Ðường đua Hanoi Super Karting nằm khiêm tốn bên phải lối vào Công viên Yên Sở nhưng tiếng động cơ của những chiếc xe kart gây ấn tượng hơn cả với bất cứ ai lần đầu đến đây. Thứ âm thanh đó tuy không giống với tiếng động cơ của một chiếc xe F1, nếu không muốn nói còn kém xa những chiếc xe máy độ pô hay xoáy nòng thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp trên đường phố Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhưng cường độ âm thanh của tiếng pô phát ra vẫn rất mạnh, đầy uy lực. Thậm chí, nếu đi từ ngoài đường quốc lộ 1A mới chỉ thấy thấp thoáng khu vực đường đua và những tấm biển quảng cáo thì chỉ cần bước qua cổng công viên thôi, tiếng động cơ của những chiếc xe kart như thôi thúc tất cả phải rảo chân nhanh hơn.
Đường đua F1 thu nhỏ
Thực tế thì trước khi tôi bước vào khu vực đường đua, thứ âm thanh sôi động mà tôi nghe thấy được phát ra từ những chiếc xe kart mà ba anh bạn người nước ngoài đang lái. Người bán vé tại đây cho biết, họ mua vé cả một giờ để đua với nhau. Theo dõi qua thì hẳn cả ba người chắc đã đua ở đây nhiều lần bởi cái cách họ xử lý xe rất kỹ thuật và có thể đạp lún chân ga để đẩy vận tốc xe lên đến 50 - 60 km/giờ, thay vì chỉ 40 - 45 km/giờ như những người điều khiển xe của Việt Nam mà tôi thấy sau đó.
Như hiểu được suy nghĩ của tôi, ông Lê Việt Thắng, chủ đường đua Hanoi Super Karting cho biết, ngoài những bạn trẻ Việt Nam, khách nước ngoài tham gia chạy xe kart rất nhiều. Trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở Việt Nam, khách nước ngoài phần lớn là những người đang làm cho các cơ quan, tổ chức và thậm chí là các đại sứ quán tại Hà Nội. Ðược biết, xe kart hay go-kart bắt nguồn từ Mỹ và rất được ưa chuộng ở châu Âu, đặc biệt là tại Anh và Ðức.
“Cha đẻ” của xe kart là Art Ingels. Vốn là một tay đua kỳ cựu và là một thợ chế tạo xe đua tại công ty Kurtis Kraft, ông Ingels đã chế tạo chiếc xe kart đầu tiên ở Nam California (Mỹ) vào năm 1956. Các sự kiện đua xe kart cũng sớm được tổ chức tại bãi đậu xe của sân vận động Rose Bowl. Rất nhanh, đua xe kart lan rộng sang các quốc gia khác và hiện có một lượng lớn người theo dõi ở châu Âu. Năm 1962, Ủy ban đua xe kart quốc tế (CIK) thuộc Liên đoàn ô-tô quốc tế (FIA) được thành lập và hai năm sau, giải đua xe kart thế giới được tổ chức hằng năm.
Ðiều đáng nói là xe kart được xem như loại xe nhập môn của các tay đua F1. Chính xác thì đua xe kart là bước đệm để lên các cấp bậc cao hơn của môn đua xe thể thao, khi nhiều tay đua F1 trước đây và hiện tại như Sebastian Vettel, Nico Rosberg, Ayrton Senna, Lewis Hamilton, Michael Schumacher, Kimi Raikkonen và Fernando Alonso, đều bắt đầu sự nghiệp của họ bằng xe kart.
Những chiếc xe kart này có các tốc độ khác nhau và một số (được gọi là siêu xe kart) có thể đạt tốc độ hơn 160 km/giờ. Ở đây, tôi chỉ nói đến xe kart đua dành cho giải trí với tốc độ bị giới hạn ở mức thấp hơn, khoảng 40-50 km/giờ, nhằm bảo đảm an toàn cho người chơi.
Ðó là một chiếc xe nhỏ bốn bánh với thiết kế trần và thuần cơ khí, nghĩa là không được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến nào về hệ thống lái, giảm xóc, động cơ hay khí động học. Nếu so với một chiếc xe F1 trị giá hàng triệu USD hội tụ mọi tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công nghệ chế tạo xe thì xe kart đơn giản nhất có thể với giá hơn 20 triệu đồng được nhập từ nước ngoài. Ðúng hơn thì động cơ, bánh xe là một nửa quan trọng nhất của chiếc xe, nửa còn lại là người điều khiển. Cũng chính vì thế mà dù nhiều người đã biết lái ô-tô trước khi trải nghiệm xe kart, nó vẫn mang lại cho người điều khiển những trải nghiệm chân thực nhất trong xử lý tình huống hay kiểm soát tốc độ. Về động cơ, xe kart giải trí sử dụng động cơ bốn thì hoặc động cơ điện, trong khi xe kart đua sử dụng động cơ bốn thì hoặc hai thì nhỏ. Theo ông Thắng, với chi phí sử dụng thấp và dễ bảo dưỡng, các đường đua tại Hà Nội nói chung và Việt Nam (như tại Bình Dương), đều sử dụng động cơ bốn thì, dung tích 210 phân khối (cm3), công suất khoảng 10 mã lực và xe sẽ khởi động bằng cách giật nổ, giống như cách khởi động máy cắt cỏ hay máy phát điện.
Bánh xe và lốp của xe kart đều nhỏ hơn bánh xe và lốp trên một chiếc ô-tô thông thường. Bánh xe được làm bằng hợp kim ma-giê, nhôm hoặc vật liệu composite, trong khi lốp xe cũng giống như các xe đua tốc độ khác là có những loại lốp khác nhau để phù hợp điều kiện đường đua. Chẳng hạn như lốp trơn chạy khi đường khô, lốp có gai chạy khi đường trơn và ở Việt Nam, xe kart sử dụng lốp trơn của thương hiệu Sobek.
Một điều nữa là do xe kart không có hộp số nên nếu muốn xe di chuyển, người lái phải đạp cần ga bên phải để di chuyển về phía trước và dừng lại bằng cách đạp cần phanh bên trái. Vì thế, trong trường hợp đâm vào rào chắn, họ sẽ phải có sự trợ giúp của nhân viên để kéo lùi chiếc xe nặng khoảng 160 kg trở vào đường đua và khởi động lại động cơ nếu cần. Tuy nhiên, do thiết kế trọng tâm thấp, xe kart sẽ không bị lật khi vào cua ở tốc độ cao hoặc chỉ bị xoay tròn.

Người đầu tiên đưa xe kart về Việt Nam
So với những đường đua ở Hà Nội như Go Kart Hanoi tại Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì hay Go Kart Việt Nam tại Khu sinh thái Ðầm Trành, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, đường đua Hanoi Super Karting mới được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2021. Xuất phát muộn hơn rồi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội cạnh tranh của Hanoi Super Karting. Bù lại, lợi thế của đường đua ở Công viên Yên Sở không chỉ là gần trung tâm, nằm ở khu vực có khung cảnh đẹp, ngay bên một hồ nước rộng, nhiều cây xanh, bãi cỏ rộng mà còn vì đường đua được thiết kế rất đặc biệt. Tuy chỉ dài 530 m nhưng đường đua có 5 khúc cua trải từ cao xuống thấp theo địa hình của khu đất, thay vì bằng phẳng như những đường đua khác.
Chưa hết, thật tình cờ là tôi đã phát hiện ra một chi tiết thú vị để có thể xem ông Thắng chính là người đầu tiên đưa xe kart về Việt Nam. Nói vậy vì trên tờ Timeout số tháng 8/1997 có một bài viết với tiêu đề “Go kart go”, trong đó nói rõ ông Thắng từng học một khóa huấn luyện bay ở Sydney, Australia năm 1993. Thế rồi vào một ngày rảnh rỗi, huấn luyện viên bay đưa ông đến một đường đua xe kart và ông Thắng đã rất bất ngờ với những gì được thấy lần đầu. Từ bất ngờ đến thấy thú vị, say mê, ông Thắng đã tìm một nhà cung cấp ở Melbourne và nhập khẩu 12 xe kart Wild Thing 160cc. Sau đó, ông xây dựng một đường đua mini trải bê-tông ở Hà Nội. Mặc dù trung tâm chỉ mở cửa được hai tuần nhưng đã thu hút rất đông người xem, người chơi, thậm chí cả những tay cá cược. Ðối với nhiều tay lái, đó là lần đầu tiên họ ngồi trên một chiếc xe đua bốn bánh và chạy trên một đường đua được thiết kế riêng. Theo bài viết “Go kart go” thì chỉ cần 30.000 đồng, người chơi đã có thể chạy thử trong 10 phút.
So với mức giá khá thấp 100.000 đến 200.000 đồng trong 15 phút tùy theo ngày trong tuần như hiện nay và cơ sở vật chất khá đầy đủ như khu vực ngồi nghỉ, dịch vụ ăn uống, nhà vệ sinh, khu vực kỹ thuật và thậm chí có cả khu vực dành để cắm trại ở Hanoi Super Karting, có thể thấy ông Thắng dường như vẫn theo đuổi xe kart vì niềm đam mê gần 30 năm qua hơn là chỉ vì tiền bạc. Người đàn ông sinh năm 1969 này không nói ra điều đó nhưng trong những tâm sự của ông, tôi cho rằng, chẳng ai mạo hiểm làm vậy nếu số tiền bỏ ra có thể giúp ông giàu hơn khi đầu tư vào bất động sản hoặc chỉ đơn giản ông vẫn quyết tâm hành động theo suy nghĩ của mình dù hai cậu con trai khuyên ông nên từ bỏ tất cả. Chẳng thế mà giữa những ngày đi xa theo lịch bay của một cơ trưởng của Vietnam Airlines (một cậu con trai cũng là cơ trưởng, một cậu con trai là cơ phó), ông luôn có mặt ở Hanoi Super Karting mỗi khi trở lại Hà Nội. Và cũng không còn những chuyến phượt bằng mô-tô phân khối lớn với bạn bè như trước, giờ chỉ có tiếng động cơ, những khúc cua, những cú va đập, tiếng gọi loa bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh trên đường đua..., tất cả như đều gợi lại trong ông về lần đầu tiên được thấy những chiếc xe kart ở Sydney, về một quãng thời gian dài ông không thể hoàn thành ước mơ dang dở là xây dựng một đường đua sau thất bại với Indoor Go-Kart Centre tại Công viên Tuổi trẻ, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) suốt 24 năm qua.
Vì thế, với một người đam mê tốc độ cả “trên trời, dưới đất” như ông Thắng, cũng thật tiếc khi giải đua F1 không thể diễn ra ở Hà Nội như kế hoạch ban đầu trong năm 2020. Nếu có, còn gì tuyệt vời hơn nếu một trong những tay đua như Hamilton, Vettel, Raikkonen hay Alonso có mặt tại Hanoi Super Karting và ngồi sau vô-lăng của chiếc xe kart quen thuộc mà họ từng đua hồi trẻ. Tôi hỏi ông, nếu ở trường đua Ðại Nam (Bình Dương) từng tổ chức giải đua Go-Kart chuyên nghiệp từ năm 2020 thì tại sao Hà Nội không có một giải đua tương tự, dù chỉ trong phạm vi một trung tâm hay giữa các trung tâm với nhau. Ông trả lời ngay rằng, hãy cứ để người chơi thỏa mãn đam mê và cơn khát tốc độ thay vì nghĩ đến chuyện thắng thua, giải thưởng.
Khi ngồi xem những người chơi đang say mê đua trên chiếc xe kart, tôi cũng chợt nhớ lại lời nói nhiệt thành của ông Thắng, “đua xe kart không chỉ là một môn thể thao mà còn giúp người lái xả stress sau những ngày làm việc mệt mỏi, tăng cảm xúc vui vẻ, thoải mái khi đang nhàm chán, cũng như giúp họ có thể đưa ra những quyết định nhanh, chính xác trong cuộc sống như ở mỗi pha xử lý tình huống, ở từng khúc cua”. Có lẽ là thế nhưng tôi chắc ông cũng hy vọng trong tương lai, F1 hay một giải đua xe kart có thể diễn ra ở Hà Nội, không chỉ để quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn thúc đẩy môn thể thao này phát triển hơn nữa.