Tác động của La Nina
TS Nguyễn Lan Châu cho biết: "Gió mùa Ðông Bắc tràn về, nhiệt độ tại phía bắc quá thấp, điển hình như Bắc Kinh (Trung Quốc) nhiệt độ xuống tới -30oC đã tác động đến khí hậu Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa là do biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến mùa nóng thì nhiệt độ cao, mùa lạnh thì nhiệt độ xuống rất thấp. Hiện không chỉ Bắc Kinh mà tại nhiều quốc gia khác, nhiệt độ cũng rất thấp. Bên cạnh đó, năm 2008, Việt Nam chịu ảnh hưởng của La Nina dẫn đến mùa rét năm nay khắc nghiệt".
Người ta ngày càng nhìn thấy rõ hơn những hiểm họa do biến đổi khí hậu. Lũ lụt đang ngày một nặng hơn; hạn hán ngày càng khốc liệt hơn; và cái rét lạnh bất thường của chúng ta hiện nay... đều bắt nguồn từ hiện tượng trái đất đang ấm lên.
Trong khi Việt Nam rét đậm rét hại thì ở Trung Quốc, khoảng 100 triệu người, tức là hơn tổng dân số Việt Nam, rét bất thường thực sự trở thành nỗi ác mộng. Bão tuyết triền miên ở nhiều tỉnh, thành, từ Bắc Kinh, Liêu Ninh ở Hoa Bắc, cho đến Nam Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải ở Hoa Trung, rồi cả Quảng Châu, Nam Ninh ở Hoa Nam và thậm chí cả Thành Ðô, Trùng Khánh ở Trung Tây Nam.
Trước đó, Cơ quan y tế Afghanistan ngày 10-2 đã thông báo có gần 100 người nước này đã phải cắt các ngón tay hay ngón chân do bị đóng băng. Mùa đông được đánh giá là tồi tệ nhất từ trước tới nay tại đây đã làm hơn 750 người thiệt mạng, phá hủy hơn 500 ngôi nhà và làm hư hỏng hàng nghìn ngôi nhà khác kể từ trung tuần tháng 12 năm ngoái.
Các chuyên gia môi trường nhận xét: Nếu nhìn trở lại cùng thời điểm này năm 2007, những dấu hiệu của sự bất thường thể hiện rất rõ ở sự tương phản. Tết âm lịch năm 2007, miền bắc thiếu hẳn những ngày xuân giá rét, thay vào đó là tiết trời ấm áp. Trong ba tháng mùa khô, nhiệt độ trung bình trên hầu hết lãnh thổ nước ta đều lớn hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 2oC. Khô hạn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, nhất là ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Nhận xét về vấn đề này, ông Lê Nguyên Tường, Trưởng phòng Khoa học Ðào tạo và Hợp tác Quốc tế (Viện Khí tượng Thủy văn - Môi trường trung ương) cũng không khỏi lo ngại: "Khí hậu trái đất từ xưa đến nay luôn biến đổi, dao động xung quanh trạng thái trung gian. Nghĩa là có những giai đoạn này, khu vực này nóng hơn giá trị trung bình và có những giai đoạn kia, khu vực kia lạnh hơn giá trị trung bình. Nhưng ấm nóng toàn cầu, biến đổi khí hậu do con người gây ra khoảng 100 năm lại đây làm cho các dao động khỏi giá trị trung bình trở nên cực đoan hơn và lặp lại nhiều hơn. Chúng ta đã, đang, và sẽ chứng kiến tình trạng nhiều đợt nắng nóng, khô hạn hơn, nhiều trận bão, lụt khốc hại hơn, và nhiều đợt giá lạnh bất thường hơn ở Việt Nam, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu".
Tác động của con người
Các chuyên gia môi trường khẳng định chắc chắn rằng sự biến đổi khí hậu phần lớn là do tác động của con người đối với điều kiện tự nhiên. Tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,1 - 0,3oC. Lượng mưa mùa giảm trong tháng bảy, tháng tám và tăng lên trong tháng 9, 10, 11. Ðiều này cho thấy lũ lụt mang tính tập trung nhiều hơn. Trong 30 năm trở lại đây, số cơn bão và mức độ ảnh hưởng của nó đến nước ta cũng có xu hướng tăng rõ rệt. Tình hình lũ lụt lớn xảy ra ở các tỉnh miền trung và đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng hơn đầu thế kỷ trước. Lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng núi do rừng bị tàn phá nhanh chóng. Hạn hán cũng xảy ra nhiều và thường xuyên hơn.
Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cảnh báo rằng, Việt Nam nằm trong năm nước hàng đầu trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Dự báo, đến năm 2010, nhiệt độ vùng duyên hải tăng 0,3oC, ở vùng nội địa tăng 0,5oC; 2050 nhiệt độ gia tăng tương ứng là 1,1oC và 1,8oC; 2070 là 1,5oC và 2,5oC.
Do tác động từ sự ấm lên của Trái đất, nước biển dâng cao sẽ xâm thực dần đất đai. Cứ sau mỗi 10 năm, nước biển dâng cao thêm 0,5cm. Ðến năm 2070, nước biển dâng cao so với hiện nay 0,7 mét.
Trước mắt có ba khu vực chịu tác động rõ nhất do biến đổi khí hậu là vùng núi tây bắc Việt Nam (Lạng Sơn) sẽ có một số loài thực - động vật bị tuyệt chủng do nhiệt độ tăng. Tỉnh Ninh Thuận diện tích bị hoang mạc hóa tăng nhanh, hạn hán kéo dài dẫn đến nguy cơ không thể tồn tại các loài động thực vật. Ðặc biệt, vùng ven biển tỉnh Bến Tre (nơi thấp nhất so với cả nước), do nằm ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều cửa sông, cù lao có độ cao địa hình rất thấp, nên hiểm họa do biến đổi khí hậu tác động đến khu vực này là tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng, đồng thời tăng nhiệt độ và tăng lượng mưa. Nếu nước biển tăng 1m, thì 7% diện tích đất nông nghiệp sẽ ngập lụt, tổng sản lượng lương thực sẽ giảm khoảng 12% (xấp xỉ 5 triệu tấn), ngoài ra sẽ gây tác động tiêu cực đến 5% đất đai, gần 11% dân số và 10% GDP.
Sự tăng nhiệt độ do hiện tượng ấm lên cũng sẽ làm tăng hiệu ứng bất lợi cho cơ thể do khí hậu nóng, tai nạn do thiên tai, bệnh do ô nhiễm cũng như khả năng truyền nhiễm và sức đề kháng của cơ thể giảm.
Phải làm gì?
Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho biết các nguy cơ chính đe dọa hành tinh chúng ta như biến đổi khí hậu, tốc độ tuyệt chủng của các loài và thách thức của việc cung cấp lương thực cho số dân cư ngày càng tăng. Con người đang sống vượt xa ngưỡng cho phép. Dân số thế giới đông đến mức "Nguồn tài nguyên cần thiết để duy trì cuộc sống của con người vượt quá mức có sẵn hiện nay. Nhu cầu môi trường của con người là 21,9 héc-ta/người trong khi năng lực sinh thái của Trái đất chỉ có thể cung cấp trung bình 15,7 ha/người". Sự suy thoái và cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, hải sản, đất đai; đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng, sự xâm nhập của các loài sinh vật lạ, áp lực khu vực, sự phát thải, thế giới phát triển không đồng đều và biến đổi khí hậu đã trở thành "vấn đề toàn cầu hàng đầu".
Việc khắc phục các nguyên nhân cơ bản của các sức ép môi trường luôn gắn theo một điều kiện: môi trường cho sự phát triển, không phải là sự phát triển gây tổn hại đến môi trường. Ðể giảm đến mức thấp nhất tác động của tình trạng này, con người phải cắt giảm rất nhiều lượng khí nhà kính vào giữa thế kỷ này. Ðó là việc làm không thể chậm trễ.