Trong Từ điển triết gia thế giới, mục từ tên ông chiếm gần hai trang. Nhưng có lẽ Trần Đức Thảo là nhà khoa học Việt Nam được biết đến ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước.
Nhà triết học hiếm hoi của Việt Nam được thế giới biết đến
Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917. Quê gốc của ông ở làng Song Tháp (nay thuộc xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) nhưng Trần Đức Thảo học tập và trưởng thành ở Hà Nội. Thân phụ ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục năm 1907, có công cải cách, mở mang làng Song Tháp và được nhân dân kính trọng.
Sau khi đỗ tú tài toán học, triết học và học năm đầu đại học Luật, năm 1936, Trần Đức Thảo sang Pháp học một năm dự bị rồi trở thành học sinh trường Cao đẳng Sư phạm danh tiếng ở phố Ulm. Cần phải nói thêm rằng dù là trường Cao đẳng nhưng đây là trường danh giá bậc nhất của nền giáo dục Pháp đường thời. Muốn thi vào đây phải học qua hai năm dự bị sau khi đỗ tú tài. Trong vài ngàn thí sinh trường chỉ chọn lấy vài chục người. Những người thi hỏng có thể chuyển ngay sang học năm thứ hai ở các trường đại học khác. Dòng thuyết minh sau tên tác giả sách hoặc bài viết: Cựu học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm được đánh giá cao hơn các bằng cấp khác.
Trong khi học triết học tại trường này, Trần Đức Thảo còn hoàn thành thêm một bằng đại học về giáo dục (trường coi đây là điều kiện để tốt nghiệp). Năm 1943, ông là thủ khoa thạc sĩ triết học (nhưng vì là người của xứ thuộc địa nên chỉ được nhận giải đồng thủ khoa).
Tạp chí Nghiên cứu Đông Dương đưa tin: “Một thạc sĩ mới người Bắc kỳ - Công báo ngày 28-8-1943 thông báo cho chúng ta biết thành công sáng chói của giới đại học với vị trí thứ 1 đồng hạng của ông Trần Đức Thảo trong kỳ thi triết học...”.
Cho đến những năm 50 của thế kỷ trước, Trần Đức Thảo là người ngoại quốc duy nhất thủ khoa thạc sĩ của trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm. Ông có quan hệ học thuật gắn bó với nhiều tên tuổi lớn trong giới triết học như Alexander Kojeve (người Pháp gốc Nga), Jean Paul Sartre (Pháp), Daniel J Herman (Anh), Robert Cohen (Mỹ), Vincent von Wroblewsky (Đức), Feruccio Rossi - Landy (Ý), Ubajenhi Lurektop (Liên Xô)... Trong số những người viết những dòng đánh giá cao Trần Đức Thảo còn có: Roger Gaurudy - cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, Ủy viên Bộ Chính trị, lý luận gia của Đảng Cộng sản Pháp, Andre’ Haudicuort - nhà ngôn ngữ học tài danh, Lucien Sève - nhà nhà triết học có tiếng của Pháp...
Tháng 6-2012, trường Cao đẳng Sư phạm phố D’Ulm đã tổ chức một Hội thảo hai ngày về Trần Đức Thảo và còn dự định tổ chức lần thứ hai trong năm 2013.
Ở Việt Nam, những học giả lớn đều trân trọng Trần Đức Thảo: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Phan Ngọc... Sinh thời, GS Trần Văn Giàu khi giảng cho sinh viên năm thứ nhất đã giới thiệu: “Muốn biết thế nào là triết học thi hãy đợi đến năm thứ hai để nghe thày Trần Đức Thảo, người đã đọc gần hết sách ở thư viện Paris...”.
Cũng có người đánh giá ông là người Việt Nam ưu tú thứ ba trên đất Pháp trong thế kỷ XX, sau Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Nhiều học giả coi ông là nhà triết học duy nhất (cho đến nay) của Việt Nam trên diễn đàn khoa học quốc tế. Với Chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo được đánh giá là người đã có công phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng thành chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. C. Marx là người “tạo dựng”. Trong triết học ông đã tạo nên một hệ thống tư duy tổng thể và tiếp thu cái mới, Trần Đức Thảo cũng là một triết gia “tạo dựng” theo nghĩa đó.
Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức, nghiên cứu sâu sắc Heghen, Husserl, Trần Đức Thảo để lại cho nhân loại khoảng 15 nghìn trang viết bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Đức. Những tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của ông là Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng; Tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức (tác phẩm được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Logic của cái hiện tại sống động. Nhưng để đọc và hiểu những gì Trần Đức Thảo viết phải tích lũy được những tri thức nhất định cần thiết (thông thạo tiếng Pháp (hoặc), tiếng Đức, am hiểu về môi trường xã hội và môi trường khoa học mà ông đã sống, hiểu biết về nhiều môn khoa học khác...) điều này không phải ai (ở Việt Nam) cũng đã đạt được.
Người trọn đời yêu quê hương đất nước
Trần Đức Thảo cũng giống nhiều thanh niên trí thức Việt Nam yêu nước khác quyết tâm học “để cho người Pháp biết rằng dân tộc Việt Nam mình cũng thông minh chẳng thua gì người Pháp”. Có một “thế hệ vàng” những trí thức ưu tú: Từ Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Hoàng Xuân Hãn đến Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa sau này. Thậm chí có người đã phải cảnh báo chính quyền Pháp “hãy coi chừng những người Việt Nam xuất chúng như thế” (!) với những trường hợp như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên.
Từ năm 1944, đang là Tùy viên nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Trần Đức Thảo đã trình bày tham luận về Xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương và tiếp xúc với Đảng Cộng sản Pháp. Sau ngày 2-9-1945, ông viết truyền đơn, họp báo ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Trả lời phỏng vấn của báo Le Monde: “Người Đông Dương sẽ làm gì để đón tiếp khi quân đội quân viễn chinh của Leclecre tới ?”, Trần Đức Thảo khẳng khái nói: “Phải nổ súng”. Câu nói này đã làm cho ông phải đi tù ba tháng vì tội “gây mất an ninh cho nước Pháp”. Trong tù, Trần Đức Thảo viết bài báo nổi tiếng Về Đông Dương (Sur L’ Indochine đăng trên tạp chí Les Tempers modernes) nêu rõ quyết tâm bảo vệ nền độc lập và phản đối thực dân Pháp trở lại Đông Dương. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp (1946) Trần Đức Thảo làm thư ký cho Người và xin được về nước nhưng đã “bị” khuyên ở lại thêm một thời gian. Hơn 5 năm sau đó ông tiếp tục phát triển sự nghiệp triết học của mình theo hướng macxit và viết nhiều bài kêu gọi kiều bào ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc. Khi ông vẫn còn ở Pháp, ngày 4-9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cử ông là ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục.
Năm 1951, Trần Đức Thảo rời Paris tìm đường qua London, Praha, Matxcova, Bắc Kinh về Tân Trào tham gia kháng chiến như một “hiện tượng cá biệt” trong giới trí thức khi đó. Sau năm 1954, ông khai sinh môn Lịch sử tư tưởng triết học ở Việt Nam và tiếp tục đề xuất những ý tưởng nền tảng cho việc phát triển giáo dục đại học nước nhà theo hướng khoa học, dân tộc và hiện đại để theo kịp thế giới, kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải coi trọng khoa học xã hội và nhân văn... Những ý tưởng này tới nay vẫn mang tính thời sự.
Không một lời phàn nàn dù gặp những tình huống khó khăn, nhiều học trò thấy thầy Trần Đức Thảo giữ một thái độ “im lặng hiền từ”. Ông không bao giờ “hối tiếc” quyết định về nước của mình. Qua đời âm thầm tại Paris ngày 24-4-1993, khi một tác phẩm lớn còn dang dở, mong muốn cuối cùng của ông là sẽ được an táng nơi quê cha đất tổ.