Cuộc thi viết Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Trên những miền đất anh hùng

Tháng 5, trời cao nguyên lồng lộng, những cánh chim C’rao sải cánh giữa đại ngàn. Ði giữa giai âm của bản Tình ca Tây Nguyên, chúng tôi về với buôn làng, vùng đất anh hùng ở nam Tây Nguyên để được hít hà hương gió mới, để cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ trên những vùng đất khó khăn một thời.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng bào các dân tộc nam Tây Nguyên vui ngày hội.
Ðồng bào các dân tộc nam Tây Nguyên vui ngày hội.

Mùa này, đường về xã anh hùng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, Lâm Ðồng, hương chè và mùi hương cây trái dìu dịu. Trong cuộc chiến vệ quốc chống đế quốc Mỹ, Lộc Bắc là căn cứ cách mạng, nằm phía bắc đường 20, nay là Quốc lộ 20. Tại đây, cùng với việc vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Ðảng, quân và dân Lộc Bắc kiên trì thực hiện "3 bám": Bám địch, bám dân, bám đất. Cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, du kích xã Lộc Bắc có nhiệm vụ bảo vệ buôn làng, bảo vệ căn cứ cách mạng phía bắc đường 20 và đường hành lang chiến lược bắc-nam.

Trong nhà dài truyền thống của người Mạ, già làng K’Diệp kể: "Mình đi làm cách mạng từ năm 1963 cùng với nhiều anh em trong các buôn làng. Ðược làm Bộ đội Cụ Hồ vinh dự lắm. Ở đây có du kích K’Vét được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt máy bay đó…", nói đoạn, già K’Diệp bảo: "Chuyện chiến đấu bảo vệ quê hương nhiều lắm, kể không hết đâu. Giờ nói chuyện đổi mới thôi". Trong mạch nguồn câu chuyện, già K’Diệp kể, cách nay chừng hơn 10 năm, Lộc Bắc còn khó khăn lắm, cuộc sống người dân chủ yếu nhờ lộc rừng, nghèo đói bủa vây buôn làng. Giờ thì tốt hơn nhiều rồi, Lộc Bắc đã là xã nông thôn mới.

Rảo bước trên những cung đường trải bê-tông, có gắn tên theo số, mới thấy sự đổi thay trên những buôn làng dưới chân dãy Ðăng PòtCàl. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Lộc Bắc K’Tư cho biết, xã vùng sâu này phần lớn là đồng bào dân tộc bản địa Mạ, Cơ Ho sinh sống. Toàn xã có bốn thôn, dân số hơn 4.850 người, có được diện mạo như hôm nay là nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự quyết tâm, đồng thuận của lãnh đạo xã cùng người dân. Nhờ vậy mà xã Lộc Bắc cán đích nông thôn mới như một kỳ tích, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 43 triệu đồng/năm.

"Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/năm. Biết là khó, nhưng với truyền thống xã anh hùng, cùng với sự chung sức, đồng lòng, mình tin sẽ làm được", ông K’Tư bày tỏ.

Trong hành trình về với những buôn làng ở các xã anh hùng như: Lộc Lâm, Lộc Nam, Lộc An (huyện Bảo Lâm), bên bếp lửa rừng, chúng tôi được nghe già làng kể những câu chuyện huyền thoại, từ thời kháng chiến bảo vệ buôn làng, đến cuộc cách mạng đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất… Mây la đà trên đỉnh Kon K’Làng, bên dàn chiêng quý, già làng K’Sáu hào hứng: "Mỗi khi nhớ về những ngày tháng tham gia cách mạng, mình rất tự hào về người dân và mảnh đất anh hùng này. Giờ đây, Lộc Lâm đã cán đích nông thôn mới, nhiều nhà đã có của ăn, của để, cái bụng mình vui lắm".

Chuyện xưa buôn làng đói cơm thiếu áo, nhưng người dân vẫn cùng thức trắng, lo cho bộ đội từng hạt muối, bát cơm và vẫn bất khuất đứng lên chống giặc ngoại xâm. Ðó là chuyện mà các già làng nam Tây Nguyên vẫn thường tự hào kể lại cho con cháu nghe.

Lâu rồi mới được trở lại với buôn làng Cơ Ho bên dòng Ðạ Tianhil hiền hòa. Trên đỉnh dốc nhìn xuống, trung tâm xã anh hùng Sơn Ðiền (huyện Di Linh) nhòa khói lam chiều, xứ sở núi liền núi và rừng xanh bao bọc. Giữa buôn Bó Cao, tôi gặp già K’Mùng, người có tên trong danh sách 140 người tham gia cách mạng của chiến khu Sơn Ðiền năm xưa.

"Mình tham gia du kích từ năm 1960 và gia nhập Bộ đội Cụ Hồ từ năm 1971", già K’Mùng mở lời. Người cựu chiến binh Khu 6 có nụ cười hiền lành này cũng từng băng rừng qua giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt kẻ thù chung. Bố của ông là cựu cán bộ Việt Minh và người anh trai đã hy sinh cũng là Bộ đội Cụ Hồ. "Xưa, người Cơ Ho ở đây nghèo khó lắm, nhưng rất kiên cường...", già K’Mùng kể tiếp.

Thấy nhà K’Mùng có khách, những người hàng xóm ghé qua góp chuyện, đó là ông K’Oăng, ông K’Nhẻo, bà Ka Yếu, bà Ka Măng. Hóa ra, những người đàn ông, đàn bà chân chất đang trò chuyện cùng tôi từng là du kích, hay dân công tải đạn. "Kể không hết chuyện của vùng đất cách mạng này đâu. Giờ đồng bào mình lo giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học, chung tay xây dựng buôn làng. Xã đạt nông thôn mới rồi, giờ phải phấn đấu nâng cao", già K’Mùng nói.

Xã Sơn Ðiền có bảy thôn, dân số hơn ba nghìn người, hơn 97% là người dân tộc bản địa Tây Nguyên sinh sống. "Mình lớn lên trên mảnh đất cách mạng này. Một thời, Sơn Ðiền được ví như ốc đảo giữa đại ngàn, cuộc sống người dân cơ cực lắm. Nhờ sự quan tâm của các cấp, cùng ý thức vươn lên của nhân dân, bức tranh kinh tế-xã hội Sơn Ðiền đã có nhiều khởi sắc. Nói đúng hơn, Sơn Ðiền đạt xã nông thôn mới như một kỳ tích", Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Ðiền K’Vít chia sẻ.

Lâm Ðồng có 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 25,7%. Trên dải đất từ cao nguyên Lang Biang đến miền trầm tích bên dòng Ðồng Nai, có 14 xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều "địa chỉ đỏ". Toàn tỉnh hiện có năm huyện và 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 14 xã anh hùng; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,6 triệu đồng, cao nhất khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,87%.

Trên những vùng căn cứ xưa, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Ðồng đang tiếp nối mạch nguồn cách mạng, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Giống như lời của đại biểu Quốc hội khóa VI, Dũng sĩ diệt Mỹ Ðiểu Thị Năm Lôi ở xã anh hùng Ðồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên chia sẻ: "Ðồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số tại Pleiku năm 1946 và Quyết tâm thư của Ðại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, luôn tin tưởng và mãi mãi đi theo con đường mà Ðảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn như mãi mãi đi theo ánh sáng mặt trời" ■