Cầu Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc và cầu Đồng Nai nằm trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, là ba điểm trọng yếu án ngữ cửa ngõ phía đông TP Sài Gòn, từ lâu luôn được Mỹ - ngụy canh phòng cẩn mật. Từ tháng 3-1975, các cánh quân của ta đang thẳng tiến hướng về Sài Gòn, nơi đặt các cơ quan đầu não chính quyền ngụy, địch vội vã tăng cường hệ thống phòng thủ bảo vệ ba chiếc cầu trên con đường huyết mạch dài 30 km này, đưa về đây gần 10.000 tên gồm đủ các sắc lính: thủy quân lục chiến, biệt động quân, bảo an và nhiều vũ khí hạng nặng, pháo, xe bọc thép, tàu, thuyền. Riêng cầu Rạch Chiếc, chúng tăng thêm hơn 400 quân, đưa số quân bảo vệ cầu lên gần 2.000 tên, xây thêm lô cốt, đặt nhiều ụ súng, bãi mìn, rào thêm dây thép gai và gài sẵn hai quả bom, sẵn sàng cho nổ tung phá cầu khi thất thủ, hòng cản bước tiến thần tốc của quân giải phóng vào trung tâm thành phố.
Ta phải đánh chiếm, khai thông ba cầu, nhất là cầu Rạch Chiếc, tạo nút chặn, ngăn không cho quân địch từ Tây Nguyên, miền trung và Đông Nam Bộ dồn về Sài Gòn "tử thủ". Chiếm cầu, thông đường là mở tung cánh cửa phía đông thành phố cho đại quân ta tiến vào. Nhiệm vụ quan trọng ấy được giao cho Lữ đoàn 316 đặc công, biệt động thực hiện. Đại tá Tống Viết Dương, Chỉ huy trưởng cánh đông Lữ đoàn 316 đặc công, kể lại: Nhận lệnh cấp trên, ngày 26-4, ba đơn vị: Tiểu đoàn D81, Z22 và Z23 thuộc Lữ đoàn nghiêm chỉnh chấp hành và sẵn sàng vào trận. Tối 27-4, nhanh chóng áp sát mục tiêu chờ đợi giờ G, và vào lúc 3 giờ sáng 28-4, gần 200 cán bộ, chiến sĩ ba đơn vị bất ngờ đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt địch, chiếm cầu, kịp thời tháo gỡ hai quả bom địch gài sẵn, không cho chúng phá cầu. 5 giờ sáng, địch phản kích quyết liệt, đến 12 giờ chúng chiếm lại cầu. 21 giờ, quân ta tổ chức đánh chiếm lại. Từ đêm 29 đến rạng sáng 30-4, giữa vòng vây của địch từ hai phía (Thủ Đức về và Sài Gòn ra), trong thế giằng co quyết liệt với địch, các chiến sĩ đặc công đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường bám trụ, đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch có xe bọc thép, pháo, máy bay, ca-nô... yểm trợ, diệt và làm tan rã hai tiểu đoàn, bắt sống hàng trăm tên. Hàng nghìn lính ngụy từ khu liên trường Thủ Đức và tàn quân Sư đoàn 18 từ Xuân Lộc, Biên Hòa tháo chạy về, đều bị chặn lại ở đầu cầu Rạch Chiếc, gây ách tắc, hoảng loạn, khiến binh sĩ ngụy bỏ xe, quăng súng, cởi áo, tháo giày vứt ngổn ngang đầy đường, tìm mọi cách lẩn trốn. 9 giờ 30 phút sáng 30-4, chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 và theo sau là bộ đội Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 ào ạt tiến đến, lao nhanh qua cầu giữa tiếng reo vui của hơn 100 chiến sĩ xạm đen vì khói súng, máu và bùn đất.
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra trận đánh oai hùng ấy, thành phố có nhiều thay đổi. Cầu Rạch Chiếc vẫn còn đây, xa lộ Hà Nội được mở rộng. Thủ Đức trước kia, quận 2 ngày nay được thành phố chọn làm quận trung tâm trong tương lai, đang vươn mình nhanh chóng. Những địa danh: Bưng 6 xã, An Lợi, Thạnh Mỹ, Bình Trưng, Giồng Ông Tố, An Phú, An Khánh... nổi tiếng thời kháng chiến, đang thay da đổi thịt hằng ngày. Đi đâu cũng thấy công trường xây dựng. Bên cầu Rạch Chiếc, dọc theo xa lộ Hà Nội, khu đô thị mới An Phú - An Khánh hiện đại đang được khẩn trương xây dựng và đã thấy rõ dáng dấp, hình hài với hàng trăm hạng mục công trình: đường giao thông, khu nhà ở cao tầng, nhà vườn, trường học, bệnh viện, khách sạn, siêu thị, nhà hàng, câu lạc bộ, nhà văn hóa, công viên cây xanh... phục vụ người dân định cư tại chỗ và đón khoảng 35.000 người từ trung tâm thành phố ra ở. Khu liên hiệp thể dục - thể thao Rạch Chiếc cũng đã được thành phố phê duyệt, và nhiều công trình khác sắp mọc lên.
Tháng tư, về thăm lại cầu Rạch Chiếc, gặp, nghe các cựu chiến binh kể chuyện đánh giặc, càng cảm phục và thêm yêu quý những chiến sĩ đã dũng cảm, mưu trí chiến đấu giành, giữ cầu. Cảm ơn các chiến sĩ D81, Z22, Z23, Lữ đoàn 316 đặc công, biệt động đã không quản gian khổ, hy sinh mở đường cho những người lính Quân đoàn 2 chúng tôi thẳng tiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Đứng bên chiếc cầu lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thuật, nguyên cán bộ tham mưu D81, xúc động nhớ về trận đánh năm xưa, bùi ngùi nhớ tới 52 chiến sĩ đã nằm xuống nơi này. Các anh là những người lính còn rất trẻ, từ khắp mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh khi ngày toàn thắng đã cận kề. Anh kể: Năm nào cũng có thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh miền bắc vô tìm mộ các liệt sĩ. Nhiều người đến bên cầu, thẫn thờ, lặng lẽ thắp hương, thả hoa xuống sông tưởng nhớ. Ba mươi năm rồi đó. Ước muốn có một tượng đài bên cầu Rạch Chiếc là nỗi niềm chung của nhiều người, nhất là các đồng chí, đồng đội từng gắn bó với nhau tại Lữ đoàn 316 đặc công hiện đang sống khắp mọi miền đất nước. Đó cũng là cách thể hiện tấm lòng tri ân của mỗi chúng ta trước hương hồn liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập, thống nhất nước nhà.