Thời gian chính trong ngày làm việc của Phó Tổng Giám đốc Phụ trách điều hành Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị Hồ Nghĩa An là có mặt tại từng đơn vị sản xuất trong công ty để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng; cũng như động viên, chia sẻ, ghi nhận sáng kiến làm việc, khuyến khích người lao động dồn tâm lực cho công việc.
Ông Hồ Nghĩa An chia sẻ, năm 2023 là một năm thị trường luôn biến động với vô vàn khó khăn, thách thức, nhưng công ty luôn duy trì sản xuất hết công suất, trước hết nhằm giải quyết việc làm ổn định cho hơn 400 lao động, không một ai bị mất việc làm, vì bên cạnh người lao động của công ty là gia đình, người thân, họ rất cần người chồng, người cha của mình có việc làm ổn định, được lĩnh lương đúng định kỳ để ổn định cuộc sống. Vì vậy, hơn ai hết, công ty luôn thấu hiểu, chia sẻ với người lao động để họ yên tâm làm việc với một tinh thần ổn định nhất, cùng công ty làm ra những sản phẩm chất lượng.
Công nhân chuyển sản phẩm gỗ vừa sản xuất đến địa điểm giao khách hàng. |
Anh Lâm Hoàng, làm việc ở bộ phận sản xuất pallet cho biết, không chỉ mình anh, nhiều lao động của công ty hiểu được sự khó khăn của thị trường, sự chia sẻ, đồng hành của công ty với người lao động nên đã đoàn kết cùng nhau làm việc hết năng suất để bảo đảm cho từng sản phẩm của công ty luôn đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Vì vậy khí thế làm việc của công nhân lao động luôn vui vẻ, đoàn kết, tin tưởng nhau.
Theo lãnh đạo công ty, thị trường tiêu thụ sản phẩm ván gỗ của công ty có phân khúc xuất khẩu trực tiếp 20%, nội địa chiếm 80% tập trung chủ yếu tại thị trường các tỉnh, thành miền bắc và miền nam, thị trường miền trung chỉ 10%. Thời gian đến, công ty có kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ xuất khẩu trực tiếp lên 30-40%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của ngành gỗ. Tất cả các đơn hàng xuất khẩu, cuối năm 2022 và đầu năm 2023 bị chững lại, không xuất được, 70% doanh nghiệp trong ngành gỗ ngừng hoạt động, thì Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm ổn định cho lao động là sự cố gắng không phải đơn vị nào cũng làm được. Đến 31/11/2023, công ty sản xuất được hơn 164.000 m3. Thời gian của năm còn lại chỉ một tháng nên công ty đang phấn đấu sản xuất để đạt kết quả cao nhất.
Công ty có mục tiêu phát triển rõ ràng là kinh tế song hành với với bảo vệ môi trường, chú trọng đến môi trường cho người tiêu dùng, sản xuất sản phẩm an toàn, thân thiện. Công ty đang hướng tới sản xuất những dòng sản phẩm ván gỗ sạch, an toàn, không độc hại như MDF Carb P2, HDF Carb P2, MDF JIS để thay thế dần MDF E2; đồng thời, phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho xuất khẩu tại các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu...
Để đạt được mục tiêu ý nghĩa này, công ty tiếp tục đầu tư thêm một số công đoạn trong sản xuất nhằm tự động hóa đồng bộ dây chuyền, duy trì năng suất lao động và hoàn thiện tự động hóa trong khâu đóng kiện, tự động hóa một phần trong sản xuất keo thay thế cho việc sản xuất thủ công như hiện nay; hoàn thiện hơn nữa hệ thống chà bóng để theo kịp với tăng công suất chính của dây chuyền.
Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị là doanh nghiệp nổi bật của ngành chế biến gỗ không chỉ ở Quảng Trị mà còn có vị thế trong ngành chế biến gỗ cả nước. Thời gian qua, ngành chế biến gỗ của tỉnh Quảng Trị có nhiều thay đổi mạnh mẽ, phát triển về số và chất lượng, công suất thiết kế các nhà máy được mở rộng và quan tâm đầu tư nhiều hơn nên sản xuất sản phẩm gỗ đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt đề án “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2025”, với mục tiêu chung đưa chế biến gỗ trở thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đóng góp lớn trong cơ cấu phát triển công nghiệp của tỉnh; có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp tỉ trọng lớn vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Rất quan tâm đến công nghiệp chế biến gỗ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, cùng với các mục tiêu trọng điểm khác, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025 xác định phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến gỗ của miền trung vào năm 2025.
Mục tiêu chung là thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đóng góp lớn trong cơ cấu phát triển công nghiệp; có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm; tạo việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 6000 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 120 triệu USD.
Thời gian qua, tỉnh luôn hướng các doanh nghiệp chế biến gỗ chủ động tham gia thị trường carbon tự nguyện, góp phần huy động đầu tư xanh; thúc đẩy lĩnh vực chế biến gỗ chuyển đổi theo hướng phát thải thấp cũng như khuyến khích tiêu dùng thân thiện môi trường, mà Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị là doanh nghiệp luôn hưởng ứng đi đầu và hiệu quả trong thực hiện.
Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị được biểu dương là đơn vị nộp thuế tiêu biểu trên địa bàn. |
Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, trở thành nhà máy chế biến gỗ hàng đầu Việt Nam; cũng như kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị để xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp từ gỗ rừng trồng nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho nguồn nguyên liệu gỗ của tỉnh.
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từng bước giải quyết việc làm, tăng thu nhập cao hơn nữa cho nhiều người lao động, để họ yên tâm sống được với nghề trồng rừng, chế biến gỗ. Để chủ động nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ của tỉnh, mỗi năm tỉnh tập trung trồng mới hơn 7.000 ha rừng sản xuất và hơn 1.000 ha rừng phòng hộ theo tiêu chí quản lý bền vững. Phấn đấu để vùng nguyên liệu chế biến sản phẩm gỗ được cấp chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng FSC ngày càng nhiều hơn, sản phẩm làm ra được đánh giá cao, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài đón nhận.