quần chúng nhân dân tin yêu, còn kẻ thù thì tức tối. Chú Chau Sóc Néth - một cựu chiến binh của xã, năm nay tuổi ngoài 70, đã kể lại với tôi như thế. Chú bảo, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh trước sau cũng bị địch bắt, nhưng đã đấu tranh thì phải chấp nhận tra tấn, tù đày, như người chiến sĩ ngoài tiền tuyến chấp nhận hy sinh. Nghe tôi hỏi chú suy nghĩ như thế nào khi hay tin chị Néang Nghés hy sinh, chú nói trong xúc động: "Néang Nghés là niềm tự hào của phum, sóc chúng tôi. Chị hy sinh khi còn rất trẻ, kiên cường lắm, là tấm gương cho chúng tôi noi theo. Lúc đó tôi là bộ đội chủ lực ngoài tiền tuyến, còn  Néang Nghés là du kích địa phương, tham gia Hội Phụ nữ giải phóng của xã, làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội". Chú vừa nói vừa chỉ tay về hướng phía trên UBND xã Ô Lâm một chút, đó là nơi người con gái Khmer đã ngã xuống nhưng vẫn giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản trước quân thù. Chị nằm xuống và đã khơi dậy một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở vùng Bảy Núi này. Nhiều người noi theo tấm gương oanh liệt của người con gái anh dũng, tình nguyện gia nhập đội quân cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn. Ngay sau đó, Huyện ủy Tri Tôn tổ chức trọng thể lễ truy điệu Néang Nghés và công nhận chị là đảng viên chính thức. Chú Chau Sóc Néth nhớ lại và bảo với tôi rằng, những năm đó tinh thần đấu tranh ở vùng Bảy Núi lên cao lắm, luôn sôi sục trong lòng mỗi người.

Uống xong một ngụm trà, trầm ngâm một chút, chú Chau Sóc Néth kể tiếp: Vào một ngày giữa tháng 3-1962, sau khi chị Néang Nghés chuyển giao xong gạo thóc, thuốc men từ căn cứ trở về thì trời đã sáng. Không may, chị gặp bọn địch đi tuần tiễu. Thấy chị quảy bốn cái "cà om", lấy đó làm chứng cớ, chúng bắt chị đưa về đồn Tha La Păng Xây giam vào "lồng kẽm" dưới nước. Ðây là một sản phẩm được chế tạo vì mục đích độc ác của Mỹ - Diệm, bốn bên lồng đan bằng dây kẽm gai, ngồi vừa đụng đầu, bị đỉa, muỗi hành hạ. Chị Néang Nghés bị nhốt trong cái lồng man rợ đó cả ngày lẫn đêm, khi nào cần thì bọn địch lôi ra tra khảo.

Không thể khuất phục được, chúng đã đưa chị ra cánh đồng phum Chông Khsách, còn bắt đồng bào đến chứng kiến chúng xử bắn chị. Tên đồn trưởng hỏi: "Trước khi chết, mày muốn nói gì không?", chị trả lời: "Tao không sợ chết, tao chết nhưng đồng chí tao còn, nhất định sẽ tiêu diệt bọn mày". Một lời nói tiết liệt đầy niềm tin vào tương lai. Trước sự hy sinh hiên ngang của chị, bà con Khmer càng thương tiếc, khâm phục bao nhiêu thì càng căm thù lũ giặc bấy nhiêu. Những cụ già và sư sãi chùa Wat Bưng xã Ô Lâm kéo đến quận trưởng yêu cầu cho đưa xác chị về. Hai ông Tà Sek, Tà Lết là cơ sở cách mạng, bọc thi hài chị trong chiếc đệm rồi cùng bà con đưa chị về mai táng trên gò Xóp Khmóch, cách nơi chị hy sinh gần hai cây số. Tên tuổi chị Néang Nghés trở thành một điểm son trong lịch sử cách mạng tỉnh An Giang. Ghi công chị, ngày 15-3-2005, Ðảng và Nhà nước đã truy tặng người con gái Khmer bất khuất danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Năm tháng trôi qua, hòa bình trở lại trên quê hương đất nước, nhân dân xã Ô Lâm anh hùng đã từng bước thoát khỏi đói nghèo và vươn lên mạnh mẽ, nhà nhà đã được no ấm từ các Chương trình 134, 135 của Chính phủ. Con em ở Ô Lâm ngày nay đã được đến trường học hành, toàn xã hiện có hơn 100 học sinh, sinh viên đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh và khu vực. Cuộc sống yên bình và sung túc đã hiển hiện trong mỗi ngôi nhà, trên mỗi con đường ở các phum, sóc dưới chân ngọn núi Cô Tô. Nơi đây, thời chiến tranh là chiến trường khốc liệt, đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù, ngày nay đã được thay thế bởi những cánh đồng lúa xanh tươi, những hàng cây thốt nốt đang vươn mình giữa một vùng đất khô cằn, mang đến cho đời hương vị ngọt ngào, mát mẻ. Ðể tưởng nhớ công ơn của những người đã hy sinh, góp phần đem lại bình yên cho vùng đất này, chính quyền địa phương đã có kế hoạch tôn tạo ngôi mộ chị Néang Nghés, đồng thời kết hợp xây dựng nhà truyền thống để giáo dục con em về truyền thống anh hùng của quê hương. Còn một điều nữa mà đông đảo người thầy, cô giáo và học sinh ở đây đang mong muốn là tên gọi của Trường trung học cơ sở Ô Lâm sẽ được đổi lại và mang tên người con gái anh hùng của quê hương Ô Lâm, để quê hương chị sẽ có ngôi trường Trung học cơ sở Néang Nghés.