Rồi bạn đi với tôi qua những bờ tường trắng
Sau chiến tranh
Những ngôi nhà như tinh thể kết bất ngờ trong hạnh phúc
Định hình tất cả niềm vui và sự thật
Bằng gỗ, bằng vôi và giấc mơ ngày lên đường
Những ngôi nhà thành phố tuổi thơ tôi.
Bạn cùng đi với tôi trên vỉa hè rạn vỡ
- Đây là những gì chúng ta đã sống và đã chết
Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó
- Đây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca
Những hàng phượng mang nắng từ trên vai thành phố
- Đây là những gì giúp ta cao hơn một tầm nhìn
Một người mẹ gánh nặng trở về
- Đây là những gì chúng ta mang mẻ và hy vọng
Bạn ơi
Bạn nghe tiếng trở mình của thành phố thân yêu
Mây trắng chất ngất và lòng ta đầy dự tưởng
Những em bé nhặt lá khô bên lề đường
Anh bộ đội vẻ vụng về sau ngày đánh giặc
Đằng sau buổi chia ly, đằng sau lần gặp
Tâm hồn ta như cánh rừng xa khuất
Lại xanh màu và mãi âm vang...
1975
-----------------
Nhà thơ cùng đi với bạn mình trên đường của một thành phố vừa được hồi sinh lại trong tự do. Đây cũng chính là thành phố quê hương nhà thơ. Thành phố mà suốt những năm chiến tranh, trên những cánh rừng chiến khu, nhà thơ đã không ngừng nhớ về, thiết tha, đau xót...
Thành phố sau màu mây
Ôi thương nhớ vẫn hôn lên cùng nắng hồng mỗi sáng
Một thành phố cuối con suối này
Uống nước đục ngầu mỗi chiều đầy bom đạn
(Con chim thời gian - 1970)
Thành phố có căn nhà cha sinh mẹ đẻ, nơi nhà thơ vẫn mơ được về gõ cửa trong ngày đoàn tụ. Trong ngày mùa xuân lịch sử năm 1975, thành phố đã như mang một ánh sáng khác.
Rồi bạn đi với tôi qua những bờ trong trắng sau chiến tranh
Những ngôi nhà như tinh thể kết bất ngờ trong hạnh phúc
Định hình tất cả niềm vui và sự thật
Bằng gỗ, bằng vôi và giấc mơ ngày lên đường
Những ngôi nhà thành phố tuổi thơ tôi
Vẫn là những ngôi nhà quen thuộc từ thuở ấu thơ nhưng trong hạnh phúc của chiến thắng, tác giả không khỏi ngỡ ngàng.
Những ngôi nhà như tinh thể kết bất ngờ trong hạnh phúc. Như là trong một câu chuyện thần thoại. Những ngôi nhà là kết hợp cả vật thể và phi vật thể , giữa hiện thực và mơ ước, khát vọng.
Những ngôi nhà giờ đây đã được định hình tất cả niềm vui và sự thật. Bằng gỗ, bằng vôi và giấc mơ ngày lên đường. Tác giả chỉ nhắc lại như thoáng qua: giấc mơ ngày lên đường, nhưng phía sau điều ngỡ như đơn giản này là cả một hành trình dài đến mấy mươi năm, đến cả thế kỷ của toàn dân tộc. Trong một bài thơ khác, Nguyễn Khoa Điềm đã nói rõ hơn về giấc mơ ngày lên đường không của riêng nhà thơ mà là của hàng triệu người, điều mà mỗi chúng ta tâm niệm đến trọn đời, đó là cuộc hành trình đi tới tự do .
Đoạn hai của bài thơ là sự đan xen không ngừng trong tình cảm tác giả những hồi ức của quá khứ và những cảm xúc, những ấn tượng của hiện tại
Bạn đi cùng tôi trên vỉa hè rạn vỡ
- Đây là những gì chúng ta đã sống và đã chết
Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó
- Đây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca
Những hàng phượng mang nắng từ trên vai thành phố
- Đây là những gì giúp ta cao hơn một tầm nhìn
Một người mẹ gánh nặng trở về
- Đây là những gì chúng ta mang mẻ và hy vọng
Tác giả như là nhắc lại với bạn, lại như là tự thầm nhủ với lòng mình. Một vỉa hè rạn vỡ. Một người con gái áo trắng. Một hàng phượng mang nắng. Một người mẹ gánh nặng trở về...
Những gì như chợt đến trên đường, như rất tình cờ, rất ngẫu nhiên, nhưng cả thiên nhiên và con người, trong ngày vui đều trở nên như là tượng trưng, điển hình cho thành phố quê hương, cho tình yêu, cho hy vọng.
Có một từ chúng ta ít gặp, cũng không thấy trong từ điển, có lẽ là một phương ngữ quê hương tác giả, từ mang mẻ. Song trong câu thơ của tác giả ta vẫn cảm được. Có lẽ là một sự hàm ơn, được chở che, như một bóng mát bao dung, an ủi, tin tưởng...
Nguyễn Khoa Điềm thường sử dụng những từ ngữ thông thường, giản dị, phổ thông trong thơ mình. Nhưng đôi lúc anh đưa vào câu thơ một phương ngữ quê hương anh, ta thoáng lạ lẫm nhưng sau đó bao giờ ta cũng cảm được. Và đó là những từ rất gợi, rất giàu sức biểu cảm. Ta nhớ lại, như từ thương khó, một từ rất Huế trong Những bài thơ tình viết trong chiến tranh:
Anh vẫn còn đi trong rừng
Thương khó với nhân dân...
Trên đường mở ra một cảm hứng rộng lớn về những ngày đang tới:
Bạn ơi
Bạn nghe tiếng trở mình của thành phố thân yêu
Mây trắng chất ngất và lòng ta đầy dự tưởng
Cả thiên nhiên cả hồn người thoáng một niềm ngây ngất.
Nhưng tác giả vốn là một người hành động, cái nhìn dù lãng mạn đến đâu vẫn không bao giờ tách rời hiện thực cuộc sống, những biện chứng phức tạp của hiện thực. Lòng tác giả vẫn không ngừng hướng trở lại với hai câu thơ này:
Những em bé nhặt lá khô bên lề đường
Anh bộ đội vụng về sau ngày đánh giặc...
Vâng, làm sao chúng ta quên được những bé thơ một thời gian khó ấy phải gom từng nắm lá khô làm chất đốt cho những căn bếp nghèo.
Làm sao chúng ta quên được những chiến sĩ quân giải phóng, ra đi từ những đồng ruộng lam lũ vất vả, ngày khải hoàn trở về thăm quê hương trên những xe tải quân sự còn phủ đầy bụi đất, chỉ mang theo chiếc khung xe đạp và con búp bê nhựa ngây ngô, thô sơ sản xuất thủ công để làm quà cho những người thân yêu của mình.
Một cuộc sống mới, một tương lai mới sẽ bắt đầu, nhưng là bắt đầu từ vô vàn khó khăn, từ những mồ hôi nước mắt và có lẽ là cả máu nữa của những ngày sau chiến tranh, đầy phấn đấu lao lực.
Trong rất nhiều niềm vui của ngày toàn thắng không khỏi thoáng lên nhưng nhói lòng.
Nhà thơ của chúng ta đã không sao quên được thân phận của những đồng chí, đồng đội, đồng bào... Trong những bước đi rất lớn của thời đại, đôi khi người ta không khỏi dễ dàng quên đi nhưng thân phận riêng lẻ của con người.
Pablo Neruda có câu thơ: Tôi không sao xa lòng tôi khỏi những nỗi đau thương. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm ta cũng luôn bắt gặp những tình cảm băn khoăn trăn trở.
Trong một lần trò chuyện gần đây, nhà thơ đã nhắc lại điều này, như một day dứt, ám ảnh không nguôi... Chúng ta phải hết sức quan tâm đến thân phận con người, con người được sống trong môi trường xã hội như thế nào... Họ có được giải quyết công ăn việc làm, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân được giải phóng thật sự không? Nếu chúng ta không chăm lo cho thân phận địa vi của họ thì thật khó xây dựng diện mạo tinh thần. Bởi vì một người đang thất nghiệp, một người bị o ép thì làm sao họ có được diện mạo tinh thần đầy đủ...
Những lời ngỡ như không có gì gần gũi với nghệ thuật thơ ca nay lại chính là điểm cắt nghĩa chủ yếu cho những gì ta thường gặp trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, những gì làm nên mối đồng cảm của nhiều thế hệ người đọc với thơ anh.
Những dòng kết bài thơ...
Đằng sau buổi chia ly, đằng sau lần gặp mặt
Tâm hồn ta như cánh rừng xa khuất
Lại xanh màu và mãi âm vang...
Không dễ cắt nghĩa hết những điều tác giả muốn gửi gắm. Sự hồi niệm những thử thách đã qua của cuộc chiến tranh giải phóng. Những thử thách khốc liệt nhưng đồng thời cũng đã tạo nên toàn bộ con người, toàn bộ phẩm cách và có lẽ cả tài năng của nhà thơ nữa. Như những cánh rừng, như màu xanh và âm vang của những cánh rừng... Tất cả sẽ còn mãi mãi...
Viết về niềm vui những ngày toàn thắng mùa xuân 1975, ta đã được đọc từ rất nhiều sáng tác của nhiều thế hệ nhà thơ. Có thể là những trang thơ mang niềm vui cuồng nhiệt. Có thể là những ngoái nhìn lại đau xót trước những hy sinh mất mát. Nhưng Trên đường của Nguyễn Khoa Điềm vẫn mang một dấu ấn riêng của phong cách thơ anh, của tâm hồn anh. Đó là sự lắng lại, sự điềm tĩnh và một cái nhìn bao giờ cũng hướng về xa, mang những dự cảm.
Và với một tính hiện đại trong tư duy, trong bút pháp, trong ngôn ngữ, xuất phát từ một tâm thế luôn gắn chặt với thời đại, với lý tưởng xã hội, lý tưởng sống của nhà thơ. Chính vì thế, giờ đây đọc lại Trên đường, sau gần ba mươi năm ta vẫn cảm thấy những rung động gần gũi với tâm hồn ta...
Tháng 4-2004