Pù Luông theo tiếng dân tộc Thái là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Đó cũng là tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên rộng hơn 17 nghìn héc-ta ở huyện Bá Thước (phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa), nơi có cảnh quan hùng vĩ với những triền núi xanh ngút ngàn. Len lỏi khắp nơi là những con suối thơ mộng mùa khô nhưng cũng dữ dội mùa lũ. Bình nguyên xanh thẳm bao lấy những thửa ruộng bậc thang, mà mùa lúa chín như được dát vàng giữa điệp trùng mầu diệp lục. Có nhiều cách đến Pù Luông, nhưng chúng tôi chọn hướng đi hồ Ba Khan (Mai Châu, Hòa Bình), về thác Mây (Thạch Thành, Thanh Hóa). Cung đường dẫn dắt du khách qua nhiều cung bậc cảm xúc, khi tận hưởng vẻ hoang dã của thiên nhiên và những trải nghiệm chinh phục chính mình. Chọn cung đường này để được chiêm ngưỡng vẻ hoàn mỹ của hồ Ba Khan - cửa ngõ vào Pù Luông, lúc mặt trời chưa ló rạng. Một vùng mây nước quyện hòa dưới chân đèo Thung Khe, xanh lịm mầu lục thủy. Được mệnh danh là Hạ Long trên cạn, Ba Khan thu hút tầm ngắm ở mọi góc nhìn.
Len lỏi theo những con đường vắt vẻo quanh sườn núi, nơi chúng tôi dừng chân là ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái tại bản Nủa, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Theo anh trưởng đoàn, người có “thâm niên” đi du lịch “phủi” thì từ đây có thể khám phá nhiều địa danh khác trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bản Nủa về chiều bình yên trong làn khói bay lên từ những mái nhà sàn. Những đứa trẻ chân trần chạy tung tăng trên những thửa ruộng qua mùa gặt còn trơ gốc rạ. Nhìn cảnh yên bình ấy khó có thể tưởng tượng nổi sức tàn phá của cơn lũ cách đây hơn một tháng. Dấu vết sau khi lũ đi qua vẫn còn nguyên trên những vạt núi bị khoét sâu, những đống cây que từ thượng nguồn dồn về con suối cạn…
Thết du khách bằng món đặc sản bản địa vịt Cổ Lũng, anh chủ nhà Hà Văn Minh hào hứng giới thiệu, đến đây mà chưa ăn vịt Cổ Lũng coi như chưa đến. Theo anh, điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa. Vì là giống vịt quý, nên vịt Cổ Lũng được huyện Bá Thước đưa vào kế hoạch bảo tồn và phát triển đàn. Đây cũng là giống vật nuôi giúp người dân bản địa thoát nghèo. Không ít gia đình trong vùng đã giàu lên nhờ nuôi thành công giống vịt quý hiếm. Không biết có phải vì nghe chủ nhà khéo quảng cáo không mà ai nấy trong đoàn đều tấm tắc khen ngon.
Sau bữa cơm chiều đầm ấm với du khách, anh Minh giục vợ nhanh đi trang điểm để cùng đội văn nghệ biểu diễn giao lưu với đoàn. Trong ánh lửa bập bùng được nhóm lên trên bãi đất trống, đội văn nghệ bản Nủa súng sính váy áo biểu diễn những làn điệu đặc sắc của người dân bản địa. Chị chủ nhà Hà Thị Lương, cũng là đội trưởng đội văn nghệ như hóa thân vào điệu múa, khiến không ít du khách ngỡ ngàng. Họ đều là những chị em người Thái vừa nãy thôi còn bận rộn với ruộng nương, giờ đã hát hay múa dẻo chẳng khác gì văn công. Đêm giao lưu như vừa mang hơi ấm miền xuôi lên núi rừng, vừa chia tình cảm núi rừng với du khách khiến sự kết nối gần hơn, không hề có khoảng cách. Người dân kéo đến tham gia và cổ vũ ngày một đông, làm rộn ràng đêm bản nhỏ.
Phiên chợ vùng cao Phố Đoàn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa).
Sớm hôm sau, anh chủ nhà, vừa là Bí thư Chi bộ bản vừa như đại sứ du lịch của Pù Luông giới thiệu với đoàn những điểm khám phá. Quanh vùng có nhiều nơi hấp dẫn như bản Kho Mường, điểm xuất phát lý tưởng cho những chuyến đi bộ xuyên Pù Luông và chinh phục đỉnh cao 1.700 m. Kho Mường hút khách bởi thiên nhiên hoang dã và hang động nhũ đá kỳ bí. Tuy nhiên, sau những trận mưa lũ vừa qua, đường vào Kho Mường còn rất nhiều trở ngại. Theo gợi ý của anh, chúng tôi chọn hướng lên núi, tới: Son, Bá, Mười - ba bản cheo leo trên điểm cao nhất của xã Lũng Cao, sau đó quay về bản Hiêu ở xã Cổ Lũng. Chúng tôi lên đường đầy hào hứng trên những chiếc xe máy thuê của dân bản. Dù đã được cảnh báo trước, nhưng có lẽ độ nguy hiểm của cung đường này đã nằm ngoài sức tưởng tượng của cả đoàn. Chưa tới 20 km từ bản Nủa sang Son, Bá, Mười, đây thật sự là cung đường thách thức ngay cả với những tay lái cừ khôi. Những vòng cua tay áo nhỏ, ngắn, liên tục, độ dốc hơn 10%, một bên cheo leo vách núi, bên kia thăm thẳm vực sâu và luôn bị khuất tầm quan sát. Nhiều đoạn đường gồ ghề, bị sạt lở đến phân nửa, che chắn tạm bằng mấy cái cọc tre. Những khối đất đá mới được dọn tạm chắn giữa lối đi cũng gây trở ngại lớn. Người lái chỉ mất tập trung một chút thôi cũng dễ xảy ra rủi ro nguy hiểm. Cả đoàn ì ạch leo ngược những ngọn núi. Tới một điểm cao, bất ngờ có luồng gió thốc trực diện, chúng tôi chợt nhận ra là đã lên tới đích. Xa xa, những mái nhà sàn thâm xám xen giữa lùm xanh, cho biết đã tới Son, Bá, Mười. Trong điệp trùng núi cao, lọt thỏm là thung lũng nhấp nhô đá tai mèo. Những mỏm đá nhọn hoắt như được “trồng” giữa khoảng đất bằng phẳng, hay những vạt trúc xanh rì tạo cảnh quan đặc sắc cho những tay máy quay phim, chụp ảnh thỏa sức sáng tạo. Theo người dân bản địa, nơi đây khí hậu khắc nghiệt nhưng có khá đông người dân tộc Thái, Mường quần tụ, sinh sống. Điều kiện địa lý, khí hậu tiềm ẩn khả năng khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Một số giống cam, quýt được mang từ Hòa Bình sang trồng thử nghiệm cũng cho kết quả tốt.
Điều khá thú vị là tên bản ở đây phần lớn chỉ có một chữ, như Nủa, Kịt, Đốc, Am, Hiêu… Con đường đến bản Hiêu không phải leo ngược núi, nhưng xóc như phi ngựa và bù lại thi thoảng gặp những cọn nước rêu phong chầm chậm quay. Những ngôi nhà sàn của bản nằm rải rác hai bên con suối Hiêu, từ thung lũng lên tới thượng nguồn, nơi chân dãy núi có tên gọi nôm na là núi Hiêu. Suối Hiêu mùa cạn nước không “khoe” được hết vẻ kiêu hùng nhưng đủ để du khách có những khung hình lãng mạn.
Trên khu đồi cao tại bản Bá, chị Lê Thị Hồng đang cùng nhóm thợ xây cất ngôi nhà sử dụng làm du lịch cộng đồng. Bên bếp than rực lửa, chủ và khách như đã quen thân từ lâu, chia nhau những bắp ngô nướng thơm lừng để bớt cái lạnh. Chị tâm sự, khi quyết định rời Bỉm Sơn (Thanh Hóa) lên đây lập nghiệp, chị bị gia đình phản đối quyết liệt. Nhưng người phụ nữ 49 tuổi này như cảm được cái duyên đưa chị lên vùng đất khắc nghiệt, để rồi từ đây chị sẽ gắn bó lâu dài. Được vợ chồng anh Minh, chị Lương giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, chị quyết định đầu tư làm du lịch cộng đồng. Chị mong muốn cùng du khách và người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn, giữ gìn hệ sinh thái và môi trường chung quanh, để mỗi người dân đều trở thành một đại sứ của núi rừng Pù Luông.
Là người đầu tiên triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở bản Nủa, chị Hà Thị Lương đã khá thành công trong tám năm qua. Chị kể, cái duyên bắt đầu khi bà Ga-vi, chuyên gia của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chọn ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Thái của anh chị để lưu trú trong thời gian khảo sát thực địa quanh vùng. Bà đã hướng dẫn chị cách làm du lịch, giới thiệu đi học tiếng Anh, lên thực đơn phục vụ du khách theo khẩu vị của từng đối tượng. Chị được cùng các chuyên gia khám phá núi rừng Pù Luông, hiểu thêm những giá trị văn hóa, ẩm thực, tài nguyên ở ngay cộng đồng mà trước đây chị chưa từng biết đến hoặc ít quan tâm… Du khách tới đều đặn và góp phần thay đổi cuộc sống của gia đình chị cũng như người dân trong bản. Mùa lúa chín hay mùa khô trong năm, có tháng gia đình chị thu nhập gần 30 triệu đồng. Người trong bản ý thức hơn việc bảo tồn những giá trị văn hóa, sản vật đặc sắc bản địa, cũng như giữ gìn môi trường xanh, sạch. Mô hình này dần được mở rộng và có sự liên kết giữa các bản cũng như hợp tác của các công ty du lịch, góp phần thay đổi bản làng, nâng cao đời sống của người dân. Chị Lương mong ước sẽ cùng chị em trong bản khôi phục nghề dệt truyền thống của phụ nữ Thái. Chợ phố Đoàn được họp đều đặn thứ năm và chủ nhật hằng tuần, nơi bà con quanh vùng trao đổi sản vật nuôi trồng được. Đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn là nhu cầu tinh thần của người dân miền sơn cước.
Sẽ là thiếu hoàn hảo nếu trên đường trở về thành phố không trải nghiệm chinh phục thác Mây ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, để được nghe những truyền thuyết tình yêu. Vượt qua hơn 10 km đường “sống trâu”, từ Km 100 đường Hồ Chí Minh, du khách được đền đáp bằng cảm giác mãn nhãn khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa. Thác Mây còn được người bản địa gọi là Thác chín tầng, tựa theo chín bậc thang lên nhà sàn - chín bậc tình yêu của người dân tộc Thái.
Thác Mây (Thạch Thành, Thanh Hóa) mùa cạn nước vẫn thu hút khách tham quan.
Bản quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Son, Bá, Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước đã hình thành. Mục đích là tạo ra khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu văn hóa cộng đồng dân tộc Thái đen, nằm trong tổng thể du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, dự kiến sức chứa hơn 300 du khách/ngày, tạo ra nhiều việc làm cho người dân quanh vùng. Chắc chắn đây là điều đồng bào các dân tộc nơi đây mong chờ, nhưng cũng tiềm ẩn nỗi lo giữa bảo tồn và phát triển. Làm sao để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân bản địa mà vẫn giữ được nguyên trạng tài nguyên nước, rừng, cùng các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng nơi thượng nguồn sông Mã.